Nhiệt điện Hải Phòng: Vượt khó khăn, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh “về đích”
19/01/2022TN&MTNhư nhiều doanh nghiệp trên cả nước trong năm 2021, Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng gặp nhiều khó khăn do tác động sâu rộng của đại dịch COVID - 19 dẫn đến nền kinh tế tăng trưởng thấp, nhu cầu điện năng không cao. Song, bằng sự đoàn kết thống nhất và nỗ lực cao của CBCNV, sự hỗ trợ có hiệu quả của các cổ đông, đặc biệt là Tổng công ty Phát điện 2, Công ty đã vượt khó hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng
Chiến lược đúng, hiệu quả kinh doanh cao
Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu điện trên hệ thống giảm mạnh, nhất là trong giai đoạn cách ly xã hội các tỉnh khu vực phía Nam. Xác định được những khó khăn đó, Công ty đã xác định chiến lược chào giá và phương thức vận hành hợp lý. Nhờ đó, sản lượng điện phát của Nhà máy đã đạt tới 7,32 tỷ kWh, tương đương 102,2% so với kế hoạch, công suất trung bình năm khoảng 260,6 MW.
Nhờ sản lượng điện tăng so với kế hoạch, doanh thu toàn công ty cũng tăng so với kế hoạch là 129 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ 1,4%); chi phí giảm so với kế hoạch 131 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ 1,5%). Do doanh thu tăng và chi phí giảm nên lợi nhuận của Công ty vượt kế hoạch 260 tỷ đồng, tỷ lệ vượt 123,8%. Kết quả này có được là do sự cố gắng của tập thể CBCNV trong Công ty, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban lãnh đạo. Công ty cũng chủ động tích cực theo dõi diễn biến của thị trường và có chiến lược chào giá từng thời điểm trên thị trường hợp lý, từ đó mang lại lợi nhuận từ thị trường cho Công ty.
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh điện, công ty còn thực hiện tốt các kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng thiết bị theo kế hoạch tháng, năm. Trong năm đã không để xẩy ra các sự cố liên quan đến các thiết bị chính của nhà máy. Các thiết bị chính vận hành ổn định, đáp ứng công suất huy động của hệ thống.
Tích cực chuyển đổi số
Nhận thức được tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi số với sản xuất kinh doanh, ngay sau khi thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số và Ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, Ban lãnh đạo công ty đã thực hiện tuyên truyền về công cuộc chuyển đổi số thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Thi trực tuyến trên phần mềm Elearning, website, hội thảo,... nhằm nâng cao nhận thức và triển khai các giải pháp liên quan đến công nghệ số, dữ liệu số; góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ công nhân viên, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Công ty đã được Tổng Công ty Phát điện 2 tin tưởng giao nhiệm vụ là một trong những đơn vị đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Với những nhiệm vụ được giao, công ty tập trung thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực như: Sản xuất, Đầu tư xây dựng, Quản trị nội bộ và ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0.
Cụ thể, đối với lĩnh vực sản xuất, Công ty bám sát danh mục công việc được giao, trong đó trọng tâm là các phần việc liên quan đến hệ thống phần mềm Quản lý Kỹ thuật (PMIS), sửa chữa bảo dưỡng tin cậy RCM (Reliability Centered Maintenance), số hoá hệ thống đo chất lượng than online,…
Riêng với lĩnh vực đầu tư xây dựng, Công ty triển khai đẩy mạnh đấu thầu theo hình thức đấu thầu qua mạng đáp ứng yêu cầu theo thông tư 11/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ứng dụng công nghệ mới trong công tác khảo sát thiết kế, lưu trữ các hồ sơ dự án công trình dưới dạng điện tử, hoàn thiện công tác đánh giá chất lượng nhà thầu,…
Ở lĩnh vực quản trị nội bộ, Công ty tiếp tục ứng dụng triển khai thống nhất văn phòng số Digital Office đây là hệ thống quản lý tập trung có thể tra cứu, tìm kiếm văn bản liên quan đến công việc, thực hiện ký số và phát hành/lưu trữ văn bản điện tử,...
Công ty còn triển khai một số đề tài ứng dụng vào công tác vận hành và bảo dưỡng tối ưu. Từ đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả của chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
XĐ