Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ KH&CN cho GS.TS. Trần Hồng Thái
Ngày 17/10/2023, tại Bộ KH&CN, đã diễn ra buổi Lễ trao Quyết định bổ nhiệm GS, TS. Trần Hồng Thái giữ chức Thứ trưởng Bộ KH&CN. Trước đó, ngày 12/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định điều động, bổ nhiệm GS, TS. Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) giữ chức Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Tân Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái, sinh năm 1974, quê tại xã Kim Song Trường, Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp đại học tại Nga, bảo vệ luận án Tiến sĩ chuyên ngành Khoa học trái đất và Toán học tại Đại học Tổng hợp Heidelberg (Liên bang Đức). Trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông là Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai; Quyền Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng Châu Á.
GS, TS. Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu
tại Geneva, Thụy Sĩ, tháng 8/2022
Năm 2018, khi vừa nhận nhiệm vụ là người đứng đầu Tổng cục KTTV, trong bối cảnh cùng lúc phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiên tai, hạn hán kéo dài ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên,...GS, TS. Trần Hồng Thái đã nhanh chóng tập trung vào công việc, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, quyết liệt, bám sát thực tiễn, lãnh đạo toàn ngành vượt khó, giải quyết một cách bài bản và khoa học các thách thức trước mắt. Đồng thời tập trung xây dựng, hoạch định các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp hành động của ngành thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đưa Nghị quyết vào cuộc sống và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 của đất nước.
Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổng kết, đánh giá thực tiễn, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo đúng tinh thần “Kiến tạo, liêm chính và hành động”; chỉ đạo không ngừng cải tiến, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, nâng cao chất lượng công tác dự báo, đa dạng các bản tin, cảnh báo KTTV góp phần đảm bảo ổn định, phát triển bền vững và nâng cao đời sống của Nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai ngày càng gia tăng dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Hồ Chí Minh
cho Tổng cục KTTV, tháng 12/2020
Là người chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về mọi hoạt động của Tổng cục KTTV, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái đã chủ động phối hợp với đơn vị, cá nhân liên quan chỉ đạo toàn diện các hoạt động của Tổng cục theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; sát sao chỉ đạo và phân công, phân cấp rõ ràng từ người đứng đầu Tổng cục đến các đơn vị, tạo điều kiện để từng tổ chức, cá nhân phát huy vai trò, trách nhiệm, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Đến nay Tổng cục KTTV dưới sự chỉ đạo, điều hành của Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái đã hoàn thành xuất sắc Kế hoạch công tác các năm: 2018, 2019, 2020, 2021, 2022, bảo đảm tiến độ, chất lượng; các đơn vị trực thuộc Tổng cục đều hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác được giao.
Trong các văn kiện Đại hội từ Đại hội VII đến Đại hội XIII, Đảng ta đều chỉ rõ những định hướng, động lực phát triển ngành KTTV, coi đây là cơ sở, tiền đề cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội; là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Các Nghị quyết của Trung ương đều khẳng định việc chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường là những vấn đề mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.
Ngày 25/9/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xuyên suốt Chỉ thị nhìn nhận, đánh giá công tác KTTV là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây cũng là động lực và trọng trách của ngành KTTV nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ngày 23/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban Quyết định số 1970/QĐ-TTg, Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược được xây dựng bám sát các quan điểm sau: Công tác khí tượng thủy văn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có tính đặc thù, liên vùng, liên ngành, xuyên biên giới; thông tin, dữ liệu khí tượng thủy vãn là đầu vào quan trọng của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống hằng ngày của người dân và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.
Dưới sự chỉ đạo điều hành của Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái, Tổng cục KTTV đã thực hiện xây dựng các văn bản trình Bộ TN&MT, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Thông tư, Nghị định, Quyết định Đề án quan trọng liên quan đến Luật KTTV, trong đó phải kể đến các Đề án: "Tăng cường công tác KTTV đáp ứng yêu cầu PCTT, phát triển bền vững, góp phẩn bảo đảm an ninh đất nước"; "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; "Chiến lược phát triển Ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"...
Có thể thấy, hệ thống pháp luật KTTV thời kỳ 2018-2022 đã từng bước được đổi mới căn bản, toàn diện, mở đường cho sự phát triển của ngành trong tương lai. Đặc biệt, sự ra đời của Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư đã khẳng định tầm quan trọng của công tác KTTV trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành từng nhấn mạnh: “Tinh thần xuyên suốt của Chỉ thị số 10 là đánh giá công tác KTTV là công tác quan trọng, cấp thiết, thường xuyên, liên tục, cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây là động lực và cũng là trọng trách của ngành KTTV trong các mặt công tác để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
KTTV là dữ liệu “đầu vào” của hầu hết các lĩnh vực, có tầm ảnh hưởng tới 11/17 mục tiêu phát triển bền vững. Trong mọi thời kỳ, thông tin KTTV luôn được coi là một trong các yếu tố “thiên thời”, mang tính quyết định góp phần vào các thắng lợi quân sự quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Những năm vừa qua, công tác KTTV đã có nhiều bước phát triển mang tính quyết định, theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu đến năm 2030 phát triển đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á. Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái nhận định cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, đây là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công trong dự báo, cảnh báo thiên tai, phục vụ đời sống cộng đồng dân cư, vươn tầm khu vực, khẳng định vai trò, vị thế của ngành KTTV Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong những năm qua, quá trình chuyển đổi số của ngành KTTV đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Tổng cục KTTV đã ứng dụng hệ thống trực quan hóa và biên tập dữ liệu dự báo khí tượng (SmartMet) từ năm 2019. Điểm hỗ trợ quan trắc viên đắc lực nhất là SmartMet tích hợp nhiều loại số liệu quan trắc và số liệu của nhiều mô hình, có thể mở được cùng lúc trên một bản đồ làm việc, dễ dàng cho việc so sánh. Với SmartMet, dự báo viên có thể tùy chỉnh hiển thị cho các thông số dự báo theo mục đích sử dụng cũng như việc thêm 2 - 3 thông số dự báo khác nhau trên cùng bản đồ làm việc. Ngoài ra, dự báo viên có thể sử dụng kinh nghiệm của mình trong quá trình thực hiện các sản phẩm dự báo.
Với hệ thống siêu máy tính này, ngành KTTV đã và đang thực hiện đồng bộ hóa số liệu, tích hợp toàn bộ các hệ thống quan trắc thời gian thực, bao gồm vệ tinh, radar, quan trắc bề mặt, đo mưa tự động, trên cơ sở đó đưa ra các tính toán, phân tích dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai, từ ngày, tuần đến tháng. Đây cũng là hệ thống ứng dụng công nghệ “xanh” để đảm bảo tiết kiệm năng lượng và ít tạo ra các nguồn độc hại cho môi trường làm việc.
Tổng cục KTTV và Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel ký kết hợp tác
Hành trình chuyển đổi số được thực hiện một cách mạnh mẽ và chuyên nghiệp. Tháng 3/2021, Tổng cục KTTV đã ký kết biên bản hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) - tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam, nhằm ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử viễn thông cho ngành, thực hiện cuộc cách mạng 4.0 và hiện thực hóa Chiến lược phát triển ngành đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cái “bắt tay” lịch sử này hứa hẹn mang lại những thay đổi mạnh mẽ, giúp hình thành và phát triển các mô hình, phương pháp mới cả trong quan trắc và dự báo, cảnh báo KTTV, góp phần tăng cường hiệu quả dự báo phục vụ phòng chống thiên tai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với định hướng khoa học công nghệ là nền tảng xương sống của Ngành KTTV hiện đại, đáp ứng yêu cầu công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh của quốc gia, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái đã chỉ đạo thực hiện đề xuất và xét duyệt các đề tài khoa học và công nghệ thuộc các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ, Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, các đề tài thuộc chương trình Chính phủ, đề tài nghị định thư đáp ứng yêu cầu phát triển, hiện đại hóa ngành và trình Bộ TN&MT, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.
Từ năm 2020-2022, Tổng cục KTTV đã được phê duyệt mở mới 17 đề tài cấp bộ trong đó 02 đề tài thuộc Chương trình Chính phủ, 01 đề tài cấp quốc gia, 17 đề tài cấp cơ sở; trong năm 2022, chỉ đạo đề xuất đề tài mở mới năm 2023, chỉ đạo tham gia tuyển chọn đề tài mở mới năm 2023 và trúng tuyển 11 đề tài cấp bộ, được giao trực tiếp 01 đề tài cấp bộ.
Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cũng chỉ đạo thực hiện công tác triển khai, tổ chức kiểm tra giám sát, đánh giá, nghiệm thu các đề tài cấp Bộ, cấp cơ sở theo đúng quy định phân cấp. Từ năm 2018 đến năm 2022, Tổng cục đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở và trình nghiệp thu cấp Bộ 40 đề tài; tổ chức nghiệm thu 31 đề tài cấp cơ sở; đảm bảo công tác đăng ký kết quả, nộp lưu trữ, chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài theo phê duyệt đồng thời tăng cường công tác đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
GS, TS. Trần Hồng Thái cũng là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học trái đất của Trung tâm hỗ trợ dự báo khu vực Đông Nam Á” và trình Bộ nghiệm thu đúng tiến độ. Từng bước tăng cường công tác chuyển giao khoa học và công nghệ giữa các đơn vị nghiệp vụ; tăng cường kết nối công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ lĩnh vực KTTV với các địa phương, phục vụ công tác phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đặc biệt, Tổng cục trưởng luôn ưu tiên phát triển ngành theo hướng hiện đại hóa; coi việc đầu tư cho khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có; khai thác triệt để thành tựu khoa học công nghệ trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới. Hiện đại hóa và tự động hóa hệ thống thông tin truyền dẫn số KTTV, nâng cao tốc độ và mở rộng băng thông, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ dự báo và trao đổi số liệu trong và ngoài ngành.
Việc quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV tiếp tục được định hướng thay đổi cách tiếp cận theo hướng là phương tiện, tài nguyên số, một trong những nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, phòng chống thiên tai, bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia. Do đó, Ngành đã và đang phát triển các mô hình, phương pháp mới cả trong quan trắc và dự báo, cảnh báo KTTV. Đồng thời, tích cực phối hợp với các đối tác đào tạo trong nước và quốc tế liên tục ưu tiên tuyển dụng cán bộ giỏi, có năng lực, tạo điều kiện tham gia các khóa học nâng cao, trao đổi kiến thức và công nghệ bên cạnh đó phối hợp với các Trường, Viện nghiên cứu để tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác KTTV nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành KTTV.
Bản thân Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cũng có rất nhiều sáng kiến và giải pháp đem lại lợi ích thiết thực cho ngành KTTV. Những sáng kiến này đã được Bộ TN&MT công nhận tại các Quyết định: số 2817/QĐ-BTNMT ngày 12/9/2018, số 3107/QĐ-BTNMT ngày 26/01/2019; số 2279/QĐ-BTNMT ngày 22/11/2021, cụ thể như sau:
Đại diện Lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ TN&MT chúc mừng Tân Thứ trưởng Trần Hồng Thái
Sáng kiến Dự án: “Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học trái đất của Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực Đông Nam Á”. Sáng kiến đã được công nhận là sáng kiến cấp Bộ tại Quyết định số 3017/QĐ-BTNMT ngày 26/11/2019 của Bộ trưởng Bộ TN&MT; Đề tài cấp Nhà nước (thuộc Chương trình KHCN cấp Nhà nước KHCN-BĐKH/11-15) “Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sự biến đổi tài nguyên nước và ngập lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long” được công nhận là sáng kiến cấp toàn quốc tại Quyết định số 2817/QĐ-BTNMT ngày 12/9/2018 của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cũng là người chủ trì chỉ đạo xây dựng “Nghị định số 48/2020/NĐ-CP ngày 15/4/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật KTTV” và chủ trì xây dựng “Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp bộ về dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV phục vụ công tác phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025”.
Những sáng kiến của Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái được nhận xét mang lại lợi ích không chỉ cho riêng ngành KTTV mà còn hỗ trợ sự phát triển của nhiều lĩnh vực công, nông nghiệp, kinh tế và xã hội của đất nước thông qua việc cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết chính xác hơn, đầy đủ và kịp thời hơn, là cơ sở để giúp các địa phương chủ động hơn trong phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường. Kết quả của những đề tài còn là cơ sở khoa học trong việc biên soạn sách chuyên khảo phục vụ nghiên cứu, đào tạo tại các cơ sở đào tạo sau đại học trong lĩnh vực thủy văn - tài nguyên nước, môi trường và biến đổi khí hậu. Đồng thời là cơ sở trong việc cung cấp luận cứ khoa học để phục vụ quá trình trao đổi, đàm phán quốc tế ở mọi cấp độ.
Việc coi trọng ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong lĩnh vực KTTV của Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái đã giúp Việt Nam khẳng định vai trò, vị thế trên thế giới nói chung và trong khu vực Đông Nam Á khi Việt Nam đang vận hành Trung tâm hỗ trợ dự báo khu vực Đông Nam Á và Trung tâm hỗ trợ Dự báo lũ quét cho khu vực Đông Nam Á. Nâng cao vai trò của ngành KTTV nói chung và công tác dự báo KTTV đối với cộng đồng và xã hội. Nâng cao tầm hiểu biết của các tầng lớp xã hội về vấn đề thiên tai KTTV.
Tổng cục KTTV và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác cho Trung tâm Khu vực của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SeAFFGS) tháng 8/2022
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của GS, TS. Trần Hồng Thái, vai trò của KTTV Việt Nam trên trường quốc tế đã được Tổ chức Khí tượng thế giới và các quốc gia trong khu vực ghi nhận thông qua việc đảm nhận vai trò Trung tâm Hỗ trợ cảnh báo thời tiết nguy hiểm Đông Nam Á từ năm 2011 và Trung tâm Dự báo cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á năm 2022. Ngành chủ động cung cấp hàng ngày các bản tin cảnh báo và dự báo hiện tượng thời tiết nguy hiểm đến cộng đồng ASEAN và khu vực châu Á. Qua đó, các cơ quan khí tượng, thủy văn của các nước thành viên có sản phẩm tham khảo chi tiết hơn để tăng cường chất lượng các bản tin dự báo của họ.
Không chỉ đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển ngành KTTV của khu vực Đông Nam Á, ngành KTTV Việt Nam còn không ngừng đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương và đa phương với nhiều quốc gia và tổ chức khác để nâng tầm vị thế của ngành trên trường quốc tế. Hợp tác quốc tế đa phương, song phương của ngành không ngừng được mở rộng, góp phần đáng kể cho việc tăng cường về kỹ thuật, tài chính, trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ và đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước.
Tổng cục KTTV Việt Nam và Tổng cục KTTV Hàn Quốc ký kết Biên bản ghi nhớ, năm 2021
Vị thế của ngành KTTV trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định, năm 2019, cộng đồng 35 nước thành viên thuộc Hiệp hội Khí tượng khu vực II châu Á (RAII) đã tín nhiệm bầu Đại diện thường trực của Việt Nam tại WMO, GS, TS. Trần Hồng Thái đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch RAII giai đoạn 2019-2021. Năm 2021 các nước tiếp tục tín nhiệm bầu Việt Nam đảm nhận vị trí này cho nhiệm kỳ 2021-2025. Tại khoá họp Đại hội đồng lần thứ 19 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) được tổ chức từ ngày 22/5 đến ngày 2/6/2023, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái đảm nhiệm vị trí Quyền Chủ tịch RA-II, đồng thời là Thành viên của Hội đồng Điều hành WMO. Với cương vị mới này, GS.TS Trần Hồng Thái đã đóng góp to lớn trong việc kết nối, tăng cường mạng lưới hợp tác về KTTV giữa Việt Nam và các thành viên của RAII, đặc biệt các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, góp phần vào giảm thiệt hại do các thiên tai gây ra và sự phát triển thịnh vượng chung của các quốc gia, lãnh thổ trong khu vực Châu Á.
Trong chuyến thăm Tổng cục KTTV Việt Nam năm 2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã đánh giá cao vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong việc cảnh báo dự báo thiên tai, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, góp phần giảm thiệt hại và người và của không chỉ cho Việt Nam mà còn cả cho các quốc gia trong khu vực. Những thành tựu của ngành KTTV Việt Nam được cộng đồng châu Á Thái Bình Dương ghi nhận, đánh giá cao vai trò, đóng góp hoạt động dự báo bão, công tác nghiên cứu đào tạo và tác nghiệp đến cộng đồng thành viên Ủy ban Bão quốc tế.
Đặc biệt, thông qua hợp tác quốc tế song phương và đa phương, đồng thời chú trọng hợp tác đối tác, hỗ trợ các quốc gia trong khu vực, ngành KTTV đã vận động thực hiện hơn 20 Dự án đầu tư, ODA, vay ưu đãi, từ đó giúp tăng cường năng lực dự báo, hiện đại hóa mạng lưới trạm quan trắc thủy văn, cơ sở hạ tầng, thiết bị, đảm bảo công tác dự báo KTTV kịp thời, ngày càng chính xác. Bên cạnh đó, ngành KTTV đã và đang chủ động mở rộng phạm vi cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV trên các vùng lãnh thổ, các vùng biên giới, các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam phục vụ phát báo quốc tế, góp phần bảo vệ biên giới, đảm bảo QP-AN quốc gia.
Hội đồng Lý luận Trung ương là cơ quan tham mưu cho Đảng về các vấn đề lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa xã hội, định hướng và hoạch định các chính sách, chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đảng Toàn quốc. Với vai trò Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS. Trần Hồng Thái đã nghiên cứu, cho ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Kế hoạch công tác của Tiểu ban Văn hóa - Xã hội - Con người nhiệm kỳ 2021-2026; dự thảo Đề cương sơ kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; dự thảo Báo cáo tư vấn Một số vấn đề lý luận thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; dự thảo Báo cáo tư vấn Một số vấn đề lý luận thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Chấp hành Trung ương khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; dự thảo Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 và 03 báo cáo tư vấn phục vụ Hội nghị Trung ương VI, Khóa XIII.
Lãnh đạo Bộ TN&MT, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái và các đại biểu nhấn nút ra mắt hệ thống hỗ trợ cảnh báo mưa lũ và dông sét
Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện và trình bày chuyên đề “Thực trạng và giải pháp bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, PCTT đảm bảo phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững ở Việt Nam” tại Kỳ họp thứ II nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội đồng Lý luận Trung ương; tham gia đóng góp ý kiến tại dự thảo Báo cáo tổng kết năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Hội đồng Lý luận Trung ương.
Xây dựng và báo cáo chuyên đề “Một số kinh nghiệm về phát triển, ứng dụng kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh trong phát triển kinh tế - xã hội biển đảo ở một số quốc gia, những kiến nghị cho Việt Nam” tại Hội thảo khoa học giữa Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu.
Xây dựng đề cương và chuẩn bị hoàn thiện chuyên đề “An ninh môi trường sinh thái đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam” phục vụ nghiên cứu lý luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII và dự kiến trình bày trước các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Ngày 17/10, tại trụ sở Bộ KH&CN, trong bài phát biểu nhận nhiệm vụ, Tân Thứ trưởng Trần Hồng Thái bày tỏ buổi lễ trao quyết định Thứ trưởng Bộ KH&CN là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời, là niềm vinh dự lớn lao cũng là trách nhiệm rất nặng nề, Tân Thứ trưởng bày tỏ sự biết ơn với Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Cán sự Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng hai Bộ KH&CN và TN&MT, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, các đồng chí lãnh đạo Bộ và những đồng nghiệp ở Tổng cục KTTV, những người đã sát cánh, tạo điều kiện để Thứ trưởng Trần Hồng Thái làm việc, cống hiến, phấn đấu và phát triển trong suốt 18 năm qua.
Tân Thứ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được tình cảm tốt đẹp, sự chia sẻ ủng hộ của các đồng nghiệp, các đồng chí lãnh đạo Bộ TN&MT, các đồng nghiệp ở Bộ TN&MT, đặc biệt là các đồng nghiệp, tham mưu ở Tổng cục KTTV và hứa sẽ nỗ lực làm việc hết sức mình cùng Bộ trưởng Bộ KH&CN, lãnh đạo Bộ và tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động góp phần đưa Bộ KH&CN đổi mới, sáng tạo và phát triển, phát huy tình đoàn kết, không ngại khó vượt qua sự gian khổ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tạp chí Tài nguyên và Môi trường kính chúc Tân Thứ trưởng Trần Hồng Thái thật nhiều sức khoẻ và thành công./.
Tú Quyên