Ninh Bình: Thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng và sử dụng kiến thức bản địa
28/08/2024TN&MTTheo Sở TN&MT Ninh Bình, việc tham gia của cộng đồng dân cư và sử dụng kiến thức bản địa là rất quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Sự tham gia của cộng đồng giúp đảm bảo rằng các giải pháp được đưa ra phù hợp với nhu cầu và tình hình cụ thể của từng địa phương; tạo ra sự cam kết và đồng lòng trong việc thực hiện các biện pháp ứng phó.
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã và đang hiện hữu và tiềm ẩn nhiều mối nguy cho toàn nhân loại, trong đó có Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng. Để con người thích ứng và Di sản văn hóa của Ninh Bình được bảo tồn, phát huy giá trị trong bối cảnh khắc nghiệt của thiên tai đang là vấn đề đặt ra cho các cấp ban, ngành, địa phương sở tại. Cùng chung tay giảm thiểu, thích ứng và ứng phó với Biến đổi khí hậu (BĐKH), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Ninh Bình thường xuyên bám sát, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh về các phương án, kế hoạch hành động, đồng hành cùng các cấp chính quyền, người dân trong lĩnh vực này.
Tỉnh Ninh Bình xác định việc "tăng cường hiệu lực, tạo sự chuyển biến rõ nét trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu" là một trong những nội dung trọng tâm về phát triển kinh tế giai đoạn 2020-2025.
Thời tiết cực đoan, mưa lũ bất thường
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu có những tác động đa dạng, nhiệt độ toàn cầu tăng nhanh dẫn đến nước biển dâng cao, gây ảnh hưởng đáng kể đến các khu vực ven biển và hệ thống sông lớn của Ninh Bình như Gia Viễn, Kim Sơn và Nho Quan. Xâm nhập mặn trong 10 năm trở lại đây diễn ra với chiều hướng xấu đi, không chỉ tiến sâu hơn vào trong nội đồng mà thời gian ảnh hưởng cũng kéo dài hơn. Ở vùng ven biển Kim Sơn, xâm nhập mặn đã lấn sâu vào các cửa sông từ 20-30 km trên sông Đáy và 10-15 km trên sông Vạc.
Mưa lũ xảy ra tại huyện Nho Quan làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân
Theo số liệu thống kê từ năm 2010 đến nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều xảy ra hạn hán trong giai đoạn tưới dưỡng lúa vụ đông xuân, đặc biệt các huyện Nho Quan, Gia Viễn, thành phố Tam Điệp,... diện tích hạn và thiếu nước chiếm bình quân 15-20% diện tích canh tác. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, một số hiện tượng thời tiết cực đoan cũng thường xuyên xuất hiện như nắng nóng gay gắt kéo dài hoặc xuất hiện mưa đá.
Một điều dễ nhận thấy, đó là biến đổi khí hậu có thể gây ra thay đổi trong mô hình mưa và lượng nước, gây xáo trộn đến hệ thống thủy lợi của Ninh Bình. Sự thay đổi về lượng mưa và mùa mưa đã làm tăng nguy cơ lũ lụt hoặc hạn hán, gây khó khăn cho việc quản lý và sử dụng nguồn nước trong khu vực. Điển hình về lũ lụt trong hơn 30 năm qua, các xã vùng phân lũ, xả lũ thuộc 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn đã phải chịu 15 lần phân lũ, vùng hữu Hoàng Long 10 lần và vùng các xã ngoài đê năm nào cũng bị ngập làm ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế của nhân dân trong vùng.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hệ sinh thái và các loài động thực vật; tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp; ảnh hưởng đến nguồn nước; ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng; tác động đến tài nguyên đất... Sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu cực đoan cũng có tác động nhất định các hoạt động tham quan, lễ hội của khách du lịch, nhất là dịp đầu năm...
Có thể trong những năm tới, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng, nghiêm trọng hơn đến Ninh Bình. Trước thực tế như vậy, Sở TN&MT đã có những phương án, kế hoạch đi tắt đón đầu nhằm giảm thiểu rủi do do thiên tai gây ra.
Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó
Theo báo cáo của Sở TN&MT Ninh Bình, hằng năm, Sở đã triển khai một số giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu tác động và tăng cường khả năng chống chịu. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý tăng cường phối hợp triển khai thực hiện lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào hoạt động quản lý chuyên ngành; xây dựng các giải pháp chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, chủ động xử lý tình huống xấu nhất ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trồng rừng ngập mặn- một trong những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở huyện Kim Sơn
Thực tế được biết, Ninh Bình đã triển khai rất tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được chú trọng, tăng cường. Các huyện, thành phố đã rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; tích cực xây dựng và triển khai các dự án, nhiệm vụ để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực ven biển và phòng chống thiên tai khu vực miền núi, như: Trồng rừng ngập mặn phòng hộ ven biển chống xói lở bờ biển; xây dựng hệ thống đê biển, kè, cống, xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất; chủ trương quy hoạch, xây dựng Nhà máy điện linh hoạt khí hóa lỏng, điện gió, điện rác…
Ngoài ra, Ninh Bình đã tập trung vào việc bảo vệ và phục hồi các nguồn nước, bao gồm việc duy trì cân bằng hồ chứa nước, kiểm soát ô nhiễm nước, xây dựng hệ thống thu thập và lưu trữ nước mưa. Bên cạnh đó là thúc đẩy việc bảo vệ và phục hồi rừng, hạn chế việc chặt phá rừng trái phép. Cùng với đó là triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn và hỗ trợ để nâng cao năng lực chống chịu của nông dân trước biến đổi khí hậu; bao gồm việc cung cấp kiến thức về các phương pháp canh tác bền vững, sử dụng nguồn nước hiệu quả và ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan tâm, đầu tư vào việc xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo và ứng phó sự cố, các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu như lũ lụt và hạn hán, giúp cảnh báo sớm và đưa ra các biện pháp ứng phó hiệu quả để giảm thiểu tổn thất và nguy cơ đối với cộng đồng.
Mặt khác, Ninh Bình còn hướng đến thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió, giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chủ động nghiên cứu, tuyển chọn, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, áp dụng các quy trình tốt, hữu cơ, theo hướng hữu cơ nhằm tăng năng suất và tiết kiệm được nguồn tài nguyên; điều tra đánh giá các nguồn phát thải lớn trên địa bàn.
Người dân chủ động thích ứng dựa vào kiến thức bản địa
Theo Sở TN&MT Ninh Bình, việc tham gia của cộng đồng dân cư và sử dụng kiến thức bản địa là rất quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Sự tham gia của cộng đồng giúp đảm bảo rằng các giải pháp được đưa ra phù hợp với nhu cầu và tình hình cụ thể của từng địa phương; tạo ra sự cam kết và đồng lòng trong việc thực hiện các biện pháp ứng phó. Sử dụng kiến thức bản địa là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Mỗi vùng địa lý có những đặc điểm riêng biệt và các vấn đề khác nhau liên quan đến biến đổi khí hậu.
Ảnh minh họa
Sử dụng kiến thức bản địa giúp hiểu rõ hơn về những tác động cụ thể và những giải pháp phù hợp với từng vùng địa lý. Ngoài ra, việc sử dụng kiến thức bản địa còn khuyến khích sự đồng tình và sự chấp nhận của cộng đồng địa phương.
Mỗi cộng đồng và vùng địa phương có sự đa dạng về văn hóa, kiến thức và công nghệ. Sử dụng và kết hợp những nguồn tài nguyên này trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu giúp tăng cường khả năng thích ứng và sự sáng tạo trong việc tìm ra các giải pháp hiệu quả. Nếu chỉ dựa vào các giải pháp từ bên ngoài mà không tận dụng được tiềm năng nội tại của cộng đồng và vùng địa phương, có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện và duy trì các biện pháp ứng phó.
Thiết nghĩ, sự tham gia của cộng đồng dân cư và việc sử dụng kiến thức bản địa sẽ có tính bền vững và hiệu quả trong ứng phó/thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Diệp Anh