Nhớ về hành trình tìm nguồn nước ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang
04/02/2022TN&MTHà Giang là một trong 7 tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn ở vùng núi phía Bắc. Vùng núi đá gồm 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc lại là vùng khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang. Sản xuất chính của nhân dân ở đây là trồng ngô. Cứ đến cuối năm, đồng bào tìm các hốc đá trên bề mặt núi đá vôi để gieo hạt ngô rồi trông đợi mưa phùn vào dịp tết đến, xuân sang để hạt ngô nảy mầm, ra hoa kết trái.
Mùa xuân năm 2003, nhận nhiệm vụ điều tra đánh giá TNN dưới đất huyện Mèo Vạc thuộc tỉnh Hà Giang do Bộ TN&MT giao, tôi cùng các cán bộ chủ chốt của Liên đoàn Quy hoạch và điều tra TNN miền Bắc đi khảo sát lập đề án. Chúng tôi đã đi khảo sát một số vùng trong huyện, mục đích là tìm hiểu các tiền đề chứa nước và thực trạng sử dụng nước của nhân dân. Hồi đó, đang thi công cải tạo đường bộ liên tỉnh số 4. Anh chị em lao động không có nước để sinh hoạt, nước nấu ăn phải mua, thế là đồng bào phải làm nghề “bán nước”, can nhỏ thì 5.000 đồng, can to 10.000 đồng, có can được đến 20.000 đồng. Chúng tôi vào thăm trường tiểu học Giang Chu Phìn, các thầy giáo, cô giáo nghe nói có các cán bộ đi tìm mạch nước đã tíu tít đến hỏi thăm. Một cô giáo với giọng tự hào kể rằng “ở trên này chỉ có chúng em mới được uống nước mái tôn”. Tìm hiểu mãi chúng tôi mới hiểu, hóa ra, nước sinh hoạt đều phải lấy từ mái nhà, mà mái nhà thì có các loại mái tôn (tôn osnam), mái fibroximăng, mái tranh,… lấy nước từ mái tôn là sạch nhất được ưu tiên cho các thầy cô giáo để các thầy cô yên tâm bám trường, bám lớp. Sau đó, ra làm việc với UBND huyện mới rõ đó là chính sách ưu tiên cho giáo dục của huyện. Vùng thị trấn Mèo Vạc, cứ vào mùa khô, tỉnh phải hỗ trợ bằng cách điều các xe tec để chở nước từ sông Nho Quế cho bà con ăn uống sinh hoạt.
Thấu hiểu nỗi khổ do thiếu nước của đồng bào, anh em chúng tôi quyết tâm phải tìm bằng được nguồn nước sạch để phục vụ nhân dân. Việc thi công đề án điều tra nước dưới đất có nhiều công đoạn nhưng khó nhất là việc khoan các lỗ khoan sâu từ 150 đến 250 m. Khỏi phải nói, nghề khoan, đặc biệt là khoan để lấy nước là một nghề nặng nhọc, hơn nữa là khoan ở vùng núi cao hẻo lánh. Đáng lo lắng nhất của nghề khoan là sự cố, hỏng hóc. Hỏng các chi tiết rất nhỏ của máy khoan cũng đều phải về xuôi mới mua được. Còn sự cố khi khoan là sập lở thành, kẹt, tụt cần khoan. Khi khoan gặp nước, sự cố càng xảy ra mạnh. Một trong các biện pháp xử lý là phải dùng dung dịch sét để khống chế. Có lỗ khoan đã tiêu tốn hàng trăm tấn đất sét phải chuyên chở từ vùng đồng bằng lên phục vụ thi công. Điều nữa là nước rửa khi khoan. Có một nghịch lý là nếu khoan trúng mạch nước ngầm thì khi khoan sẽ mất nước, mạch nước ngầm càng giàu thì càng mất nước nhiều khi khoan. Có lỗ khoan đã phải thuê riêng một xe tec chở nước để khoan. Để thực hiện đề án, đã thi công hàng chục lỗ khoan, riêng vùng thị trấn có 13 lỗ khoan. Công việc thầm lặng kéo dài liên tục gần 10 năm từ 2003 đến 2012.
Công lao khó nhọc thi công đề án của cán bộ công nhân viên Liên đoàn đã được đền đáp. Năm 2007, kết thúc đề án điều tra đánh giá nước dưới đất huyện Mèo Vạc, riêng ở vùng thị trấn đã khoan đến 6 lỗ khoan, chỉ có 1 lỗ khoan MV1 ở xã Pả Vi là có nước, lượng nước được bơm lên ổn định là 3,64 l/s, tức là có thể khai thác 314 m3 mỗi một ngày. Khỏi phải nói, bà con phấn khởi như thế nào. Chủ tịch huyện lúc đó là đồng chí Nguyễn Văn Tuệ đã phải thốt lên: Có nước rồi! đồng bào cứ yên tâm bám đất, bám làng, bám biên cương của Tổ quốc.
Tin vui lên đến tỉnh, đến tận Trung ương. Cả 7 đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều đến tận nơi để khảo sát. Có đồng chí trăn trở: Không biết khai thác như thế rồi có cạn hết không? Khi đó, đồng chí Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhân đi công tác qua cũng đến uống thử nước giếng khoan. Đồng chí có nói: Đồng bào uống được thì tôi cũng uống được!
Tìm ra nguồn nước ở vùng đặc biệt khó khăn, một nơi tưởng chừng không có nước dưới đất có thể nghĩ đến thay đổi hướng đầu tư cho điều tra khảo sát tìm các nguồn nước sinh hoạt. Chính quyền địa phương đã nghĩ đến cách xây dựng nhà máy nước bằng nguồn nước dưới đất thay cho nguồn nước từ sông Nho Quế vì quá đắt. Để thực hiện được ý tưởng này lại phải tiếp tục điều tra. Đồng chí Nguyễn Công Thành - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT lúc đó đã đi khảo sát tận nơi và cho mở tiếp đề án điều tra đánh giá chi tiết nước dưới đất khu vực thị trấn Mèo Vạc.
Đề án điều tra đánh giá chi tiết nước dưới đất khu vực thị trấn Mèo Vạc được triển khai thực hiện trong thời kì 2008-2012; trong đó đã khoan 6 lỗ khoan mới và cải tạo lại lỗ khoan MV1 của giai đoạn trước. Kết quả cải tạo lỗ khoan MV1 cho lưu lượng tốt hơn giai đoạn trước. 2 lỗ khoan mới là CT2 và CT5 cho lưu lượng tương đương với lỗ khoan MV1. Ngoài ra, còn có 2 lỗ khoan CT3 và CT4 có lưu lượng tuy nhỏ nhưng cũng có thể khai thác được. Tổng số lưu lượng thực bơm đạt đến ổn định của cả 5 lỗ khoan là 12,9 l/s, tức là có thể khai thác được 1115 m3 nước cho mỗi một ngày. Chất lượng của nước đã được kiểm nghiệm cho thấy rất tốt, hầu hết các chỉ tiêu đánh giá đều dưới mức cho phép.
Theo tính toán của các chuyên gia của Liên đoàn, nếu được cải tạo mở rộng đường kính các lỗ khoan tại các vị trí trên, có thể khai thác được xấp xỉ 2.000 m3 nước trong mỗi một ngày. Nguồn nước này tuy không lớn nhưng nó có ý nghĩa rất lớn đối với vùng cao, nó có thể đáp ứng nhu cầu về nước cho khoảng trên 1 vạn người và có thể mở ra hướng mới về xác định nguồn phục vụ công tác cung cấp nước.
Vùng cao núi đá Hà Giang tuy nghèo về vật chất, nhưng tinh thần không nghèo. Chợ tình Khâu Vai họp mỗi năm 1 lần vào ngày 26/3 âm lịch. Năm đó, khi kết thúc khảo sát thì sắp đến phiên, UBND huyện có mời đoàn chúng tôi ở lại để đi chợ Khâu Vai. Chúng tôi nói, khi nào dự án đạt kết quả rồi mới đi chợ. Nay đã có kết quả rồi mà chưa thực hiện được lời hứa năm xưa. Nhưng tôi rất vui vì đã góp được một phần công sức cùng Liên đoàn khơi được một dòng nước sạch nữa cho đời.
PGS.TS. NGUYỄN VĂN ĐẢN
Nguyên Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc