Nhiệt độ nước biển Địa Trung Hải cao kỷ lục ảnh hưởng đến đa dạng sinh học
21/08/2024TN&MTCác đợt nắng nóng trên biển được ghi nhận trong mùa hè năm nay ở Địa Trung Hải do hậu quả của biến đổi khí hậu, đang đe dọa nhiều loài sinh vật bản địa, nhưng lại tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các loài có khả năng chống chịu tốt hơn tới từ những vùng đất khác.
Bằng cách ăn thịt cá bản địa, cá sư tử sẽ phá vỡ sự cân bằng sinh học và có thể dẫn đến sự suy giảm hoặc thậm chí sự biến mất của một số loài sinh vật biển
Nhà nghiên cứu Justino Martinez của Viện Khoa học hàng hải Barcelona cho biết: Ngày 15/8/2024, nhiệt độ bề mặt trung bình hằng ngày của Địa Trung Hải chạm ngưỡng cao nhất chưa từng có, với 28,9°C, vượt qua kỷ lục 28,71°C đo được ngày 24/7 năm ngoái.
Nhiệt độ nước biển tại khu vực Địa Trung Hải đang tăng lên, đe dọa trực tiếp các loài cá và thực vật biển. Mặt khác, tình trạng này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng của nhiều loài sinh vật ngoại lai xâm lấn. Kèm với đó, khả năng bốc hơi cao hơn tiềm ẩn nguy cơ những trận mưa bão lớn trong khu vực, vốn đã bị ảnh hưởng bởi các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đặc biệt, tại các điểm đặt phao đo đạc ở ngoài khơi bờ biển Monaco, gần đảo Corse, cũng như gần Valencia (Tây Ban Nha), nhiệt độ nước biển được ghi nhận đều hơn 30°C. Tại thành phố Nice ở miền nam nước Pháp, nước biển có nhiệt độ cao hơn từ 3 đến 4°C kể từ ngày 15/7, khiến cho người dân địa phương không thể tận hưởng bầu không khí mát lành về đêm như thường thấy.
Những đợt nắng nóng ở biển là thảm họa đối với nhiều giống loài sinh vật biển tại địa phương, gồm cá, hàu, trai, nhím biển và các rặng san hô. Một số loại sinh vật ngoại lai và xâm lấn lại có khả năng chống chọi tốt hơn.
Trong số đó, cá sư tử có nguồn gốc từ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, có những chiếc gai độc, đang trở thành một trong những loài xâm lấn hung hãn nhất đe dọa hệ sinh thái địa phương.
Ngoài ra, loài cá thỏ xanh trắng cũng đang càn quét qua những khu rừng tảo. Theo chia sẻ của ông Jean-Pierre Gattuso, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia (CNRS) tại Viện thí nghiệm Hải dương học Villefranche-sur-Mer trên đài phát thanh FranceInfo, hai loài này đang phá vỡ sự cân bằng sinh thái của Địa Trung Hải và “sẽ chẳng còn thức ăn cho các loài sinh vật bản địa”.
Những loài cá xâm lấn này đến từ khu vực Biển Đỏ qua kênh đào Suez và đang chiếm ưu thế do sự nóng lên của nước biển. Không giống như các loài bản địa, chúng không bị suy yếu bởi sóng nhiệt trên biển.
Khu vực Địa Trung Hải từ lâu đã được Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc xếp vào danh sách “điểm nóng” về biến đổi khí hậu. Theo ông Federico Betti, chuyên gia về các loài xâm lấn tại Đại học Genoa (Italia), nhiệt độ trung bình của Địa Trung Hải đã tăng khoảng 1,2°C trong 40 năm qua.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Biến đổi Sinh học Toàn cầu vào năm 2022, thực hiện trong các đợt nắng nóng ở biển từ năm 2015 đến năm 2019 ở Địa Trung Hải, cho thấy: khoảng 50 loài gồm các loại san hô, nhím biển, động vật thân mềm… đã phải chịu sự suy giảm đáng kể.
Các loài nhiệt đới kỳ lạ đang lợi dụng nhiệt độ tăng cao, thuận tiện cho sự sinh trưởng. Chẳng hạn, loài cua xanh dần thay thế các động vật thân vỏ trong khu vực đồng bằng Po ở phía bắc Italia. Hay như, giun lửa vốn được biết tới như một loài sinh vật biển săn cá phàm ăn, cũng đang gây ra những ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động đánh bắt cá.
Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo, trong kịch bản nhiệt độ toàn cầu tăng lên hơn 1,5°C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, hơn 20% cá và động vật không xương sống bị khai thác ở phía đông Địa Trung Hải có thể biến mất cục bộ vào năm 2060 và nguồn thu từ hoạt động đánh bắt cá có thể giảm tới 30% vào năm 2050.
Theo nhandan.vn