Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy (Giám đốc chương trình Giảm Nhựa): Nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa, chung tay vì một đại dương xanh
23/03/2024TN&MTChương trình Đô thị giảm nhựa được thực hiện ở cấp toàn cầu với 42 đô thị tham gia, trong đó tại Việt Nam có 9 đô thị đã ký cam kết, ban hành kế hoạch và đang tích cực triển khai kế hoạch hành động. Đây là một nỗ lực lớn của chương trình này tại Việt Nam, để đạt được những kết quả bước đầu này, chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực chung tay của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và sự sát sao chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chương trình Đô thị giảm nhựa (ĐTGN) đã đồng hành và hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch hành động (KHHĐ) Quản lý rác thải nhựa đại dương tới năm 2025, tầm nhìn 2030 với các nội dung trọng tâm: Cải thiện, bổ sung, chỉnh sửa và đẩy mạnh thực thi các chính sách về công tác quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa của địa phương; nâng cao nhận thức thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về giảm thiểu rác thải nhựa; cải thiện hệ thống quản lý - thu gom - xử lý rác thải, tăng cường phân loại rác, thu hồi rác tái chế; kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa trên bờ và dưới biển; tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế, các nghiên cứu, thực hiện công tác giám sát - đánh giá,... KHHĐ này xác định rõ vai trò và phân công trách nhiệm của các bên liên quan tại địa phương cùng tham gia thực hiện.
Vậy kết quả cụ thể đã đạt được là gì, và các cấp chính quyền địa phương sẽ có hướng tiếp tục lan tỏa mô hình này ra sao, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy Giám đốc chương trình Giảm Nhựa (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam - WWF Việt Nam) đã chia sẻ và gợi mở cách làm với phóng viên Tạp chí TN&MT tại buổi tọa đàm mới đây:
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc chương trình Giảm Nhựa
PV: Thưa bà, xin bà đánh giá khái quát về kết quả đạt được của Chương trình Giảm nhựa do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Tổ chức WWF phối hợp triển khai trong những năm qua?
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy: Điều đầu tiên tôi muốn nói là khi thực hiện dự án, sự thay đổi của các bên liên quan ở các đô thị trong vùng dự án có nhiều chuyển biến, chúng tôi nhận thấy chính quyền địa phương rất quyết liệt chỉ đạo, người dân, doanh nghiệp đã bám sát kế hoạch, tuân thủ các điều lệ đã quy định trong Luật BVMT năm 2020. Song song với đó, sự hỗ trợ giúp đỡ, chủ đạo từ cấp Trung ương đặc biệt là các đơn vị quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cụ thể là Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã hỗ trợ rất tích cực trong chương trình triển khai dự án, vì vậy Dự án khi triển khai chúng tôi có rất nhiều thuận lợi.
Đối với chương trình Đô thị giảm nhựa, việc đầu tiên là Dự án đã đánh giá hiện trạng của rác thải nhựa tại địa phương đang diễn ra như thế nào thông qua mô hình Đánh giá dòng chất thải nhựa ở địa phương qua tất cả các bước từ nguồn phát thải ở các hộ gia đình, doanh nghiệp, khu vực công cộng,… sau đó thu gom vận chuyển, tái chế và cuối cùng là đến khâu xử lý hoặc chôn lấp.
Ngoài ra, có một phần chất thải thất thoát trực tiếp ra môi trường do không được thu gom. Bước đầu tiên này chúng tôi đánh giá qua tất cả các khâu để tính toán lượng chất thải nhựa thất thoát ra môi trường là bao nhiêu và đâu là những điểm then chốt cần can thiệp nhằm ngăn chặn có hiệu quả nhất trong việc giảm và tiến tới là ngăn chặn lượng chất thải nhựa ra môi trường.
Thực tế, có nhiều cách tiếp cận nhưng với dự ánnày chúng tôi chọn các tiếp cận này để chọn ra những giải pháp can thiệp phù hợp với địa phương, do địa phương chủ trì trong các can thiệp đó và được sự ủng hộ, giúp đỡ của tất cả các bên liên quan ở địa phương để chung tay giảm thiểu các nguồn, điểm thất thoát rác thải nhựa ra môi trường.
PV: Vấn đề rác thải nhựa ở các khu vực ven biển của Việt Nam, đặc biệt là các đảo đang là một vấn đề rất nóng vì du lịch phát triển kéo theo hệ lụy ô nhiễm tại nhiều nơi. Vậy những hỗ trợ thiết thực của Chương trình đến các địa phương này ra sao, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy: Hiện nay, có thể thấy dọc các bờ biển của Việt Nam đều là những điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế, du khách đến nhiều, tất nhiên sẽ có những áp lực, trong đó có lượng rác phát thải cũng ngày một tăng lên.
Khi triển khai chương trình Đô thị giảm nhựa ở các địa phương này, chúng tôi cũng xác định trước tiên phải dựa vào nguồn lực, những điều kiện sẵn có của địa phương; kêu gọi sự đồng lòng của người dân và sự hỗ trợ của chính quyền và các bên liên quan ở địa phương. Chúng tôi chú trọng ngay vào khâu tăng cường năng lực, hỗ trợ để những đơn vị phối hợp này có đủ thông tin, nguồn lực để có thể triển khai các mô hình.
Trong suốt hơn 4 năm triển khai, dự án đã tổ chức rất nhiều các buổi truyền thông, tập huấn và giáo dục cho học sinh ở các trường học hoặc cho các cán bộ nòng cốt ở địa phương, tiếp tục hỗ trợ, triển khai đến các cụm dân cư, các hộ gia đình, các doanh nghiệp để có sự đồng lòng, ủng hộ của những người tham gia vào mô hình, cư dân ở địa phương.
Những tổ chức nòng cốt mà chúng tôi hướng đến là Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc,… là những đoàn thể có sự ảnh hưởng tích cực, thường xuyên đến cộng đồng địa phương
Xuyên suốt trong 4 năm, chúng tôi ưu tiên xây dựng những mô hình mẫu có tính lan tỏa hoặc có thể nhân rộng được. Các mô hình này mang tính tính đặc thù của địa phương để có thể áp dụng được, nhưng lại có thể nhân rộng được ra nhiều địa phương khác.
- PV: Vậy bà có thể cho biết những mô hình tiêu biểu, những điểm nhấn đặc biệt của những mô hình này cũng như những tác động tích cực của nó tại các địa phương ra sao?
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy: Có rất nhiều các mô hình tiêu biểu, trong đó có thể kể đến như: Mô hình “Ngôi nhà xanh thu gom rác thải nhựa” của hội phụ nữ được triển khai ở rất là nhiều địa phương như Huế, Phú Quốc, Đồng Hới, Thanh Khê - Đà Nẵng, hay ở Long An... Trong đó, tôi muốn nhắc tới đầu tiên là mô hình của hội phụ nữ ở Đồng Hới. Chị em ở đây khởi xướng ra mô hình thu gom rác thải có thể tái chế được từ các hộ gia đình trong cộng đồng, từ những ngư dân là anh em là chồng con, người thân của họ.
Họ vận động các ngư dân mang rác có thể tái chế được về bờ để gây quỹ cho Hội. Và chính từ đấy họ dùng quỹ để hỗ trợ cho những người phụ nữ yếu thế, gặp khó khăn, những hoàn cảnh khó khăn, những em nhỏ bị mất cha mẹ trong dịch covid-19. Thậm chí là hỗ trợ ngược lại cho chính những anh em ngư dân bị gặp rủi ro trong quá trình khai thác trên biển hoặc mất tàu.
Những khoản hỗ trợ này tuy nhỏ nhưng rất ý nghĩa đối với những người ngư dân đó. Chính vì vậy, họ càng nỗ lực, tích cực hơn để hỗ trợ hội Hội phụ nữ và mang rác có thể tái chế được về bờ.
Tôi nghĩ đây là một việc mang tính chất lan tỏa kết nối rất hay, tôi rất tâm đắc với mô hình này. Ngoài ra, còn có Hội phụ nữ ở Phú Quốc tổ chức mô hình giáo dục hành động. Trong đó, Hội phụ nữ trao đổi với các chị em ở các tổ dân phố, từ đó đưa ra một danh sách các hoạt động mà các chị em có thể làm được. Tại mỗi hộ gia đình, các chị em lựa chọn những phương án mà mình có thể triển khai được để tự nguyện làm theo cam kết đó.
Thông qua những cam kết như vậy có rất nhiều mô hình hay được thực hiện như mô hình chị em thu gom các hộp xốp bỏ đi để sử dụng làm thùng chứa rác hữu cơ, rác trong vườn làm thành phân compote để trồng nha đam, trồng ớt và hồ tiêu. Những mô hình để trồng nha đam và ớt đã mang lại những cái hiệu quả kinh tế rất thiết thực, rất nhiều chị em xung quanh khu vực đã đến học hỏi để làm theo - Đó cũng là một mô hình hiệu quả tôi nghĩ rất tích cực và lan tỏa được trong cộng đồng.
Ra quân dọn sạch rác thải tại những điểm nóng tại huyện A Lưới
Hay như mô hình đoàn thanh niên ở huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), các bạn đã tổ chức những ngày hội ra quân để xóa các điểm nóng và biến thành những công viên vui chơi cho trẻ em.
Điều này được đánh giá rất cao của lãnh đạo địa phương cũng như cộng đồng tại địa phương khi từ những điểm nóng không ai muốn đi qua đã trở thành những điểm vui chơi và làm đẹp cho huyện A Lưới. Đây là những mô hình nhận được sự ủng hộ của chính quyền cũng như địa phương, đặc biệt những mô hình này làm thay đổi diện mạo của địa phương.
Về doanh nghiệp, tôi cũng muốn nhắc tới mô hình doanh nghiệp nước mắm Khải Hoàn ở Phú Quốc, khi doanh nghiệp này đã chủ động tham gia vào việc giảm thiểu chất thải nhựa trong quá trình hoạt động của mình. Đối với các khách sạn, họ đã chủ động tìm những giải pháp như nhập hàng giảm rác nhựa, trong quá trình phục vụ khách cũng giảm rác thải nhựa, sử dụng những loại chai thủy tinh thay vì chai nhựa,… đó là những thay đổi tôi thấy rất tích cực khi tất cả các bên có chung một cái tâm huyết, đồng lòng với nhau.
Một mô hình rất điển hình khác là ở Vũng Rô (Phú Yên), trước đây qua một thời gian rất dài môi trường ở khu vực này do nghề nuôi trồng thủy sản nên môi trường đã bị ô nhiễm trên bờ và thành một điểm nóng. Sau khi được sự hỗ trợ của dự án và địa phương ra quân, khu vực này đã được làm sạch và bàn giao lại cho địa phương quản lý. Phải nói, đến nay môi trường ở đây đã được thay đổi một cách ngoạn mục, rất ấn tượng.
Tôi nghĩ đây là những ví dụ chứng tỏ sức mạnh của cộng đồng địa phương - một khi họ hiểu, cảm thấy. việc làm sạch môi trường là của mình, vì mình thì họ sẽ làm được những thay đổi rất ấn tượng.
Qua những mô hình đó, tôi muốn nói mô hình không phải là một khuôn mẫu hay phải dập khuôn từ địa phương này sang địa phương kia mà sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh và nguồn lực của địa phương miễn là địa phương, người dân, cộng đồng cảm thấy là vì họ, thì họ sẵn sàng chung tay góp sức.
- PV: Thưa bà, để có sự thành công được như vậy hẳn không thể thiếu sự cung cấp, hỗ trợ về kỹ thuật và huy động các nguồn tài chính cho các đô thị dự án, vậy hoạt động này đã diễn ra như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy: Trước tiên phải nói đến nguồn lực của nhà nước hỗ trợ cho các công trình về kiểm soát, quản lý rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng.
Theo Quyết định 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, kinh phí để phục vụ thực hiện công tác quản lý chất thải nhựa được đảm bảo từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn huy động từ các nguồn khác (vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay của các tổ chức tín dụng, tài trợ quốc tế).
Kinh phí thực hiện các nội dung phục vụ quản lý nhà nước như: Rà soát, hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách và quy định của pháp luật; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường; tuyên truyền, nâng cao nhận thức...; được bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua các kế hoạch, chương trình hằng năm của các bộ, ngành, địa phương.
Kinh phí thực hiện các hoạt động đầu tư phát triển công nghệ sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, thiết bị xử lý chất thải nhựa được huy động từ các nguồn của doanh nghiệp, nguồn vốn vay trong và ngoài nước, vốn tài trợ, hỗ trợ một phần từ Quỹ BVMT Việt Nam và địa phương, Quỹ đầu tư phát triển địa phương, hợp tác công tư và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thực tế là nguồn lực của địa phương cũng như của các dự án quốc tế để triển khai các mô hình và giải pháp nhìn chung cũng còn nhiều hạn chế.
Trước các thách thức này, chúng tôi tập trung ưu tiên các nguồn lực cả về kỹ thuật, công nghệ và tài chính để xây dựng và triển khai các giải pháp có tầm nhìn và triết lý theo nguyên tắc “thuận thiên”. Đó là tôn trọng quy luật tự nhiên xuyên suốt quá trình thiết kế và triển khai các mô hình thích ứng theo tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế. Với triết lý này, các giải pháp và mô hình nhìn chung không chỉ giúp tối ưu chi phí xây dựng và đầu tư ban đầu, mà còn yêu cầu chi phí vận hành và duy trì thấp hơn trong lâu dài, cũng như hạn chế các can thiệp thô bạo vào tự nhiên và thúc đẩy phát triển bền vững theo phương châm "con người chung sống hài hòa với thiên nhiên".
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tận dụng các nguồn lực để huy động sự hỗ trợ của các chuyên gia, cán bộ khoa học hay những chuyên gia tư vấn mà họ có kinh nghiệm, kiến thức sâu trong lĩnh vực quản lý rác thải để hỗ trợ các địa phương, trong đó có cả hỗ trợ nâng cao, tăng cường năng lực cho các bên liên quan, giáo dục cho học sinh và tăng cường nhận thức cho cộng đồng. Với những nỗ lực đó, chúng tôi hỗ trợ địa phương để có nền tảng cơ bản quan trọng để bắt đầu những sự thay đổi.
Chúng tôi cũng xác định việc thay đổi cần có nguồn lực lâu dài cũng như sự chỉ đạo của địa phương. Vì vậy, tất cả các hoạt động chúng tôi triển khai đều hướng đến các giải pháp để địa phương, cộng đồng làm chủ mô hình đó. Làm sao để khi dự án kết thúc địa phương và cộng đồng tiếp tục được các mô hình đã triển khai trong thời gian thực hiện dự án.
Cùng với đó, các kênh chia sẻ để những địa phương có mô hình hay có thể chi sẻ với các địa phương khác cả trong và ngoài các địa phương tham gia dự án.
Chúng tôi cũng đưa đại diện các địa phương có mô hình hay dù không tham gia dự án đến và chia sẻ với các địa phương đang tham gia để lan tỏa tốt nhất các mô hình hay và khả thi nhất.
Dự án kỳ vọng không chỉ 10 địa phương tham gia dự án mà các địa phương khác nữa đều có thể triển khai được các mô hình, giải pháp phục vụ hữu hiệu cho môi trường sống, môi trường sản xuất, kinh doanh,... tại địa phương.
- PV: Vậy để lan tỏa được đến những địa phương khác trong cả nước, cần thực hiện các bước như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy: Để triển khai một chương trình đô thị giảm nhựa tại mỗi địa phương, chắc chắn cần có sự quan tâm chỉ đạo của địa phương, sự tham gia của cộng đồng và các doanh nghiệp, sự tuyên truyền giáo dục xuyên suốt, theo dõi giám sát trong quá trình triển khai.
Khi triển khai chương trình, việc đầu tiên là phải đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đô thị và từ đó xác định các điểm nóng và các điểm mấu chốt cần can thiệp để có thể có những hành động phù hợp. Song song với đó, dự án sẽ hỗ trợ địa phương xây dựng dựng một kế hoạch hành động có sự tham gia của nhiều bên và do địa phương chỉ đạo. Các hành động từng bên liên quan từ chính quyền, các tổ chức đoàn thể, trường học, doanh nghiệp, hay có những địa phương đặc trưng là du lịch thì các doanh nghiệp nhà hàng, khách sạn, khách du lịch và các đơn vị lữ hành đều có thể tham gia.
Các cơ quan chính quyền của địa phương là cơ quan sẽ có tác động chỉ đạo, dẫn đầu trong việc chỉ đạo cũng như phát động đối với các đơn vị khác, các bên liên quan khác ở trong địa phương sẽ là những nhân tố gương mẫu đi đầu.
Ở phần lớn các địa phương ngay từ khi bắt đầu dự án, các cơ quan hành chính tại các huyện, thành phố đều có các hành động thiết thực như không sử dụng các chai nhựa tại cơ quan thay vào đấy sử dụng các chai nhựa thủy tinh và chính các cán bộ tại địa phương là những hình mẫu để cộng đồng noi theo. Bên cạnh đó, dự án cũng đưa các chương trình giáo dục vào trường học, làm việc với các doanh nghiệp để họ có giải pháp để áp dụng được trong quá trình kinh doanh, sản xuất của mình.
Việc thúc đẩy có sáng kiến tại địa phương là hết sức quan trọng cho nên dự án chú trọng đến việc tìm kiếm, hỗ trợ những sáng kiến của địa phương để có thể triển khai các giải pháp để giảm thiểu chất thải nhựa cho địa phương mình.
Trong việc thu gom vận chuyển, dự án cũng có những hỗ trợ đối với các cơ quan thực hiện nhiệm vụ này như: biến các điểm tập kết rác có thể đang ô nhiễm hoặc chưa hợp vệ sinh thành những điểm xanh. Những điểm này sẽ không chỉ sạch hơn mà lại trở thành những trung tâm tuyên truyền tại địa phương về vấn đề bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác hoặc ngăn ngừa thất thoát rác thải ra môi trường.
Thực hiện tất cả các bước đó là cách thức mà dự án làm việc với các bên liên quan tại mỗi địa phương để thúc đẩy tất cả các nhân tố, các nhóm cộng đồng, người dân tại mỗi địa phương đều có thể tham gia và nỗ lực chung trong việc giảm thải rác thải nhựa.
- PV: Du lịch biển xanh là hướng đi tất yếu và có thể khẳng định đô thị giảm nhựa chính là bước khởi đầu vô cùng quan trọng để chúng ta bứt phá thành công, đảo ngược xu thế nhiễm trắng trên các vùng biển Việt Nam. Trong thời gian tới, WWF sẽ có những dự định gì cho hoạt động của mình để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các mô hình đô thị giảm nhựa, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy: Du lịch biển đang là một xu hướng du lịch tất yếu và phổ biến nhất ở Việt Nam diện nay, du khách quốc tế cũng đến với Việt Nam ngày một tăng do nguồn lợi sẵn có từ môi trường thiên nhiên của Việt Nam. Không có lý gì mà chúng ta không bảo vệ nguồn lợi đó khi nó không chỉ đem lại nguồn lợi cho chính chúng ta mà nó còn mang lại hiệu quả kinh tế thông qua du lịch cho các địa phương nói riêng và Việt Nam nói riêng.
Tôi rất tâm đắc với một đúc kết của một doanh nghiệp du lịch khi chia sẻ: Doanh nghiệp phải coi môi trường là một tài sản để có thể kinh doanh lâu dài chứ không phải một trách nhiệm mà doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện. Nếu họ coi đó là tài sản để gìn giữ có thể phát triển lâu dài thì việc bảo vệ môi trường sẽ là một việc tất yếu và nhẹ nhàng mà doanh nghiệp cũng như cộng đồng cần bảo vệ.
Môi trường là sức khỏe, là môi trường sống hàng ngày của người dân nên khi người dân và doanh nghiệp đã xác định môi trường là tài sản thì tôi nghĩ chuyện giảm thải rác thải nhựa, triển khai các mô hình đô thị giảm nhựa sẽ là một xu hướng tất yếu.
Để đảo ngược các vấn đề về xu thế ô nhiễm trắng trên các vùng biển Việt Nam, những gì dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam đã triển khai cùng với các địa phương như cú huých để các địa phương khác có thể làm theo.
Trong thời gian khi còn các nguồn lực của dự án, WWF sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các địa phương triển khai tiếp các mô hình về giảm thiểu rác thải nhựa, ngăn ngừa chất thải thất thoát ra môi trường. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cùng với địa phương đưa những chương trình đã thực hiện thời gian qua thành các chương trình thường xuyên của địa phương. Cùng với đó, chúng tôi cùng địa phương đẩy mạnh các công tác truyền thông, truyền bá các hình ảnh của địa phương để làm sao thu hút thêm các nguồn lực. Tôi tin rằng, có rất nhiều nhà đầu tư hoặc các nhà tài trợ khác khi họ nhìn thấy những nỗ lực của địa phương và hiệu quả tích cực thu được, họ sẵn sàng đầu tư vào địa phương đó.
Với những tâm tư như vậy, trong thời gian tới WWF sẽ tiếp tục tìm thêm các nguồn lực, các dự án mới để hỗ trợ các địa phương để thực hiện các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa, xây dựng các mô hình đô thị giảm nhựa, giúp địa phương có môi trường sống xanh - sạch - đẹp; nhấn mạnh hình ảnh Việt Nam xanh và thân thiện với môi trường đến với du khách quốc tế.
Đây cũng chính là nhiệm vụ, đường lối của WWF khi hoạt động ở Việt Nam, chúng tôi muốn chúng tay cùng VIệt Nam giữ gìn môi trường và mong muốn bảo tồn moi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học của Việt Nam lâu dài và duy trì cho các thế hệ sau.
PV: Trân trọng cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn này!.
Bảo Loan