Nữ doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo trong mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn
23/10/2024TN&MTChương trình được chủ trì tổ chức bởi Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội - Sở Kế hoạch & Đầu tư Thành phố Hà Nội; Campus K và Viện hỗ trợ đổi mới sáng tạo Doanh nghiệp.
Nhằm giúp các doanh nghiệp nữ cập nhật những xu hướng, đáp ứng tiêu chuẩn và cơ hội mới nhất tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm chi phí, sản phẩm thân thiện với môi trường,…từ đó đưa ra những giải pháp về đổi mới sáng tạo trong mô hình kinh doanh để tăng cường khả năng cạnh tranh, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội phối hợp với Viện Hỗ trợ Đổi mới Sáng tạo và Campus-K tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề: Đổi mới sáng tạo trong mô hình kinh doanh - Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn.
Nội dung buổi Tọa đàm, đại diện các nhà quản lý doanh nghiệp, các doanh nhân nữ sẽ nhằm chia sẻ các mô hình sáng tạo khởi nghiệp xanh, phương thức phát triển sản xuất theo hướng bền vững của chính doanh nghiệp, đơn vị mình. Đồng thời, hướng dẫn/giới thiệu quy trình áp dụng đổi mới sáng tạo xanh trong mô hình kinh doanh: lồng ghép thực thi ESG và kinh tế tuần hoàn; Phát huy vai trò của doanh nghiệp nữ trong xu hướng chuyển đổi kép và chiến lược phát triển của doanh nghiệp; Đề xuất các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất bền vững và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn cũng như tiềm năng của chuyển giao công nghệ xanh của các tổ chức doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Đến dự Hội thảo có Bà Lê Thu Hằng - Phó trưởng phòng Khởi nghiệp sáng tạo và Chuyển đổi số, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội; Bà Hoàng Hải Yến - Giám đốc điều hành Campus K - Đại diện đồng hành cùng chương trình; TS. Nguyễn Đình Đáp - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng làng Nông nghiệp thông minh Techfest Quốc gia, sáng lập hệ sinh thái MEVI; Ông Erik Edze - Chuyên gia thị trường Ghana và châu Phi; Bà Nguyễn Thị Lợi - TGĐ CTY CP Phát triển Công nghệ xanh Toàn cầu; Bà Vũ Huyền Trang - Giám đốc kinh doanh nhãn hàng Ecomia (tẩy rửa từ vỏ cam), Công ty cổ phần Life Tech Group.
Đại diện các nhà quản lý doanh nghiệp, các doanh nhân tại buổi tọa đàm
Tại Tọa đàm, trình bày về quy trình vận hành của ESG và những vấn đề liên quan đến tuần hoàn, tái chế chất thải, từ những kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam TS. Nguyễn Đình Đáp - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã chia sẻ: “Đặc biệt nhất là trong khâu bao bì (chiếm 29% toàn nhóm). Ngoài việc sử dụng các loại chai có thể tái sử dụng nhiều lần như lon nhôm thì thương hiệu bia Heineken được thiết kế nhẹ hơn 0,03g so với trước đây. Riêng chỉ 1 chi tiết thay đổi này không mang nhiều ý nghĩa nhưng nếu nghĩ tới con số 1 triệu lon, 1 tỉ lon thì sẽ giảm được lượng nhôm khai thác sử dụng. Đó chính là cách giảm lượng phát thải khí nhà kính.”
TS. Nguyễn Đình Đáp - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
Ngoài ra, khi chia sẻ về chủ đề “đổi mới sáng tạo” của buổi tọa đàm, ông cũng cho biết thêm rằng giảm được khoảng 3,1% lớp giấy và riêng một chi tiết này thôi đã tiết kiệm được 273 tấn giấy/ năm. Ngoài ra, theo tính toán của dấu chân carbon, giảm được 1 đơn vị có nghĩa là giảm được năng lượng xăng dầu sử dụng. Đấy chính là cái đổi mới sáng tạo.
Tiếp đến, khi trình bày tham luận Phụ nữ nông nghiệp với kinh tế tuần hoàn, bà Nguyễn Thị Thu - Chuyên gia phát triển hệ sinh thái trung tâm hỗ trợ sáng tạo Quốc gia, sáng lập hệ sinh thái MEVI chia sẻ: “Theo như kết quả khảo sát chúng tôi thực hiện, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ có hoạt động kinh doanh tốt hơn so với doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Vì vậy vai trò của phụ nữ tham gia những mô hình kinh tế đang được đánh giá rất cao”.
Bà Nguyễn Thị Thu cũng cho biết thêm: Bên cạnh những cơ chế, thể chế, chính sách hỗ trợ cũng rất nhiều những quyền lợi thì vẫn còn tồn tại những rào cản mà phụ nữ gặp phải. Và từ những rào cản đó nên việc tiếp cận những mô hình kinh tế tuần hoàn đối với nhóm phụ nữ, đặc biệt là nhóm tham gia nông nghiệp là vô cùng cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Thu - Chuyên gia phát triển hệ sinh thái trung tâm hỗ trợ sáng tạo Quốc gia, sáng lập hệ sinh thái MEVI
Ngoài ra, khi trình bày nhu cầu thị trường Ghana và châu Phi và cơ hội đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện trạng kinh tế tuần hoàn tại Ghana Ông Erik Edze - Chuyên gia thị trường Ghana và châu Phi cũng nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng nhu cầu chính của thị trường Ghana và châu Phi có thể là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp tại Việt Nam để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của Ghana và châu Phi. Có thể kể tới các ngành như: thương mại điện tử; ngành nghề năng lượng và xây dựng; các ngành công nghệ, chăm sóc sức khỏe, các thiết bị trong ngành y tế; ngành dệt may; ngành nông nghiệp.”
Ông Erik Edze - Chuyên gia thị trường Ghana và châu Phi phát biểu
Quan tâm tới thị trường và hiện trạng kinh tế tuần hoàn tại Ghana, bà Nguyễn Thị Lợi - Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển Công nghệ xanh toàn cầu cũng đã có những câu hỏi về đối tượng nào có thể sang Ganga đăng ký một số dự án nhằm phát triển đổi mới sáng tạo. Trả lời câu hỏi, ông Eric cho biết: “Hoàn toàn có thể. Bởi thị trường Ganga đúng là có những chương trình tài trợ và để có những khoản tài trợ đó là không hề khó. Chính vì vậy mà các tổ chức phi lợi nhuận hay các doanh nghiệp đều có thể sang Ganga để đăng ký dự án nhằm phát triển quá trình đổi mới sáng tạo này.”
Các quý doanh nghiệp chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm “Đổi mới sáng tạo trong mô hình kinh doanh - Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn”
Buổi tọa đàm "Đổi mới sáng tạo trong mô hình kinh doanh - Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn" đã khép lại với nhiều chia sẻ quý báu từ các chuyên gia, doanh nhân và nhà quản lý. Những kinh nghiệm và đề xuất được đưa ra không chỉ giúp các doanh nghiệp nữ tiếp cận sâu hơn với các mô hình kinh tế tuần hoàn, mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển trong nước và quốc tế.
Thùy Linh, Thu Hường