Nhất quán quan điểm bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững
11/08/2022TN&MTNhiệm vụ bảo vệ môi trường để phát triển bền vững đất nước luôn được Đảng, Nhà nước coi trọng và nhất quán triển khai thực hiện, đặc biệt từ khi thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác bảo vệ môi trường, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các bộ luật, chỉ thị, nghị định, thông tư,… nhằm tạo sự thống nhất, xuyên suốt thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Từ những quyết sách quan trọng đó, đến nay công tác bảo vệ môi trường đã thu được những kết quả rất quan trọng, bảo đảm chất lượng môi trường sống cho người dân và kinh tế - xã hội đất nước phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các vị Đại biểu Quốc hội chúc mừng Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.
Quan điểm về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước
Kể từ khi đổi mới đến nay, một hệ thống các quan điểm về BVMT của Đảng ta đã thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt. Các nhiệm kỳ đại hội thường xuyên tổng kết, bổ sung, hoàn thiện các quan điểm cho phù hợp với từng bối cảnh phát triển đất nước và thời đại.
Cụ thể, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị Khóa IX ban hành về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, xác định “BVMT là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của Nhân dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển KT-XH, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta”; “BVMT vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững (PTBV), phải được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển KT-XH của từng ngành và từng địa phương. Đầu tư cho BVMT là đầu tư cho PTBV”.
Tiếp đó, Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý TN&BVMT, nêu rõ “Môi trường là vấn đề toàn cầu, BVMT vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của PTBV. Tăng cường BVMT phải theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH; lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ONMT, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đầu tư cho BVMT là đầu tư cho PTBV”.
Kết luận số 56/2017-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý TN&BVMT cũng chỉ rõ cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý TN&BVMT. Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Bên cạnh đó, quan điểm của Đảng về BVMT cũng được thể hiện xuyên suốt qua các kỳ Đại hội Đảng. Cụ thể, Báo cáo Chính trị Tại Đại hội IX khẳng định “sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường, tự nhiên, bảo tồn ĐDSH, coi đây là một trong những nội dung quan trọng của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển KT-XH. Tăng cường công tác quản lý ở tất cả các lĩnh vực, các vùng; thực hiện nghiêm Luật BVMT”.
Tại Đại hội X, Đảng ta tiếp tục xác định: “Bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên quốc gia, cải thiện môi trường tự nhiên”. Tại Đại hội XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nêu rõ: “BVMT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và BVMT sinh thái”.
Tiếp đó, tại Đại hội XII, Đảng xác định “ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do con người, nhất là do các dự án phát triển kinh tế gây ra. Hạn chế, tiến tới khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại làm cạn kiệt tài nguyên, ONMT của các cơ sở sản xuất,... Hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành các chế tài đủ mạnh để BVMT, ngăn chặn xử lý theo pháp luật nhằm chấm dứt tình trạng gây ONMT, tăng cường phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ONMT”.
Đại hội XIII tiếp tục khẳng định “Lấy BVMT sống và sức khỏe của Nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ONMT, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ ĐDSH và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Từ Nghị quyết số 41/2004-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa IX ban hành về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, Nghị quyết số 24/2013-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT,… đến văn kiện các kỳ Đại hội Đảng IX, X, XI, XII và đặc biệt là Đại hội XIII đều đã khẳng định, lấy BVMT sống và sức khỏe của Nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ONMT, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ ĐDSH và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường,…
Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu và triển khai giải pháp bảo vệ môi trường
Cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác BVMT, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các bộ luật, chỉ thị, nghị định, thông tư,… nhằm tạo sự thống nhất, xuyên suốt thực hiện hiệu quả công tác BVMT với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Có thể kể đến, Luật BVMT được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua và có hiệu thi hành từ ngày 1/1/2022. Luật BVMT 2020, tập trung cải cách mạnh mẽ, cắt giảm 40% TTHC nhằm giảm chi phí thực hiện của doanh nghiệp, thu hẹp khoảng cách 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, tích hợp các TTHC vào giấy phép môi trường,… Theo quy định của Luật BVMT 2020, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề BVMT bao gồm các chính sách về việc thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động BVMT của các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân; chính sách xây dựng văn hóa BVMT, chú trọng tuyên truyền, giáo dục về BVMT và các hình thức xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật về BVMT; chính sách chú trọng BVMT khu dân cư, xử lý vấn đề ONMT; chính sách về việc đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho BVMT; chính sách phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; chính sách hội nhập, hợp tác quốc tế về BVMT và các chính sách về việc phát triển các dự án KT-XH.
Trước Luật BVMT năm 2020, ngày 31/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về “Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT”. Chỉ thị số 25/CT-TTg tiếp tục khẳng định, BVMT là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và Nhân dân. Các địa phương khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch hành động về BVMT. Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về các vấn đề môi trường trên địa bàn. Bộ TN&MT kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện pháp luật về BVMT của các bộ, ngành, địa phương,…
Ngày 28/1/2018, Bộ TN&MT cũng đã có Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BTNMT về Nghị định quy định về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT. Nghị định có 7 chương, 24 điều, trong đó bãi bỏ một số điều, quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành các quy định về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT. Tiếp đó, Bộ TN&MT đã có Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-BTNMT ngày 25/10/2019: Nghị định về quản lý chất thải và phế liệu. Nghị định có 9 chương, 66 điều, trong đó quy định về quản lý chất thải bao gồm chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, sản phẩm thải lỏng, nước thải, khí thải công nghiệp và các chất thải đặc thù khác; BVMT trong nhập khẩu phế liệu,…
Với những quan điểm, mục tiêu nêu trên, Đảng ta cũng đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể để BVMT như: Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường; khắc phục các khu vực môi trường đã bị ô nhiễm, suy thoái; điều tra nắm chắc các nguồn TNTN và có kế hoạch bảo vệ, khai thác hợp lý, bảo vệ ĐDSH; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường; đáp ứng yêu cầu về môi trường trong hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và PTBV, ban hành bộ chỉ số đánh giá kết quả phát triển kinh tế bền vững tăng trưởng xanh đưa vào bộ tiêu chí quốc gia; phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ONMT,…
Theo đó, các giải pháp được đề ra cần thực hiện gồm: Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục để tạo sự thống nhất trong toàn xã hội về nhận thức và hành động trước tác động của BĐKH, thiên tai cực đoan, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ONMT; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT, theo hướng khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT,... tăng cường, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với BĐKH; nâng cao năng lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm về tài nguyên, môi trường.
Môi trường là vấn đề đáng quan tâm của toàn thế giới trong đó có cả Việt Nam. BVMT là vấn đề sống còn của đất nước, là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền với quá trình phát triển KT-XH, hòa bình và tiến bộ xã hội, chính vì vậy BVMT vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của pháp luật Việt Nam trong quá trình PTBV. Nhiệm vụ BVMT luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng từ khi thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng ngày càng hoàn thiện về hoạt động BVMT.n
HOÀNG LÂM
Tổng cục Môi trường