Nhân sự chuyên trách về bảo vệ môi trường tại các cơ sở phát thải lớn: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam
28/12/2021TN&MTĐể bảo vệ môi trường tại các cơ sở phát thải lớn, các nước phát triển công nghiệp hàng đầu trên thế giới đặc biệt coi trọng và ban hành các quy định pháp luật về mô hình nhân sự chuyên trách về bảo vệ môi trường. Bài viết này nghiên cứu mô hình nhân sự chuyên trách về bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp của các quốc gia gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, từ đó có các đề xuất cho Việt Nam.
Kinh nghiệm của Nhật Bản
Năm 1971, Nhật Bản đã ban hành “Luật Cải thiện Hệ thống phòng ngừa ô nhiễm tại một số loại hình cơ sở sản xuất đặc thù”, theo đó yêu cầu thiết lập hệ thống nhân sự kiểm soát ô nhiễm (KSON) tại một số loại hình cơ sở sản xuất có các công trình/thiết bị phát sinh muội than, bụi, nước thải, tiếng ồn, độ rung, dioxin ở quy mô lớn (chẳng hạn có lưu lượng khí thải phát sinh trên 40.000 m3/giờ và lưu lượng nước thải phát sinh trên10.000 m3/giờ); và các cơ sở có các công trình/thiết bị phát sinh chất thải nguy hại.
Hệ thống nhân sự KSON tại cơ sở đặc thù của Nhật Bản bao gồm ba vị trí việc làm: (i) Giám đốc KSON là nhân sự cấp cao của doanh nghiệp có trách nhiệm đề ra các giải pháp và giám sát việc thực hiện các giải pháp đó nhằm kiểm soát các vấn đề ô nhiễm; (ii) Trưởng phòng KSON có trách nhiệm chỉ đạo và giám sát hoạt động của nhân sự KSON tại các đơn vị trực thuộc nhà máy/cơ sở sản xuất (iii) Nhân sự KSON có trách nhiệm giám sát việc sử dụng nguyên vật liệu, giám sát công trình/thiết bị phát sinh chất thải, vận hành/kiểm tra và bảo dưỡng công trình/thiết bị xử lý chất thải, quan trắc chất thải, triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường.
Bên cạnh đó, các nhân sự thuộc hệ thống KSON tại các cơ sở phát thải lớn nêu trên, trừ vị trí giám đốc KSON, cần có bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ phù hợp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các nhân sự có trình độ học vấn và kinh nghiệm nhất định này sẽ tham gia các kỳ thi cấp quốc gia hoặc các khóa học để lấy các chứng chỉ kiểm soát ô nhiễm theo từng chuyên đề như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, chất thải nguy hại,... Từ năm 1987, Hiệp hội Quản lý môi trường công nghiệp Nhật Bản (JEMAI) đã được chỉ định là cơ quan tổ chức kỳ thi quốc gia về KSON hằng năm. Ngoài ra, các khóa đào tạo cấp chứng chỉ KSON được tổ chức bởi 3 tổ chức đào tạo được cấp phép, bao gồm: JEMAI, Hiệp hội Thiết bị và Máy tàu thủy Nhật Bản và Hiệp hội Đá dăm Nhật Bản.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Năm 1990, Luật BVMT của Hàn Quốc được tách ra thành các luật riêng biệt như Luật khung về chính sách môi trường, Luật Bảo tồn không khí sạch, Luật Bảo tồn môi trường nước, Luật kiểm soát tiếng ồn và độ rung. Đặc biệt, nội dung về trách nhiệm, quyền hạn và yêu cầu về năng lực đối với nhân sự phụ trách BVMT tại các doanh nghiệp đã được lồng ghép trong Luật Bảo tồn không khí sạch, Luật Kiểm soát tiếng ồn và độ rung, Luật Bảo tồn môi trường nước và văn bản hướng dẫn các Luật này. Theo các quy định này, các cơ sở sản xuất cần bố trí tối thiểu một kỹ sư môi trường để vận hành và quản lý các công trình xả thải và công trình xử lý khí thải/nước thải. Căn cứ theo loại hình dự án1, tiêu chuẩn năng lực đối với kỹ sư môi trường được yêu cầu khác nhau.
Chẳng hạn, đối với cơ sở xả khí thải từ 80 tấn/năm trở lên, cần bố trí tối thiểu một kỹ sư môi trường có bằng cấp chuyên môn về ô nhiễm môi trường không khí. Còn đối với cơ sở xả khí thải từ 10 tấn/năm trở lên, có thể chỉ cần bố trí nhân sự có ít nhất ba năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực môi trường không khí. Đặc biệt, theo Luật Kiểm soát tiếng ồn và độ rung, cơ sở tiêu thụ tổng điện năng bằng hoặc hơn 3.750 kW cần có tối thiểu một nhân sự có chứng chỉ nghiệp vụ về tiếng ồn và độ rung. Nhân sự kiểm soát tiếng ồn và độ rung cần hoàn thành chương trình đào tạo, tập huấn được tổ chức bởi Bộ Môi trường. Kinh phí khóa đào tạo, tập huấn được chi trả bởi cơ sở sử dụng kỹ sư môi trường theo quy định.
Kinh nghiệm của Trung Quốc
Trung Quốc đã đưa ra các yêu cầu về nhân sự chuyên trách BVMT đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại Luật KSON không khí, Luật KSON nước và Luật Kiểm soát hóa chất độc hại. Theo đó, các cơ sở công hoặc tư đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trung ương cấp phép có trách nhiệm thành lập các bộ phận hoặc bố trí các nhân sự chuyên trách về KSON. Các nhân sự chuyên trách cần có bằng cấp chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền trung ương cấp và chứng chỉ nghiệp vụ thông qua các khóa đào tạo, tập huấn phù hợp. Trung Quốc cũng ban hành Luật về Nhân sự và bộ phận chuyên trách về môi trường, trong đó quy định chi tiết hơn về trách nhiệm và quyền hạn của bộ phận/nhân sự chuyên trách về KSON không khí, KSON nước, kiểm soát sản xuất, sử dụng và lưu trữ hóa chất độc hại. Các loại nhân sự này được chia thành thành các cấp (cấp A, B và C), theo đó mỗi cấp có các tiêu chí cụ thể về năng lực, chẳng hạn như yêu cầu về chuyên ngành, cơ sở đào tạo, kinh nghiệm làm việc thực tế và đặc biệt là yêu cầu về việc tham gia và hoàn thành các khóa đào tạo được tổ chức bởi các cơ quan quản lý BVMT.
Kiến nghị về nhân sự chuyên trách về bảo vệ môi trường tại Việt Nam
Thể chế hóa mô hình nhân sự chuyên trách về BVMT: Hiện nay, Luật BVMT năm 2020 đã quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh chất thải lớn bố trí nhân sự phụ trách về BVMT được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp; có hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 được chứng nhận. Đồng thời, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật BVMT năm 2020 cũng đã quy định một số loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh chất thải lớn bố trí nhân sự phụ trách về BVMT. Tuy nhiên, để triển khai thi hành hiệu quả các quy định này, cần nghiên cứu, quy định cụ thể một số nội dung về trách nhiệm, quyền hạn, cũng như yêu cầu năng lực đối với bộ phận/nhân sự chuyên trách về BVMT tại các loại hình cơ sở phát thải lớn.
Căn cứ trên các kết quả phân tích, đánh giá kinh nghiệm của một số quốc gia, có thể đề xuất một số nội dung quy định về nhân sự chuyên trách về BVMT như sau:
Thứ nhất, xem xét các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh sau cần bố trí bộ phận/nhân sự chuyên trách về BVMT: Dự án đầu tư, cơ sở xả nước thải ra môi trường với lưu lượng xả thải từ 1.000 m3/ngày trở lên tính theo lưu lượng xả nước thải tối đa được cấp phép trong giấy phép môi trường. Dự án đầu tư, cơ sở thuộc danh mục các loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có các thiết bị xả bụi, khí thải với lưu lượng lớn bao gồm sản xuất than cốc; lọc hóa dầu; sản xuất hóa chất hữu cơ cơ bản; sản xuất hóa chất vô cơ cơ bản; sản xuất chất nhuộm và chất màu; sản xuất phân bón hóa học, hợp chất nitơ; sản xuất hóa sợi, cao su, nhựa và các sản phẩm nhựa, cao su; sản xuất thủy tinh; sản xuất gạch, ngói, gốm, sứ; sản xuất clinke, xi măng; sản xuất sắt, thép, gang, kim loại quý, kim loại màu và sản xuất máy móc, thiết bị, đồ gia dụng; xử lý, tái chế chất thải.
Thứ hai, xem xét quy định cụ thể yêu cầu về số lượng, lĩnh vực chuyên ngành và yêu cầu về năng lực đối với các nhân sự chuyên trách về BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát thải lớn. Theo đó, bộ phận chuyên môn về BVMT có thể bao gồm tối thiểu một nhân sự điều hành bộ phận và ít nhất hai nhân sự chuyên trách kiểm soát các loại hình ô nhiễm như KSON không khí, nhân sự KSON nước, KSON tiếng ồn/độ rung, KSON dioxin, KSON các hóa chất độc hại. Các nhân sự chuyên trách về BVMT cần có bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí công tác, trong đó nhân sự tối thiểu có bằng đại học hoặc cao đẳng các ngành, chuyên ngành về môi trường, kỹ thuật môi trường, khoa học môi trường, kỹ thuật hóa học, khoa học khí quyển, an toàn và sức khỏe công nghiệp/khai thác mỏ, hóa học, thủy lực hoặc các ngành khác có liên quan. Bên cạnh đó, cần xem xét quy định về kinh nghiệm công tác trong các lĩnh vực có liên quan của các nhân sự chuyên trách về BVMT như có tối thiểu hai năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan.
Thứ ba, xem xét quy định cụ thể trách nhiệm và quyền hạn của nhân sự chuyên trách về BVMT tại khu công nghiệp, khu kinh tế, các cơ sở phát thải lớn, bao gồm các nội dung sau: Tổ chức lập và trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định pháp luật. Tổ chức thực hiện các nội dung trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu về BVMT trong giấy phép môi trường được cấp. Thu gom, phân loại, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật. Đề xuất áp dụng giải pháp tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thân thiện môi trường, năng lượng tái tạo; áp dụng công nghệ, chương trình sản xuất sạch hơn, kiểm soát môi trường và các biện pháp khác để giảm thiểu phát sinh chất thải. Thực hiện quan trắc nước thải, bụi, khí thải; quản lý số liệu quan trắc chất thải và công bố công khai kết quả quan trắc chất thải theo quy định của pháp luật. Thường xuyên thu nhận, lưu trữ và quản lý; cung cấp thông tin về môi trường cho cơ quan QLNN về BVMT thông qua hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia hoặc báo cáo theo quy định của pháp luật. Cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia khi chuyển giao chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý cho cơ sở có giấy phép môi trường phù hợp. Lập và gửi báo cáo công tác BVMT định kỳ hoặc đột xuất đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Tổ chức thực hiện yêu cầu về kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường (SCMT) theo quy định của pháp luật. Kiểm tra, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra SCMT. Thông báo cho UBND cấp xã về nguy cơ SCMT và biện pháp ứng phó sự cố môi trường để thông tin cho tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư xung quanh. Tổ chức ứng phó SCMT trong phạm vi cơ sở. Tham mưu chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chi trả chi phí ứng phó SCMT; thực hiện phục hồi môi trường sau SCMT trong phạm vi cơ sở. Tổ chức hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các bộ phận trong phạm vi cơ sở thực hiện quy chế và các quy định của pháp luật về BVMT; tham gia phối hợp với các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác BVMT của các cơ quan QLNN. Truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về BVMT, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức về BVMT đối với các bộ phận trong phạm vi cơ sở. Tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý BVMT theo quy định của pháp luật. Nộp các loại thuế, phí, lệ phí liên quan đến BVMT theo quy định. Thực hiện các trách nhiệm, nhiệm vụ khác liên quan đến BVMT theo quy định của pháp luật.
Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo cho nhân sự chuyên trách về BVMT: Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước cho thấy, để đảm bảo chất lượng nhân sự chuyên trách về BVMT tại doanh nghiệp, cần xây dựng hệ thống đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho các nhân sự này. Tại Việt Nam, theo Luật BVMT năm 2020, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều trách nhiệm, nghĩa vụ mới trong BVMT như tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn, xây dựng/báo cáo kiểm kê, lắp đặt/vận hành hệ thống quan trắc liên tục. Do vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp bố trí đội ngũ nhân sự có năng lực đáp ứng thực hiện các nghĩa vụ đó. Đặc biệt là đối với các nội dung mang tính kỹ thuật như quan trắc, vận hành các hệ thống ngăn ngừa phát thải thì cần đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng nhằm nâng cao năng lực cho nhân sự phụ trách môi trường của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc nâng cao hiểu biết về pháp luật cũng vô cùng cần thiết nhằm triển khai thực thi các quy định pháp luật một cách có hiệu quả. Vì vậy, Việt Nam cũng cần xây dựng chương trình đào tạo cho nhân sự phụ trách môi trường tại các doanh nghiệp.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia và đối chiếu với hệ thống pháp luật và điều kiện của Việt Nam, một số nội dung về xây dựng và triển khai chương trình đào tạo cho nhân sự chuyên trách về BVMT tại doanh nghiệp có thể được đề xuất như sau:
Thứ nhất, khuyến khích các cơ sở có trách nhiệm bố trí nhân sự chuyên trách về BVMT theo quy định pháp luật cử các nhân sự của mình tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phù hợp. Các nhân sự này sau khi tham gia, hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng sẽ được cấp chứng chỉ kỹ thuật chuyên môn phù hợp.
Thứ hai, cơ quan QLNN có thẩm quyền tổ chức hoặc chỉ định đơn vị có chức năng phù hợp xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho các nhân sự chuyên trách về BVMT tại các doanh nghiệp. Các khóa đào tạo được tổ chức theo từng chủ đề riêng biệt; hoặc có thể được lồng ghép trong trường hợp cần thiết. Nội dung các khóa đào tạo do cơ quan có thẩm quyền quy định; các chứng chỉ đào tạo được cấp bởi các tổ chức do cơ quan QLNN chứng nhận.
Thứ ba, xây dựng các khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng về KSON không khí, ô nhiễm nước, tiếng ồn/độ rung, quản lý chất thải,… nhằm cung cấp cho các nhân sự chuyên trách BVMT tại doanh nghiệp các kiến thức và năng lực để có thể thực hiện được các nghiệp vụ cơ bản về BVMT trong một số loại hình sản xuất, kinh doanh phát thải lớn trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần tập trung vào các chủ đề KSON không khí, KSON nước, tiếng ồn/độ rung, ô nhiễm đioxin, xử lý nước thải, quản lý hóa chất độc hại. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng có thể bao gồm một số chuyên đề như sau: Chuyên đề tổng quan về ô nhiễm: Khái quát về Luật cơ bản về Môi trường, văn bản pháp luật liên quan đến môi trường, hệ thống pháp luật của luật người quản lý KSON, toàn bộ các vấn đề về môi trường, phương pháp quản lý môi trường,… Chuyên đề về ô nhiễm không khí: Văn bản pháp luật về KSON không khí, hiện trạng ô nhiễm không khí, cơ chế phát sinh ô nhiễm không khí, tác động của ô nhiễm không khí,… Chuyên đề về ô nhiễm dạng khí: Nhiên liệu, tính toán quá trình cháy, phương pháp đốt cháy và thiết bị đốt cháy, kỹ thuật xử lý SO2, kỹ thuật kiểm soát NOx, kỹ thuật quan trắc khí thải,… Chuyên đề về ô nhiễm dạng bụi: Kế hoạch xử lý, nguyên lý/cơ chế/đặc tính/bảo trì/quản lý thiết bị gom bụi, công trình/thiết bị và biện pháp kiểm soát phát sinh bụi thông thường, công trình/thiết bị và biện pháp kiểm soát/đo lường phát sinh bụi đặc biệt, quan trắc bụi. Chuyên đề về chất thải nguy hại: Quá trình phát sinh chất thải nguy hại, phương thức xử lý chất thải nguy hại, biện pháp khắc phục khi xảy ra sự cố về chất nguy hại, quan trắc chất thải nguy hại.
Tăng cường BVMT theo phương châm phòng ngừa là chính, kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ các dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng đã được Đảng và Nhà nước ta đặt ra trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, một trong các nhiệm vụ cấp bách là “tăng cường hệ thống QLNN về BVMT ở trung ương, địa phương” đồng thời “đẩy mạnh quản trị môi trường trong các doanh nghiệp”. Do vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia công nghiệp phát triển về nhân sự chuyên trách về BVMT sẽ góp phần đáp ứng các vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn triển khai công tác BVMT tại các doanh nghiệp; đồng thời giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật BVMT tại Việt Nam.
ThS. PHẠM ÁNH HUYỀN
Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường