Nhân rộng các khu bảo tồn góp phần xây dựng thương hiệu "biển Việt Nam"
30/09/2023TN&MTNghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phải bảo tồn, phát triển và quản lý các khu bảo tồn biển bảo đảm cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, phát triển kinh tế biển... Tổ chức thực hiện tốt công tác bảo tồn biển sẽ tạo đà cho việc phát triển thương hiệu "biển Việt Nam".
Xây dựng khu bảo tồn biển: Phương thức hữu hiệu, ít tốn kém
Theo Bộ NN&PTNT, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 27 khu bảo tồn biển (KBTB) với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 442.235 ha, chiếm khoảng 0,44% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Trong đó, 11 KBTB cấp quốc gia, bao gồm: 5 KBTB đã thành lập là Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Núi Chúa (Ninh Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nam Yết và vịnh Nha Trang (Khánh Hòa); thành lập mới 6 KBTB là vịnh Hạ Long, Bái Tử Long (Quảng Ninh), Cát Bà - Long Châu (Hải Phòng), Gò Đồi Ngầm (Quảng Bình), Thuyền Chài, Song Tử (Khánh Hòa). KBTB cấp tỉnh có 16 khu, trong đó thành lập mới 8 KBTB là Cà Mau, Hòn Ngư - Đảo Mắt (Nghệ An), Hải Vân - Sơn Chà (Thừa Thiên - Huế), Sơn Trà (Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định), Vũng Rô (Phú Yên), Hải Tặc, Nam Du - Hòn Sơn (Kiên Giang).
Mục tiêu quản lý các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và 63 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn khoảng 2,5% diện tích; thành lập và đưa vào hoạt động các khu vực áp dụng biện pháp bảo tồn hiệu quả đạt khoảng 0,5% diện tích; quản lý hiệu quả các khu bảo tồn đất ngập nước ven biển để bảo đảm tổng diện tích các khu bảo tồn đất ngập nước ven biển đạt khoảng 1,5%; mở rộng diện tích vùng biển phục hồi các hệ sinh thái biển đạt khoảng 1% diện tích các vùng biển Việt Nam. Tổng diện tích chiếm 6% diện tích biển Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng: Việc mở rộng diện tích các KBTB trở thành nội dung quan trọng của kinh tế biển xanh, nhân rộng nhiều KBTB được xem là một trong những phương thức hữu hiệu, ít tốn kém để duy trì, quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học biển, bảo đảm nhu cầu sinh kế của ngư dân. Quản lý hiệu quả mạng lưới các KBTB là một phần không thể tách rời khi đầu tư vào kinh tế biển xanh. Để đầu tư và phát triển các KBTB hiệu quả- bền vững, nước ta cần thường xuyên tiến hành các hoạt động kiểm kê, đánh giá các nguồn vốn tự nhiên biển, đảo và các hoạt động quy hoạch không gian biển dựa vào hệ sinh thái để tối ưu hóa lợi ích, giảm thiểu xung đột trong khai thác, sử dụng biển.
Việc bảo tồn biển và phát triển kinh tế biển là hai mặt của vấn đề. Nếu chúng ta quá chú trọng đến bảo tồn thì không thể phát triển kinh tế biển nhanh được. Ngược lại, nếu quá chú trọng đến phát triển kinh tế biển thì khó đạt được mục tiêu của bảo tồn biển. Ðiều này đã đặt các quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam cần phải cân nhắc, lựa chọn giữa bảo tồn biển và phát triển kinh tế. Trong khi xu thế chung của thế giới hiện nay là kết hợp hài hòa giữa bảo tồn biển và phát triển kinh tế biển. Ðiều đó có nghĩa, cần phải có sự hài hòa giữa bảo tồn biển và phát triển kinh tế biển thông qua tổng thể các giải pháp hợp lý nhằm phát triển bền vững, vừa đạt được mục tiêu bảo tồn, vừa đạt được mục tiêu phát triển kinh tế.
Theo đó, các khu bảo tồn biển không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao hơn mà còn lâu dài và ổn định hơn rất nhiều thông qua phát triển du lịch và đánh bắt cá có tổ chức.
Ở Nha Trang, một hệ thống KBTB đã được xây dựng, sau nhiều năm giúp bảo vệ hệ sinh thái đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam, với hơn 440 loài động vật không xương sống, trong đó có nhiều loài mới được phát hiện ở Việt Nam 350 loài san hô, 300 loài cá.
Một trong số đó là khu bảo tồn biển Hòn Mun - Hòn Mun giờ đây có thể đánh giá và được xem là KBTB có tầm vóc quốc tế vì nó có số loài tương tự như ở trung tâm thế giới về đa dạng san hô ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Bài toán cho biến đổi khí hậu và đói nghèo
Một số chuyên gia bảo tồn biển Việt Nam cho rằng, việc phát triển bền vững các khu bảo tồn biển thích ứng biến đổi khí hậu là bài toán phải giải quyết thành công cả hai thách thức là biến đổi khí hậu và nghèo đói cho cộng đồng ngư dân nghề cá ven biển.
Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam, thiên tai sẽ làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển, biến động chủng loại, quần đàn và di cư cá biển, có khả năng làm thay đổi các bãi cá và ngư trường truyền thống tại các KBTB hiện có.
Nhiệt độ trên bề mặt nước biển ấm lên, nồng độ muối thay đổi sẽ làm nguy hại đến các rạn san hô, các thảm thực vật ở các khu vực bảo tồn. Các bãi cá nổi, cá đáy ở khu vực tuyến bờ và lộng có xu hướng ra xa dần; mùa vụ cá cơm, cá ồ, cá thu, cá nục từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm tại các ngư trường có thể bị thay đổi và xáo trộn. Đồng thời, nước biển dâng cao có khả năng làm thay đổi hướng của dòng chảy, có thể làm thay đổi đường di cư của một số loài thủy sản quý hiếm đi ra ngoài khu vực bảo tồn hoặc di cư mất.
Biến đổi khí hậu sẽ gây ra nhiều hiện tượng thời tiết bất thường như bão, nước biển dâng, triều cường, lũ lụt, lũ quét,... không theo quy luật nên rất khó dự báo trước, sẽ gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho các ngư dân sinh sống gần khu vực bảo tồn và sinh kế dựa vào các khu bảo tồn biển.
Phát triển bền vững các KBTB thích ứng biến đổi khí hậu là bài toán phải giải quyết thành công cả hai thách thức là biến đổi khí hậu và nghèo đói cho cộng đồng ngư dân nghề cá ven biển.
Ưu tiên giải quyết thách thức
Cần sớm xây dựng các chiến lược và cơ chế sử dụng các cơ cấu tư vấn đa lĩnh vực trong quản lý các KBTB, đồng thời với việc thực hiện phân vùng đi đôi với việc phân quyền quản lý, tạo điều kiện cho ngư dân có các lợi ích khác nhau tham gia vào quá trình quản lý và sử dụng nguồn lợi thủy sản (NLTS) theo mô hình đồng quản lý.
Xây dựng giải pháp sinh kế cộng đồng, gắn trách nhiệm của người dân trong việc khai thác, bảo vệ NLTS và bảo vệ môi trường trong việc quản lý khai thác trong các khu vực bảo tồn.
Để cộng đồng chung tay gìn giữ, bảo tồn môi trường biển đặc biệt khi biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn ra khắc nghiệt, bên cạnh việc tiếp tục và kiên trì tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức cộng đồng, hướng về giữ gìn vào khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản một cách bền vững cần có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, kiếm nguồn tài trợ, tổ chức các hoạt động dịch vụ ít tiêu hao tài nguyên như du lịch, thể thao, tham quan...
Trong đó có việc ưu tiên xây dựng cơ chế tài chính bền vững để đầu tư xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn từ 5 đến 10 năm; thu phí bảo tồn biển với cơ chế sử dụng thích hợp, dành 10-15% phí thu được cho hoạt động cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và các địa phương ven biển; có sự phân công, phân cấp rõ ràng trong quản lý các khu bảo tồn biển nhằm giải quyết chồng chéo, trùng lắp như thời gian qua.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn thông qua việc xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển, đào tạo nguồn nhân lực đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bảo tồn biển, cũng như ban hành các chế độ, chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với cán bộ làm công tác bảo tồn biển.
Ðồng thời, cần phát triển các mô hình quản lý cộng đồng do cộng đồng, dân cư địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng và quản lý khu bảo tồn biển, nhằm khai thác, sử dụng các khu bảo tồn có hiệu quả, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư. Qua đó, sẽ góp phần trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái biển, tự tin khẳng định thương hiệu "biển Việt Nam".
Diệp Anh