PGS. TS Lê Anh Tuấn: Mạch nước ngầm khai thác tràn lan là nguyên nhân chính dẫn đến vụ sụt lún
01/11/2024TN&MTHiện nay, hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường và sạt lở bờ sông, bờ biển,… diễn ra thường xuyên, gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tại thành phố Cần Thơ, hạn mặn cũng xuất hiện lần đầu tiên tại địa bàn quận Cái Răng với độ mặn đo được 3,4‰ cao nhất từ trước đến nay.
Các chuyên gia đã cảnh báo, trong quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mạch nước ngầm được khai thác tràn lan là nguyên nhân chính dẫn đến vụ sụt lún. Từ đó, nền đất bị dịch chuyển kéo theo việc sạt lở bờ sông, bờ biển. Để làm rõ hơn vấn đề khai thác và sử dụng nguồn nước tại vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Lê Anh Tuấn - Cố vấn khoa học Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, trường Đại học Cần Thơ về vấn đề này.
PGS.TS Lê Anh Tuấn - Cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ
PV: Thưa ông, xin ông có thể phác thảo một số vấn đề thực trạng của nguồn nước hiện nay ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long?
PGS. TS Lê Anh Tuấn:
Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn nước rất quan trọng trong vấn đề phát triển nông nghiệp cũng như dân sinh cho cả vùng. Hiện nay, nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn nước xuyên biên giới. Bởi vì, Đồng bằng sông Cửu Long là hạ lưu cuối cùng của sông Mê Kông thì tất cả những diễn biến, khai thác nguồn nước ở phía thượng nguồn như các đập thủy điện hoặc những dự án chuyển nước hay khai thác nước ở mùa khô phía trên ảnh hưởng tới Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn. Và ảnh hưởng đó bao gồm có sự thay đổi về đặc điểm dòng chảy, sự giảm sút phù sa và nguồn thủy sản từ thượng nguồn đổ về Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó còn có những tác động về biến đổi khí hậu và nước biển dâng - Đây là tác động mang tính toàn cầu nhưng gây ảnh hưởng khá lớn cho cả vùng lưu vực của sông Cửu Long. Với sự gia tăng của khô hạn và nắng nóng đã làm cho nguồn nước đến khu vực ít đi, đồng thời nước biển dâng làm cho mạng lưới xâm nhập sâu vào trong nội địa gây ra khó khăn trong việc cấp nước, công tác nông nghiệp cũng như các yếu tố khác.
Yếu tố ảnh hưởng tiếp nữa là sự khai thác nguồn nước không bền vững. Thí dụ như, chúng ta sử dụng nước ngầm quá nhiều hoặc là chúng ta thâm canh trong nông nghiệp làm cho nguồn nước bị ô nhiễm. Chưa kể đến việc chúng ta có một số công trình cũng làm cho chất lượng nước bị ảnh hưởng đáng kể.
PV: Thưa ông, nếu như việc sử dụng nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long không hợp lý thì sẽ dẫn đến những hệ lụy như thế nào?
PGS. TS Lê Anh Tuấn:
Thứ nhất, chúng ta gây lãng phí nguồn nước. Khi chúng ta sử dụng nước quá nhiều cho một loại cây trồng, ví dụ như cây lúa thì sẽ gây ra sự thiếu hụt nước cho các canh tác khác. Hoặc là khi chúng ta sử dụng nước mà không biết cách bảo vệ nguồn nước thì chắc chắn nguồn nước sẽ bị ô nhiễm. Và sự ô nhiễm này sẽ không chỉ ảnh hưởng tới mọi ngành kinh tế khác nhau mà còn tới sức khỏe cộng đồng.
Thứ hai, việc chúng ta khai thác nước ngầm quá mức sẽ dẫn tới tình trạng lún sụt đồng bằng hoặc làm thay đổi những đặc điểm sinh thái vốn có của vùng đồng bằng.
PV: Vậy theo ông, những giải pháp nào để góp phần cho việc sử dụng nước ở Đồng bằng sông Cửu Long trở nên hiệu quả hơn?
PGS. TS Lê Anh Tuấn:
Chúng ta phải có những đánh giá kiểm kê nguồn nước một cách đầy đủ và chi tiết. Kế tiếp là chúng ta tổ chức lại sản xuất theo hướng sử dụng nguồn nước hiệu quả hơn, không được gây ra lãng phí nước hay những tai họa liên quan tới nguồn nước.
Tiếp theo, chúng ta phải nghĩ tới vấn đề tiết kiệm nước để ngày càng tạo được giá trị cao hơn. Cuối cùng, chúng ta phải bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm cũng như nguồn tài nguyên nước mặn để tránh sự suy thoái gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
PV: Cảm ơn PGS.TS Lê Anh Tuấn về cuộc trao đổi này!
Hường Linh (thực hiện)