Những nét đẹp văn hóa của Khu di tích lịch sử Nhà Lớn (Đền Ông Trần)
29/02/2024TN&MTÔng Nhà Lớn (hay còn gọi là Ông Trần), tên thật là Lê Văn Mưu, sinh năm 1856 tại làng Thiên Khánh, tổng Hà Thành, quận Giang Thành, tỉnh Hà Tiên (nay là xã Tân Khánh Hòa, TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang).
Lịch sử về Ông Trần và Đạo Ông Trần
Ông lớn lên trong bối cảnh đất nước đang thăng trầm vì chiến tranh, bởi thực dân Pháp đô hộ. Theo một số tài liệu ghi chép, khoảng năm 1885, Ông đã tìm đến Bổn sư Ngô Lợi ở làng An Định, dưới chân núi Tượng (nay là xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) để xin làm đệ tử.
Khi ấy, Bổn sư Ngô Lợi là người sáng lập ra giáo phái “Tứ Ân Hiếu Nghĩa”. Năm 1887, quân Pháp tràn vào làng An Định đốt phá hết nhà cửa, chùa chiền, bắt người, tra tấn,... Cho đến năm 1890, Đức Bổn sư Ngô Lợi qua đời, nên Ông phải về quê ở ẩn một thời gian.
Nhà Lớn Long Sơn (Đền Ông Trần)
Để tránh bị thực dân Pháp theo dõi, năm 1891, Ông cùng dòng tộc, gia quyến bằng những chiếc thuyền lớn đã vượt biển từ Hà Tiên vào đến Vũng Vằng (nay là phường Long Toàn, TP. Bà Rịa). Ông định cư ở đó một thời gian và làm nghề bốc thuốc, chữa bệnh, làm muối, bán muối để mưu sinh…
Thời gian sau đó Ông về sống tại khu Rạch Dừa (nay là Phường 10, TP. Vũng Tàu), rồi tìm đến vùng Núi Nứa (một ốc đảo hoang vắng, sình lầy) để khai hoang, trồng lúa, khai thác gỗ và chọn nơi đây là nơi định cư lâu dài. Từ đó, vùng đầm lầy hoang vắng đã biến thành những đồng ruộng bao la, màu mỡ, dân cư tìm đến ngày một đông hơn, nhất là sau nạn thiên tai lũ lụt miền Tây Nam Bộ vào năm 1904. Từ đó, ốc đảo hoang vắng ngày càng trở nên trù phú...
Đến năm 1909, sau khi đã ổn định cư dân trên đảo, Ông liền xin phép chính quyền sở tại xây dựng nhà thờ Đức Khổng Tử (Nhà Thánh).
Năm 1910, khi được chính quyền chấp thuận, Ông bắt đầu khởi công xây dựng Nhà Thánh, kế tiếp ông xây thêm Lầu Trời, Lầu Phật, Lầu Tiên, Lầu Cấm, Lầu Dài,... Rồi Ông xây tiếp 6 dãy phố, dành riêng cho cư dân mới đến có chỗ để cư ngụ (nay chỉ còn 5 dãy phố, 01 dãy đã bị thực dân Pháp đốt).
Một góc xã Long Sơn và quần thể kiến trúc Nhà Lớn - Long Sơn
Ngoài ra, Ông còn xây thêm trường học, khu chợ, nhà máy xây lúa. Đặc biệt hơn, Ông đã biến 02 ha đất vùng hoang vu trở thành một Quần thể kiến trúc đồ sộ, nguy nga tráng lệ, được mọi người vinh danh là “Khu Nhà Lớn”, riêng Ông được người đời tôn kính gọi là “Đức Ông” hoặc “Ông Nhà Lớn”.
Sống tại vùng Núi Nứa (nay là xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) được hơn 30 năm thì Ông mất vào năm 1935. Sau khi Ông qua đời, con cháu và bá tánh tôn thờ ông với tên gọi là Ông Nhà Lớn tại chánh điện Nhà Thánh.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Khu Nhà Lớn vẫn sừng sững, uy nghi nằm dưới chân Núi Nứa cho đến ngày nay,... Nơi đây không chỉ là danh lam thắng cảnh, mà còn là khu thờ tự, được nhiều người khắp nơi tìm đến cúng bái, chiêm ngưỡng, tưởng nhớ.
Cho đến năm 1991, Khu Nhà Lớn được Nhà nước công nhận là “Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Nhà Lớn (Đền ông Trần)”, xếp hạng cấp Quốc gia.
Bức hoành phi có khắc chữ Hán - Nôm "Thái Lê sáng tạo"
Trên thực tế, Ông mang họ Lê, nhưng mọi người gọi là Ông Trần và Đạo Ông Trần, bởi vì sao?
Trước đây, có vài người tự cho rằng Ông có tên Ông Trần là do thời ấy Ông hay “cởi trần” khi khai hoang, làm ruộng rẫy, thì đó là ý niệm sai. Thực tế, mọi người gọi ông là “Ông Trần” xuất phát vì cách thờ tự đặc trưng của Ông, trên bàn thờ kính lễ Ông Trần có chân dung (di ảnh) Ông Nhà Lớn và tấm “Trần Điều” màu đỏ, bọc quanh khung di ảnh (riêng tấm Trần Điều này biểu trưng sự thiêng liêng của Đấng tối cao; Màu đỏ thắm có ý nghĩa là sự sống, là màu máu của chúng sinh), thể hiện tính cộng đồng, tương thân, tương ái…
Từ quan niệm xa xưa, màu đỏ tượng trưng cho dòng máu Lạc Hồng của người Việt, hướng về Tổ quốc, với lòng yêu nước nồng nàn, và đó là Tứ Ân phải trả: Ân Tổ quốc - Ân Tam bảo - Ân Cửu huyền, Ông Bà Cha Mẹ - Ân Đồng bào nhân loại. Cùng với đó, trong quá trình tầm sư học đạo, khi đất nước lâm nguy, Ông luôn đứng vào hàng ngũ nghĩa quân chống giặc Pháp, bảo vệ đất nước… Nên vậy, đạo của Ông khi sáng lập cũng có tâm tư, khí phách của người nghĩa quân Việt yêu nước, tình yêu thương cộng đồng thể hiện qua tấm Trần Điều.
Cho nên, mặc dù Ông mang họ Lê, nhưng người dân (nhất là khách tham quan) chiêm bái Ông Nhà Lớn vẫn kính trọng, gọi ông là Ông Trần và Đạo Ông Trần là vậy. Nếu đi “kỉnh bái” tại nhà khách cũ, chúng ta sẽ nhìn thấy bức hoành phi treo trên cao, nằm uy nghi giữa Nhà khách, có khắc 4 chữ Hán Nôm là “Thái Lê sáng tạo” (có nghĩa là Nhà Lớn do ông Tổ họ Lê sáng tạo)!
Góc nhìn văn hoá và những ngôn từ riêng của Đạo Ông Trần
Đạo Ông Trần không phải là một tổ chức tôn giáo, mà là “tín ngưỡng họ tộc...” (trích trong Văn bản số 4585/UB-VP của UBND tỉnh Bà rĩa - Vũng tàu ngày 29/12/2000). Đạo Ông Trần hội tụ những tinh hoa sáng đẹp, đầy tính nhân văn, kế thừa nên đã tồn tại nhiều nét đẹp văn hóa, thể hiện qua Quần thể Kiến trúc - Văn hóa độc đáo tại Khu Nhà Lớn Long Sơn (Đền ông Trần).
Về hành chính, Ông Trần không khai đạo, nhưng tất cả mọi người vẫn tôn vinh Đạo Ông Trần vì Ông Nhà Lớn (Ông Trần) đã giáo huấn con cháu và bá tánh theo “Kỷ cương - Phép nước - Tu nhân - Học phật”, là “Tinh hoa hội tụ” từ các tôn giáo và giáo phái khác như, Phật giáo, Nho giáo, Khổng giáo, Giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương (do Phật thầy Tây An sáng lập), giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa (do Bổn sư Ngô Lợi sáng lập)...
Đạo Ông Trần có những ngôn từ đặc trưng riêng như: “Dâng cúng” gọi là “dâng kỉnh”; “Đường cát” gọi là “ngọt cát”; “Đám ma” gọi là “đám xác”; “Quan tài” gọi là “bao quan”; “Xôi chè” gọi là “dẽo ngọt”...
Nét đẹp Trang phục (bộ bà ba đen, đi chân trần, râu tóc để dài…)
Áo bà ba đen, được thiết kế may Cổ tròn (tượng trưng cho “Tứ ân phải trả”); 5 nút cài ở chính giữa (tượng trưng 5 điều giáo huấn là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín); 02 mảnh nối kết nhau bằng đường may ở sống lưng phía sau để chiếc áo bà ba trở thành tứ thân (có nghĩa là anh em bốn biển là một nhà, phải đoàn kết, tương thân, tương ái lẫn nhau); Quần đen, được may đáy nem, không có đáy (có ý nghĩa răn dạy con cháu và bá tánh không tham lam, sân si, không nên có “lòng tham không đáy”), luôn giác ngộ, phải có điểm dừng trước mọi cám dỗ thế gian.
Đi chân đất, khi vào Khu Nhà Lớn mọi người đều phải đi chân đất nhằm thể hiện đức tính của người hiếu kính với cha mẹ (có ý nghĩa đầu đội trời, chân đi đất, vì “trời là cha, đất là mẹ”); Để râu tóc dài, theo giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa thường dạy rằng, “thân thể phát phu, thọ chi phụ mẫu, bất khả hủy thương”. Do đó, đàn ông trung niên của Đạo Ông Trần phải để râu tóc dài, không được cắt, búi gọn lên cao.
Bà Lê Thị Đến - Thừa kế nội tộc tông chi 2 của Ông Nhà Lớn trong bộ bà bà đen
Với màu đen mang triết lý nhân văn sâu sắc về tu nhân, học phật, thể hiện đức tính cần cù tiết kiệm và giản dị. Bên ngoài cho dù có đen tối, nhưng bên trong tấm lòng vẫn không đen, trong như nước, không làm trái đạo làm người, không vi phạm pháp luật. Ngoài ra, khi đi kỉnh lễ thì những người theo tín ngưỡng Đạo Ông Trần còn mặc thêm áo dài đen, quấn khăn đen làm thành khánh nhỏ đội đầu để dâng kỉnh, nhằm thể hiện sự trang nghiêm, kính cẩn và luôn luôn ghi nhớ “cái râu, cái tóc là gốc con người” (vì đó là gốc thiện, phải làm điều thiện, điều lành, lánh xa điều ác, lợi mình hại người là không nên).
Đám xác, điểm đặc trưng khác biệt theo tín ngưỡng Đạo Ông Trần khi chết, đem đi an táng đều dùng chung một Bao quan. Bao quan có kết cấu gồm hai bộ phận khép kín là nắp và tấm liệt, có thể tách rời nhau.
Phần nắp, hình vòng cung sơn màu đỏ, làm bằng tre (lồ ô), dùng để đậy thi thể. Phía trước và sau nắp bao quan có trang trí một cụm hoa sen màu hồng vươn lên mặt nước gợn sóng; Tấm liệt, dùng để đặt thi thể (thi thể đã được quấn vải liệm) lên trên và đóng nắp bao quan lại, đưa thi thể đến nơi huyệt mộ.
Đặc biệt, một điều hết sức khác biệt so với việc chôn cất bình thường, bao quan sau khi đã luân chuyển thi thể đến huyệt mộ, thì để thi thể lại dưới huyệt mộ, đem bao quan trở về hoàn trả lại cho Nhà Lớn để dùng chung cho những đám xác kế tiếp sau nữa. Sau khi hoàn tất việc chôn cất, mọi người sẽ quay lại nhà người quá cố để tẩy uế, riêng những người thân trong nhà người quá cố sẽ đến trước bàn thờ gia tiên để kỉnh Trời, Phật, Ông Nhà Lớn và ông bà tổ tiên. Sau đó, tất cả dùng chung một bữa cơm đạm bạc, đầy nghĩa tình (điểm đặc biệt nữa là đám xác ở đây không nhận tiền phúng điếu, không coi ngày giờ và xả tang tại chỗ, quy trình an táng chỉ 24 giờ, không để tang ba năm).
Qua đó, chúng ta thấy rõ sự đoàn kết của cộng đồng người theo Đạo Ông Trần ở phong tục Đám xác là “sống đồng tịch, đồng sàng - chết đồng quan, đồng quách”. Lúc còn sống, tự nguyện quy tụ về Nhà Lớn để sinh hoạt tín ngưỡng, cùng ăn, cùng ngủ, đoàn kết, yêu thương lẫn nhau... Khi về nhà cùng gia đình, xã hội thì phải chung lưng đấu cật, tương trợ, đùm bọc lúc hoạn nạn, khó khăn, không phân chia giai cấp sang hèn, giàu nghèo... Đến khi chết, sử dụng chung một Bao quan. Chính vì vậy, “Đám xác” của Đạo Ông Trần cũng thể hiện quan niệm khi sống phải làm tròn đạo hiếu Tứ ân phải trả, khi chết thì thân xác về với lòng đất mẹ, linh hồn sẽ được siêu thoát về cõi Trời, Phật…
Ngoài ra, Đạo Ông Trần còn giáo huấn con cháu, bá tánh luôn phải biết “Tứ ân phải trả”, làm người phải luôn “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Còn muốn đạt đạo thì phải rèn luyện, thực hành Bát nhẫn (8 điều Nhẫn) của Đức Phật Thầy Tây An và Lục hòa (6 điều Hòa) của Phật Giáo được thể hiện qua câu đối liễn tại Cổng tam quan Nhà Lớn:
Cổng Tam Quan
- “Nhân Nghĩa Hoành Khai do Đại Hộ - Nhẫn Hòa phúc tải tổng trung môn” (có nghĩa là Nhân nghĩa mở mang do cửa lớn, Nhẫn hòa che chở vốn cửa trong).
… và câu đối liễn tại Cổng Nhà Hội:
Cổng Nhà Hội
- “Phú Quý bất dâm bần tiện lạc - Nam nhi đáo thử thị hào cường” (có nghĩa là Phú quý không tham, nghèo hèn cũng thỏa Nam chi được đến thế, cũng hào cường).
Nét đẹp Phong tục ngày Tết tại Khu di tích Nhà Lớn - Long Sơn
Dựng và hạ nêu, theo quan niệm của người Việt xưa, cây nêu được gọi là cây vũ trụ. Hàng năm, cứ vào ngày 30 tháng chạp, Nhà Lớn lại trồng 02 cây nêu, 01 cây ở trước nhà Lầu Cấm và 01 cây ở Nhà Hội.
Để chuẩn bị trồng cây nêu này, các Hương chức và bà con trong đạo phải cất công lên rừng tìm từ ngày 17 tháng chạp… đến ngày 30 tháng chạp sau khi kỉnh hương Ông Nhà Lớn thì bắt đầu dựng nêu. Cây nêu được chọn dựng là cây tre nứa, phía dưới được cắt cành sạch sẽ, phía trên ngọn chừng 2 - 3 mét thì để lại cành lá. Phần giữa cây nêu sẽ treo “bùa bát quái” bằng gỗ, gồm 4 thanh ngang, 5 thanh dọc, đan sọc lẫn nhau như ô cờ, sơn màu đỏ... Cây nêu dựng từ 30 tết, đến ngày mùng 07 tết thì hạ nêu.
Dựng nêu và hạ nêu
Trong lễ hạ nêu, sau khi kỉnh lễ xong, một Hương chức được chọn lựa sẽ dùng rựa chặt phần ngọn, mọi người cùng nhau thỉnh về nhà, nấu nước uống với cầu mong được khỏe mạnh. Phần bên dưới còn lại của cây nêu sẽ đem về Nhà Lớn, đan làm đồ dùng trong Nhà Lớn như nia, rổ…
Tết đến, xuân về, trồng cây nêu trước nhà là thông điệp báo hiệu những điều lành, là biểu tượng cho vị thần giữ cửa ngày xuân, xua đuổi những điều không vui, mang đến may mắn và niềm vui cho mọi người.
Lễ Khai sơn phạt mộc
Lễ Khai sơn phạt mộc, cũng vào ngày mùng 7 Tết Nguyên đán song song với Lễ hạ nêu, nhưng sẽ tiến hành trước Lễ hạ nêu. Cả hai lễ cùng tổ chức vào buổi sáng mùng 7 Tết, có tên gọi chung là “Lễ khai hạ”.
Lễ khai hạ là thông điệp báo hiệu những ngày vui xuân đã hết, mọi người lại chuẩn bị bắt tay vào công việc thường nhật của năm mới. Trong “Lễ khai sơn phạt mộc” bàn thờ sẽ được đặt giữa trời, gần Lầu Cấm và dãy phố xanh, sau khi kỉnh lễ, một người được chọn sẽ dùng rựa chặt cây mộc đã được dựng trước đó, tại góc trước bên trái của bàn thờ. Riêng cộng đồng Nhà Lớn đa phần sinh sống bằng nghề nông và làm mộc, nên việc tổ chức “Lễ khai hạ” là sự khởi đầu từ mùng 8 Tết, để khi bắt tay vào công việc, đạt kết quả tốt hơn năm cũ.
Hình câu đối liễn tại tầng dưới Lầu Cấm
Viết đối liễn, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, ngày vía Ông Trần (ngày 20/2 âm lịch), Lễ Trùng cửu (9/9), Nhà Lớn thường tổ chức viết đối liễn bằng chữ Hán Nôm, chữ viết bằng mực đen trên giấy hồng điều, chạm khắc sơn son, thiếp vàng trên gỗ... Đến nay văn hóa này được bảo tồn gần 100 năm.
Nét đẹp Kiến trúc truyền thống mang đậm giá trị lịch sử
Kiến trúc xây dựng ở khu Nhà Lớn là những tòa nhà bằng gỗ, mái lợp ngói, sàn lót gạch bông... mang đậm nét truyền thống dân tộc, phản ánh quan niệm vũ trụ quan Nho giáo thời xưa, và theo ý niệm của Kinh dịch là, Thái cực sinh ra Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh ra Tứ tượng, Tứ tượng sinh ra Bát quái.
Hình ảnh bộ bàn ghế Bát Tiên
Nội thất Nhà Lớn còn bài trí những tấm hoành phi, sơn son thiếp vàng bằng chữ Hán Nôm liên quan đến lịch sử vùng Thất Sơn như: “Bửu sơn kỳ hương”, “Linh sơn thánh mẫu”, và những câu đối liễn về “Tứ ân hiếu nghĩa”... Ngoài ra, ở Nhà Lớn còn giữ gìn bộ bàn ghế Bát tiên là Di vật của Vua Thành Thái (1876 - 1954), khi vị vua này bị thực dân Pháp an trí tại Vũng Tàu (1907 - 1919) và sau đó chủ sự người Pháp bán lại cho Ông Nhà Lớn.
Thực vật (trồng trầu, cau, khế…), lấy ý nghĩa sâu sắc từ những chuyện cổ tích Việt Nam để giáo dục con cháu. Ông trồng trầu quấn quanh cây cau (sự tích Trầu cau), với hàm ý về tình vợ chồng, nghĩa anh em, phải giữ vẹn tròn; trồng cây khế (liên tưởng đến sự tích Ăn khế trả vàng), muốn nhắc nhỡ con cháu và bá tánh theo Đạo Ông Trần phải coi trọng nghĩa tình, không tham lam ích kỹ, thọ ân thì phải biết trả nghĩa, để không hỗ thẹn...
Hình cây cau và lá trầu trong vườn
Nhìn chung, tuy không phải là một tổ chức tôn giáo nhưng Đạo Ông Trần được xem là “Tinh hoa hội tụ” của những tôn giáo và giáo phái Việt Nam. Đạo Ông Trần và Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Nhà Lớn (Đền Ông Trần) đã đóng góp tích cực cho việc bảo vệ, phát huy di sản văn hóa, truyền thống Giáo dục - Nhân nghĩa và Tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam.
Nhà Lớn Long Sơn đã được nhà nước Việt Nam công nhận là Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa, xếp hạng cấp Quốc gia vào năm 1991. Vì thế, nếu là con cháu của Ông Nhà Lớn, cùng những người theo Đạo Ông Trần, hay những người dân bình thường, nhất là Kế thừa nội tộc Nhà Lớn, và Hương chức (Kỳ lão) Nhà Lớn đều cần phải có ý thức, trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ và phát huy những nét đẹp văn hóa - lịch sử - danh lam thắng cảnh quý giá của Nhà Lớn Long Sơn (Đền Ông Trần).
Ánh Tuyết