Nhanh chóng đưa Luật Địa chất và Khoáng sản vào thực tiễn cuộc sống
05/12/2024TN&MTĐể triển khai thực hiện Luật Địa chất và Khoáng sản sau khi được thông qua, trước hết các bộ, ngành liên quan cần phổ biến pháp luật đến cán bộ, công chức thuộc hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; các cấp thống nhất về nhận thức và hành động trong triển khai thi hành Luật, nhất là các nội dung mới, quan trọng đã được tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn.
Các Đại biểu bấm nút thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản
Luật Địa chất và Khoáng sản đã được Quốc hội chính thức thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với tỷ lệ tán thành cao. Luật Địa chất và Khoáng sản đã kế thừa Luật Khoáng sản hiện hành, bổ sung một số quy định mới nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn, đưa khoáng sản trở thành nguồn lực xứng tầm trong phát triển kinh tế - xã hội.
Quốc hội đã thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản. Với 12 Chương, 111 Điều, cũng như 12 điểm mới của Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thống nhất trong quản lý khai thác khai thác tài nguyên địa chất và khoáng sản…
Luật Địa chất và Khoáng sản: Điểm mới và kỳ vọng
Luật Địa chất và khoáng sản đã được Quốc hội chính thức thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với tỷ lệ số phiếu đồng ý tán thành cao (với 446/448 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,11% tổng số đại biểu Quốc hội). Luật Địa chất và khoáng sản đã kế thừa Luật Khoáng sản hiện hành, bổ sung một số quy định mới nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn, đưa khoáng sản trở thành nguồn lực xứng tầm trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đại diên Ban soạn thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, ông Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Mai Thế Toản cho biết về một số điểm mới và những kỳ vọng mở ra những thay đổi lớn về chính sách. Cụ thể như: Luật Địa chất và khoáng sản đã quy định rõ nội dung và trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất; điều tra, khoanh định, lập bản đồ các khu vực di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên vị thế; điều tra địa chất môi trường, tai biến địa chất; điều tra địa chất công trình, địa chất đô thị và điều tra điều kiện địa chất khác.
Về phân nhóm khoáng sản, trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý, khoáng sản được phân chia thành các nhóm I, II, III và IV. Trong đó, khoáng sản nhóm I gồm (khoáng sản kim loại; khoáng sản năng lượng; đá quý, đá bán quý; khoáng chất công nghiệp; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên). Khoáng sản nhóm II gồm (các loại khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng phục vụ sản xuất xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, đá ốp lát, mỹ nghệ, vôi công nghiệp, vật liệu chịu lửa). Khoáng sản nhóm III gồm (các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; than bùn). Khoáng sản nhóm IV gồm (các loại đất sét, đất đồi; đất lẫn đá, cát, cuội, sỏi hoặc đất, sét có tên gọi khác chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp; đất đá thải mỏ).
Việc phân nhóm này nhằm xác lập cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, đóng cửa mỏ. Trên cơ sở này, quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản.
Về tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương, Luật đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao nǎng lực thực thi của cơ quan cấp dưới kèm theo việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là ở cấp trực tiếp thực hiện.
Luật cũng đã bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản là hoạt động kết hợp nhằm thu được khoáng sản trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc các hoạt động khác theo kế hoạch được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận. Việc thu hồi khoáng sản được thực hiện theo cơ chế khác so với khai thác khoáng sản.
Các thủ tục hành chính trong Luật đã được rà soát, đơn giản hóa tối đa trình tự, thủ tục giải quyết như: Bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản). Quy định riêng về khai thác khoáng sản nhóm IV theo hướng cải cách hành chính. Đặc biệt, việc khai thác khoáng sản nhóm IV cung cấp vật liệu cho các trường hợp đặc biệt (phục vụ thi công các dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp, công trình, hạng mục công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của pháp luật về đầu tư công…) không phải thực hiện thủ tục cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng; thủ tục trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định và phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.
Về đóng cửa mỏ khoáng sản, Luật đã nêu rõ đóng cửa mỏ khoáng sản là hoạt động nhằm đưa toàn bộ hoặc một phần diện tích khu vực thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản về trạng thái an toàn, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tối ưu hóa mục đích sử dụng đất sau khai thác. Ngoài ra, đã phân định 4 trường hợp khác nhau và cách tiếp cận thứ bậc từ chặt chẽ đến đơn giản về quy trình, thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản. Cụ thể, Luật đã quy định các trường hợp phải có phương án đóng cửa mỏ khoáng sản và quyết định đóng cửa mỏ; các trường hợp không phải lập đề án hoặc phương án đóng cửa mỏ nhưng vẫn phải có quyết định đóng cửa mỏ; các trường hợp không phải thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ…
Ngoài ra, còn một số điểm mới khác trong Luật như: Công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; sử dụng ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được phép khai thác hoặc khối lượng khoáng sản được phép thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế; tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển.
Một điểm quan trọng trong Luật Địa chất và Khoáng sản là việc cấm kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Địa chất và Khoáng sản bao gồm việc lợi dụng các hoạt động điều tra địa chất và khoáng sản để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, gây hại đến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng, hay cố ý hủy hoại các mẫu vật địa chất, khoáng sản có giá trị. Đặc biệt, Luật Địa chất và Khoáng sản cũng nghiêm cấm việc thực hiện các hoạt động khai thác khoáng sản khi chưa có sự phê duyệt, cấp phép từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Về thời gian khai thác khoáng sản, Luật Địa chất và Khoáng sản quy định, dự án đầu tư khai thác khoáng sản có thời gian khai thác không quá 30 năm. Trong trường hợp cần thiết, có thể gia hạn nhưng tổng thời gian khai thác không vượt quá 50 năm.
Nhanh chóng đưa Luật Địa chất và Khoáng sản vào cuộc sống
Cũng theo ông Mai Thế Toản, để triển khai thực hiện Luật Địa chất và Khoáng sản sau khi được thông qua, trước hết các bộ, ngành liên quan cần phổ biến pháp luật đến cán bộ, công chức thuộc hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; các cấp thống nhất về nhận thức và hành động trong triển khai thi hành Luật, nhất là các nội dung mới, quan trọng đã được tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn.
Đồng thời, chuẩn bị tốt nguồn lực về con người và hạ tầng kỹ thuật để xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như thực thi kiểm tra, kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế hàng năm. Trong đó, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản cần ưu tiên thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu số, trang thiết bị, công nghệ phục công tác kiểm soát hoạt động khoáng sản (công nghệ viễn thám, thiết bị bay không người lái UAV....).
Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước từ khâu lập quy hoạch đến cấp phép, đóng cửa mỏ, bảo đảm giảm thiểu tất cả các tác động tiêu cực, rủi ro, sự cố về môi trường và xã hội có thể xảy ra trong suốt vòng đời của dự án khai thác mỏ và sau khi đóng cửa mỏ. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần gắn công tác quy hoạch, quản lý khai thác khoáng sản với đô thị hóa - cấp nước - giao thông - thủy lợi - lâm nghiệp - du lịch và bảo vệ môi trường trong một thể thống nhất; có chế độ khuyến khích các phương án hoạt động khai thác bền vững khoáng sản (hài hòa lợi ích khai thác khoáng sản và bảo vệ tốt môi trường, lợi ích của các bên liên quan).
Xuân Thành