Nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu
23/10/2024TN&MTBắc Trung Bộ là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng và thiệt hại bởi thiên tai, trong đó, nhiều nhất là bão, lũ lụt và ngập úng. Thời gian qua, các tỉnh trong khu vực thực hiện nhiều mô hình, cách thức sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu để bảo đảm đời sống người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.
Mô hình trồng rừng bằng cây bản địa ở Quảng Bình mang lại hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại do gió bão
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu gây ra các loại hình thiên tai mang tính cực đoan nhiều hơn, ảnh hưởng lớn tới đời sống của con người và sự phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Chưa tính đến hậu quả do bão số 3 gây ra, chỉ riêng trong những tháng đầu năm 2024, thiên tai làm hơn 80.630 ha diện tích lúa, hoa màu, cây trồng thiệt hại, hơn 59.200 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, gần 2.280 ha diện tích nuôi trồng thủy sản thiệt hại.
Những năm gần đây, do ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu cho nên tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường có chiều hướng tăng lên. Thực tế đó đòi hỏi khu vực Bắc Trung Bộ phải có các giải pháp kỹ thuật phù hợp trong sản xuất nông nghiệp, nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai.
Trong đó, các tỉnh Bắc Trung Bộ là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nhất. Khu vực này nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa chuyển tiếp giữa miền bắc và miền nam nước ta, do đó có cả khí hậu nhiệt đới điển hình của miền nam và mùa đông tương đối lạnh của miền bắc.
Do vị trí đặc biệt về địa lý và yếu tố địa hình cho nên hằng năm, Bắc Trung Bộ thường chịu ảnh hưởng của các loại thiên tai như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, lốc xoáy, hạn hán, nắng nóng, xâm nhập mặn, rét hại...
Những năm gần đây, do ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu cho nên tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường có chiều hướng tăng lên. Thực tế đó đòi hỏi khu vực Bắc Trung Bộ phải có các giải pháp kỹ thuật phù hợp trong sản xuất nông nghiệp, nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình Trần Ðình Hiệp cho biết, thực tiễn cho thấy, đầu vụ đông xuân các loại cây mới gieo trồng, nhất là lúa thường bị chết do rét đậm, rét hại và ngập úng; cuối vụ hè thu thường bị mất mùa do mưa bão, lũ lụt sớm. Do vậy, sở cùng với chính quyền các địa phương đã điều chỉnh lại cơ cấu giống cây trồng, chọn giống ngắn ngày đưa vào canh tác. Vụ đông xuân chuyển từ sử dụng các giống lúa dài ngày sang sử dụng các giống trung và ngắn ngày chất lượng cao như: P6, PC6, HT1, QC03; vụ hè thu dùng các giống ngắn và cực ngắn ngày như: PC6, HT1, Bắc thơm 7, P6 đột biến để rút ngắn thời gian sinh trưởng. Ðịa phương đã điều chỉnh lịch thời vụ bằng cách vụ đông xuân xuống giống muộn để tránh thiệt hại do rét và ngập úng đầu vụ, còn hè thu thì gặt sớm (trước ngày 5 tháng 9 hằng năm) để tránh thiệt hại do bão và lũ lụt cuối vụ.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị Trần Cẩn cho biết, tỉnh có hơn 2.000 ha đất lúa thiếu nước, không sản xuất được. Những năm qua, Trung tâm đã xây dựng và chuyển giao nhiều mô hình như: Trồng ngô sinh khối bằng các giống ngô biến đổi gien NK7328 có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp để trồng trên đất lúa thiếu nước trong vụ hè thu. Lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/ha, so với trồng lúa thì ngô sinh khối cho thu nhập cao hơn nhiều lần trên cùng chân đất. Mô hình trồng lạc phủ bạt nilon, thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai hiệu quả tại các vùng trồng lạc của tỉnh Quảng Trị. Kết quả là năng suất thu hoạch đạt 1,2 tạ/sào, cao hơn so với cách làm truyền thống 0,2 tạ/sào. Trừ chi phí, hộ dân thu lãi hơn 1,5 triệu đồng/sào (tương đương lãi 30 triệu đồng/ha). Ðặc biệt, mô hình thật sự thích ứng với biến đổi khí hậu do đã phủ bạt cho nên làm tăng khả năng chống hạn, giữ ẩm, hạn chế cỏ dại, sâu bệnh gây hại và giảm lượng nước tưới, tăng hiệu quả kinh tế.
Mô hình chuyển hóa từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn được Trung tâm Khuyến nông triển khai từ nhiều năm nay ở Quảng Trị.
Với chu kỳ kinh doanh 10 năm, rừng keo lai gỗ xẻ cho trữ lượng gỗ 180 m3/ha, thu được 191,5 triệu/ha/chu kỳ kinh doanh rừng 10 năm từ 60% sản phẩm gỗ xẻ và 40% gỗ băm dăm. Như vậy, lợi nhuận thu được 175,2 triệu đồng/ha, mỗi năm thu được 17,52 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp hơn 2 lần so với trồng keo lai gỗ nhỏ với hai chu kỳ kinh doanh 5 năm.
Rừng keo lai gỗ lớn cũng có khả năng hấp thụ nhiều carbon, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu. Vì vậy, đến nay, mô hình này được nhân rộng hàng nghìn ha rừng trồng ở địa phương. Còn tại tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng thành công và đạt hiệu quả 123 dạng mô hình; trong đó có 40 dạng mô hình thích ứng biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Tại diễn đàn "Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng" mới được tổ chức tại Quảng Bình, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh nhấn mạnh, cùng với nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, các tỉnh Bắc Trung Bộ cần chú trọng hơn nữa các giải pháp phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp. Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế phải phù hợp với nhu cầu của người sản xuất theo đặc điểm kinh tế-xã hội của từng vùng và phát triển theo hướng hàng hóa liên kết tiêu thụ sản phẩm và áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm sản xuất các sản phẩm theo VietGAP, hữu cơ, tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Các địa phương cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chuyển hướng từ sản xuất theo cách truyền thống sang hướng thích ứng biến đổi khí hậu, hình thành các mô hình nông nghiệp thông minh để giảm rủi ro và bền vững với môi trường.
Theo nhandan.vn