Nữ Giáo sư tận tụy, đam mê nghiên cứu khoa học
12/08/2022TN&MTNhắc đến Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, những người làm công tác khoa học, quản lý đều dành cho chị sự cảm mến đặc biệt.
GS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương công tác tại Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH), một Viện với hơn 45 năm bề dày thành tích, nhiều năm liền vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba,... Đóng góp chung với thành tích đó, chị luôn nỗ lực phối hợp với tập thể lãnh đạo Viện tham gia chỉ đạo công tác chuyên môn, các phong trào thi đua hoàn tốt nhiệm vụ. Hiệu quả là đã huy động sức mạnh của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng, tư duy sáng tạo, thể hiện nhiệt huyết và quyết tâm trong công cuộc xây dựng và phát triển Viện. Từ đó, có những đề xuất giải pháp, sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, cách làm hay, mô hình hiệu quả tác động trực tiếp đến hoạt động quản lý điều hành; xây dựng, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách pháp luật TN&MT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý TN&MT trên phạm vi cả nước.
Nữ Giáo sư đã kinh qua các chức vụ: Trưởng phòng Nghiên cứu Dự báo Thủy văn và TNN; Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu BĐKH, Viện Khoa học KTTVMT, rồi Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu BĐKH, Viện KTTVMT,... Từ tháng 7/2014 đến nay, chị đảm nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng Viện KTTVBĐKH, Ủy viên BCH Đảng bộ Bộ TN&MT, Phó Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Viện. Chị đã và đang giảng dạy nhiều môn học cơ sở và chuyên ngành cho bậc đại học và sau đại học ở Đại học Thủy lợi, Đại học Khoa học Tự nhiên; Đại học TN&MT Hà Nội; Đại học Xây dựng miền Trung và Viện KTTV&BĐKH.
Tâm sự về nghề nghiệp, GS.TS. Lan Hương cho biết: Trong quá trình hơn 30 năm làm công tác nghiên cứu khoa học và 14 năm tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học, bản thân luôn học hỏi được nhiều từ những thế hệ đi trước và những đồng nghiệp, được tiếp cận và giải quyết nhiều vấn đề khoa học khó. Chị nhận thấy rằng, các thành quả khoa học sẽ thực sự hữu ích khi nó phục vụ phát triển KT-XH, PCTT quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH. Chị tâm niệm, phải luôn định hướng những nghiên cứu tác động, rủi ro do thiên tai và BĐKH đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên nhằm phục vụ nhân dân, để đất nước phát triển bền vững. Hướng tới việc nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, đưa các nghiên cứu chuyên sâu về thủy văn, thủy lực, TNN, BĐKH trong các bài giảng, chuyên đề cho sinh viên, học viên cao học và NCS. Đến nay, chị đã hướng dẫn 5 luận văn thạc sĩ và 3 NCS bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ về thủy văn, TNN và quản lý rủi ro thiên tai; hướng dẫn 9 luận văn thạc sĩ và 2 NCS bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ về BĐKH.
GS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương có hơn 120 bài báo khoa học trên các Tạp chí, Kỷ yếu hội thảo khoa học trong và ngoài nước; chủ trì biên soạn và xuất bản giáo trình, sách chuyên khảo; giáo trình. Chủ nhiệm của một số đề tài nghiên cứu các cấp, làm Chủ nhiệm đề tài nhánh của các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước.
Chị đã triển khai các nghiên cứu liên quan đến quản lý rủi ro thiên tai. Năm 2015, cùng với hơn 50 nhà khoa học về các lĩnh vực liên quan, chị đã tham gia chủ biên Chương 7 của Báo cáo đặc biệt về Quản lý các hiện tượng cực đoan và thiên tai nhằm thúc đẩy thích ứng với BĐKH. Đây là báo cáo toàn diện nhất về cực đoan khí hậu, rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH, giới thiệu hệ thống quản lý rủi ro thiên tai và cực đoan khí hậu ở Việt Nam hướng tới một tương lai có sức chống chịu và bền vững.
Chia sẻ với chúng tôi, chị cho biết, Dự án “Điều tra khảo sát, phân vùng nguy cơ và cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét ở miền núi lãnh thổ Việt Nam” (2009-2012), cùng với nhóm thực hiện, chị đã xây dựng bản đồ phân vùng hiện trạng lũ quét và cảnh báo khả năng xuất hiện nguy cơ lũ quét trên cơ sở xác định ngưỡng mưa gây lũ quét. Nghiên cứu khoa học luôn gắn liền với xây dựng các hệ thống văn bản pháp luật. Trong khuôn khổ dự án “Xây dựng mức nước tương ứng cấp báo động lũ cho các lưu vực sông ở Việt Nam”, cùng với nhóm thực hiện, chị đã triển khai công tác nghiên cứu và kết quả của dự án đã được dùng để đề xuất các nội dung trong Quyết định số 05/2020/QĐ-TTg quy định mức nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước. Năm 2018, chị đề xuất đề tài nghiên cứu KHCN cấp Quốc gia “Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ quản lý đa thiên tai, xây dựng công cụ hỗ trợ ra quyết định ứng phó với đa thiên tai, áp dụng thí điểm cho khu vực ven biển Trung Trung Bộ”. Qua đó, xây dựng được phương pháp đánh giá rủi ro đa thiên tai và xây dựng bộ công cụ hỗ trợ công tác quản lý rủi ro đa thiên tai. Đây là một hướng nghiên cứu rất mới tại Việt Nam.
Nhận thức được những tác động của BĐKH toàn cầu và Việt Nam, những nghiên cứu trong giai đoạn sau 2010, chị tập trung vào đánh giá tác động của BĐKH, từ đó, xây dựng các giải pháp thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải KNK. Kết quả nổi bật về hướng nghiên cứu này của chị là chủ nhiệm đề tài cấp Quốc gia: “Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ công tác quản lý nhà nước”. Đề tài đã xây dựng được bộ chỉ số đánh giá hiệu quả thích ứng với BĐKH, kết quả đánh giá sẽ là cơ sở khoa học phục vụ quản lý nhà nước về BĐKH.
Một trong những nguyên nhân gây gia tăng tốc độ BĐKH hiện nay là sự phát thải KNK toàn cầu. Kiểm kê KNK là một trong những hoạt động bắt buộc, trên cơ sở số liệu kiểm kê KNK, các quốc gia có thể xây dựng các phương án cắt giảm phát thải cho từng ngành, từng lĩnh vực. Trong khuôn khổ dự án: “Tăng cường năng lực quốc gia về kiểm kê KNK”, chị tham gia với vai trò trưởng nhóm thực hiện kiểm kê KNK cho các lĩnh vực: Năng lượng; quá trình công nghiệp; và sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và rừng. Công tác ứng phó với BĐKH còn gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách. Chính vì vậy, việc nghiên cứu cơ sở khoa học hỗ trợ xây dựng chính sách về BĐKH rất quan trọng. Một kết quả nghiên cứu quan trọng của GS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương là xây dựng hướng dẫn kỹ thuật để lồng ghép các vấn đề BĐKH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH. Các kết quả nghiên cứu đóng góp cho việc xây dựng văn bản pháp luật về BĐKH. Trong năm 2019, chị tham gia xây dựng Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; năm 2020, tham gia xây dựng Chương Ứng phó với BĐKH trong Luật BVMT sửa đổi; tham gia xây dựng, cập nhật báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho Việt Nam,...
Qua thực tế tìm hiểu tại Viện, mọi người đánh giá chị có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả cao trong thực hiện. Như: Nghiên cứu các giải pháp KHCN quản lý đa thiên tai, xây dựng công cụ hỗ trợ ra quyết định ứng phó với đa thiên tai, áp dụng thí điểm cho khu vực ven biển Trung Trung Bộ. Sáng kiến ứng dụng trong công tác cảnh báo, ứng phó với đa thiên tai xảy ra ở Việt Nam, góp phần hạn chế tối đa những thiệt hại do tổ hợp đa thiên tai gây ra. Cung cấp cơ sở khoa học nhằm phát triển công nghệ dự báo, cảnh báo rủi ro đa thiên tai; là căn cứ quan trọng trong việc xây dựng các phương án phòng tránh và quản lý rủi ro thiên tai và hoạch định chiến lược phát triển KT-XH ở nước ta. Sáng kiến tổ chức thực hiện các nội dung của Dự án “Điều chỉnh, bổ sung mực nước tương ứng các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước. Hiệu quả mang lại là cơ quan PCTT các đơn vị nghiên cứu và người dân đều có thể sử dụng kết quả để đánh giá tác động, rủi ro của lũ đến dân cư và môi trường, từ đó xây dựng các giải pháp ứng phó với BĐKH. Khi có hiểu biết về cấp báo động, thông qua kết quả dự báo trên truyền thông sẽ giúp người dân chủ động phòng, tránh lũ, giảm thiểu thiệt hại sinh mạng và tài sản. Cấp báo động lũ giúp cho công tác PCTT nghiên cứu, xây dựng, quy hoạch và phát triển bền vững KT-XH, môi trường sinh thái của mỗi khu vực, địa phương.
Chị tâm sự: “Giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ là do sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong Đảng ủy và lãnh đạo Viện; sự đoàn kết của cán bộ viên chức và người lao động tạo không khí thi đua, phấn đấu, hăng say làm việc, hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Bản thân luôn đảm bảo tốt công tác chỉ đạo điều hành; nỗ lực, sáng tạo và có tinh thần trách nhiệm cao. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Tìm hiểu các chính sách, pháp luật mới của Đảng và Nhà nước về công tác chuyên môn, để tuyên truyền, nhằm tạo ra sự thống nhất trong việc chỉ đạo thực hiện, trong vận động, tổ chức các phong trào thi đua đúng hướng và đạt hiệu quả”.
Với những thành tích nghiên cứu khoa học cống hiến, nhiều năm liền chị đạt Danh hiệu Chiến sĩ Thi đua ngành TN&MT; Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp TN&MT; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen Bộ trưởng Bộ TN&MT. Được Bộ trưởng Bộ TN&MT công nhận là điển hình tiên tiến ngành TN&MT giai đoạn 2015-2020 và được tôn vinh tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành TN&MT lần thứ IV,... Đặc biệt năm 2021, chị nhận quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư ngành Thủy lợi và nhiều giấy khen, bằng khen khác; năm 2022, chị vinh dự được Viện đề nghị tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
PHƯƠNG ĐÔNG