PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân: Nhân lên ngọn lửa đam mê
12/08/2022TN&MTTrước khi PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân lên đường sang Pháp nhận giải thưởng nhà khoa học trẻ tài năng thế giới thuộc chương trình giải thưởng khoa học L,Oreal- UNESCO vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học tổ chức tại Paris ngày 22/6/2022, tôi đã gặp Hồ Thanh Vân tại Hà Nội. Được đồng hành cùng cô trong thời gian mấy ngày tại Hà Nội, khi ấy Vân ra để nhận Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho các nhà khoa học nữ với những thành quả nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.
Nói là ra nhận Bằng khen, nhưng PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân gần như không có thời gian riêng cho mình, kín lịch và lúc nào cũng tất bật với điện thoại, công việc trên máy tính. Cô làm việc từ 8 giờ tối đến 2, 3 giờ sáng. Công việc cuốn cô đến mức quên chăm sóc cho bản thân mình. Cô chia sẻ: “Phụ nữ làm khoa học chịu áp lực rất lớn vì phải cân bằng được giữa niềm đam mê khoa học và trách nhiệm đối với gia đình. Nhiều lúc vì công việc mà cô chưa làm tròn nhiệm vụ của người mẹ, người vợ”.
Hiện PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân là Trưởng phòng KHCN và Quan hệ Đối ngoại, Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh. PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân luôn có một đam mê và tham vọng được cống hiến hết mình cho khoa học. Sau khi hết giờ làm việc ban ngày ở Trường hay Phòng thí nghiệm, buổi tối của Cô lại là các buổi gặp họp nhóm hướng dẫn các nhóm nghiên cứu khoa học và các công việc nghiên cứu giảng dạy của mình.
PGS. TS. Hồ Thanh Vân tâm sự: “Làm khoa học sẽ bị cuốn hút vào đam mê, vào guồng quay và không biết khi nào mình sẽ đạt thành công vì đó là một con đường dài. Có thể 1 ngày, 1 tháng, 1 năm hoặc lâu hơn nữa thậm chí cả 1 cuộc đời làm khoa học. Vì vậy, khi đã đam mê và muốn có thành công, người làm khoa học sẽ dành rất nhiều thời gian và vượt qua khó khăn, áp lực để làm, thời gian cho bản thân và cho gia đình ít đi rất nhiều. Để làm được khoa học, người phụ nữ buộc phải tìm cách cân bằng giữa đam mê dành cho khoa học và trách nhiệm đối với gia đình. Đó thực sự là một áp lực rất lớn. Tuy nhiên, cô luôn được gia đình ủng hộ, làm động lực cho cô có điều kiện và thời gian cống hiến”.
PGS. TS. Hồ ThịThanh Vân (áo dài xanh) tại Lễ nhận giải thưởng khoa học L’Oréal – UNESCO
Việt Nam có nhiều nhà khoa học giỏi, trong đó có PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân, nhưng với Vân có điều rất khác biệt, cô ấy cống hiến hết mình để nhân lên ngọn lửa tình yêu khoa học ở mọi phương diện, bởi Vân muốn xây dựng, phát triển các hướng đào tạo và nghiên cứu cho các thế hệ Việt Nam và đóng góp cho nền KHCN nước nhà. Khi tôi hỏi, điều gì vui nhất trong cuộc đời làm khoa học của Vân, cô nói: “Niềm vui lớn nhất là đào tạo được thế hệ kế cận. Việc hướng dẫn sinh viên thực ra là công việc tôi cảm thấy vui nhất, hơn cả những lần đạt được những giải thưởng về khoa học. Khi đào tạo được một sinh viên, nghiên cứu sinh thành đạt, các bạn nhận được học bổng đi du học toàn phần các nước phát triển hay làm việc ở các Trường, Viện nghiên cứu, các tập đoàn lớn trong và nước, hoặc đạt được thành tích xuất sắc trong khoa học công nghệ.
Hơn 10 năm qua, từ khi quyết định về Việt Nam công tác, PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân luôn tâm huyết, tạo điều kiện tốt nhất cho các bạn học sinh, sinh viên, thạc sĩ, nghiên cứu sinh. PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân đã cùng các đồng nghiệp, Nhà trường xây dựng các thế hệ đào tạo liên tục, từ các bạn học sinh (cấp 2, 3) đam mê nghiên cứu khoa học đến các thạc sĩ, nghiên cứu sinh và các nhà khoa học trẻ và đã dành nhiều giải quán quân như cuộc thi: Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka năm 2018, 2019, 2020; Quán quân cuộc thi Startup Bootcamp 2021; Top 20 dự án toàn cầu cuộc thi khởi nghiệp Hack4Growth 2021; Top 10 dự án về các giải pháp xử lý, kiểm soát ô nhiễm không khí Hội trại sáng kiến thanh niên hành động vì không khí sạch 2021.
Từ những thành tích này, PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân đã nhân lên niềm đam mê trong giới trẻ, tạo ra những nhóm nghiên cứu rất mạnh cho sinh viên tham gia. Mỗi lần như vậy, PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân thấy vui và hạnh phúc vì phần nào đã luôn giữ được nhiệt huyết để đào tạo được lớp thế hệ kế cận, đóng góp cho khoa học nước nhà.
Vì vậy, thành tích của PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân đã được ghi nhận như: Top 23/100 Nhà khoa học xuất sắc châu Á 2020, giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2020 - Lĩnh vực Môi trường, Nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam 2019 do tổ chức L’Oréal – UNESCO trao tặng, giải thưởng Nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới năm 2022 do tổ chức L’Oreal và Unesco trao tặng, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN về có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, đóng góp cho phát triển KH&CN năm 2022,... góp thêm niềm tự hào cho Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh nói riêng và ngành TN&MT nói chung.
PGS. TS. Hồ ThịThanh Vân chụp ảnh cùng Ban Lãnh đạo nhà trường, người thân chụp ảnh lưu niệm tại Trường Đại học TN&MT?TP. Hồ Chí Minh
Năm 2022 là năm có nhiều dấu ấn đối với PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân, đó là nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt, lĩnh vực môi trường cho hai công trình. Trong đó, công trình về công nghệ xử lý nước thải với chi phí thấp, thân thiện môi trường bằng hồ sinh học phủ hệ thực vật thủy sinh mới ứng dụng xử lý nước thải rất hiệu quả cho các khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là công trình PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân rất tâm đắc khi thực hiện được. Ngoài ra, là công trình nghiên cứu về pin nhiêu liệu, pin mặt trời. Đây là những dạng năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng thay thế hiện nay và trong tương lai cho các dạng năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và là nguyên nhân gây ra khí nhà kính CO2, BĐKH ở Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Các công trình này có tính cấp thiết rất lớn.
Đặc biệt hơn, với công trình nghiên cứu “Nghiên cứu phát triển pin nhiên liệu và năng lượng hydro xanh - thiết lập chu trình tuần hoàn năng lượng xanh, tái tạo và bền vững” PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân đã được Hội đồng giám khảo Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới đánh giá rất cao về dự án và được vinh danh là 1 trong 15 nhà nữ khoa học trẻ tài năng thế giới 2022- Giải thưởng được trao ngày 22/6 tại Paris (Pháp). Dự án nhằm tiếp cận và giải quyết những vấn đề mang tính cấp thiết và thách thức toàn cầu về an ninh năng lượng, BVMT hướng đến phát triển bền vững bằng việc thiết lập vòng tuần hoàn năng lượng sạch, trong đó tập trung vào việc nghiên cứu và sản xuất năng lượng hydro xanh, pin nhiên liệu tạo ra một vòng tuần hoàn năng lượng xanh, sạch, bền vững có khả năng tái tạo và thân thiện với môi trường nhằm thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch, giảm sự nóng lên toàn cầu. Dự án này có ý nghĩa quan trọng trong việc chung tay đóng góp vào cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung tại Hội nghị.
Đây là giải thưởng danh giá nằm trong khuôn khổ chương trình Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học, do Quỹ L’Oréal và UNESCO tổ chức. Giải thưởng năm nay được trao cho 15 nhà nghiên cứu khoa học nữ triển vọng được Hội đồng khoa học UNESCO lựa chọn và trao giải trong tổng số số 250 hồ sơ của các nhà khoa học của 250 quốc gia trên 5 châu lục của thế giới từ các chương trình quốc gia và khu vực vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học. Trị giá giải thưởng là 15.000 euro (15.840 USD), cùng các chương trình đào tạo về kỹ năng lãnh đạo cho các nhà khoa học nữ.
Đối với PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân, giải thưởng này là một vinh dự lớn lao, là niềm tự hào không chỉ với cá nhân chị mà với cả đội ngũ nữ trí thức trẻ làm nghiên cứu khoa học và với đất nước Việt Nam. PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân mong rằng sẽ có nhiều nhà khoa học nữ theo đuổi sự nghiệp khoa học mà theo cô có nhiều chông gai, nhưng nếu đam mê và có một chút hy sinh bản thân mình thì các nhà khoa học nữ sẽ có thể vượt qua được những trở ngại để thành công, từ đó đóng góp nhiều cho cộng đồng, cho nền khoa học của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân mong muốn, trong thời gian tới có nhiều các nhà khoa học trẻ vừa làm tốt chuyên môn và cống hiến cho khoa học. Trong các trường đại học thì có nhiều giảng viên vừa làm tốt đào tạo vừa cống hiến cho khoa học để truyền cảm hứng cho sinh viên và đào tạo được nhiều trò giỏi.
PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân có nhiều trăn trở, làm nghiên cứu khoa học cần có sự đầu tư kinh phí, chất xám,… Sẽ là trở ngại nếu như trường đại học không có cơ chế, chính sách tạo điều kiện tốt và thúc đẩy nghiên cứu cho giảng viên. Bên cạnh đó, nền khoa học Việt Nam cần được phát triển, đóng góp nhiều cho cộng đồng, xã hội, và từ đó định vị được vị trí Việt Nam trên bản đồ KHCN của thế giới. Để làm được điều đó, rất cần sự đóng góp của các nhà khoa học có tâm huyết. Song song với đó, cần một số nguồn đầu tư cho KHCN, thực tế Việt Nam chưa nhiều so với các nước phát triển, trong khi KHCN là cuộc cách mạng thay đổi nền kinh tế. Ngoài ra, còn một số thủ tục liên quan đến cơ chế, chính sách, quy trình tài chính khi triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Hiện nay, còn mất khá nhiều thời gian cho việc này. Cần có lộ trình cải tiến quy trình đơn giản và hiệu quả hơn, để các nhà khoa học có nhiều thời gian dành cho nghiên cứu, dồn toàn tâm toàn ý cho chuyên môn, cống hiến tốt hơn. Và một điều quan trọng nữa, làm sao để nghiên cứu ra được thị trường, đến với cộng đồng. Điều này một mình nhà khoa học không làm được, cần phải có sự phối hợp, tham gia từ nhiều phía: Từ nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, địa phương,… Vì nếu những công trình vẫn chỉ là những nghiên cứu, báo cáo, sẽ là lãng phí rất lớn cho cả Nhà nước và nhà khoa học.
PHẠM THỊ NGỌC ANH
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam