Nhận diện chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
29/09/2022TN&MTNgày 28/9/2022 Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam (Hiệp hội CNMT) tổ chức Hội thảo “Nhận diện chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”.
Hội thảo nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nói chung đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT), đồng thời, đẩy mạnh phát triển đa dạng các sản phẩm số của ngành Công nghiệp môi trường. Qua đó tiếp tục hoàn thiện nội dung phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL) môi trường ngành Công Thương trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây và dữ liệu lớn.
Tại sự kiện các tham luận đã đưa ra bức tranh tổng thể về chuyển đổi số (CĐS) tại Việt Nam, Bộ Công Thương, chủ trương, chính sách thúc đẩy hoạt động này nhất là đối với doanh nghiệp, trong công tác BVMT thực hiện Luật BVMT 2020…nhấn mạnh đến những lợi ích, hiệu quả thực tế mà CĐS mang lại khẳng định đây sẽ là xu hướng không thể đảo ngược…đồng thời phản ánh những tồn tại trong CĐS tại Việt Nam.
Nhiều lợi ích Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu không thể đảo ngược.
Tham luận đại diện Cục ATMT đã trình bày một số nội dung CĐS trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đồng thời đưa ra nhận diện CĐS hoạt động BVMT ngành Công Thương.
Theo đó, Luật BVMT 2020 có các quy định liên quan đến Chuyển đổi số như: Xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; Xây dựng cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương liên thông với CSDL môi trường quốc gia; Toàn bộ thông tin về hoạt động bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước và của doanh nghiệp phải được cập nhật trên CSDL (như giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, quan trắc môi trường, thanh tra, kiểm tra, xử phạt...); Quan trắc môi trường tự động liên tục; Phát triển thị trường các bon.
CĐS trong hoạt động BVMT chủ yếu là hoạt động ứng dụng CNTT, tự động hóa trong quản lý môi trường, như: Quan trắc tự động, liên tục; Phần mềm quản lý môi trường nội bộ; Vận hành hệ thống xử lý nước thải tự động; Theo dõi lộ trình vận chuyển chất thải thông qua hệ thống định vị...
Trình bày về mối quan hệ giữa CĐS với quản lý chất thải thực hiện KTTH Tiến sĩ Lại Văn Mạnh – Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng Quản lý chất thải có vai trò quan trọng trong thực hiện KTTH, bởi trong mô hình này chất thải là trung tâm và tài nguyên; Lồng tư duy KTTH vào kinh tế số tạo ra sự cộng hưởng thúc đẩy hình thành tư duy động lực mới.
Chuyển đổi số giúp cho hoạt động quản lý dòng đời sản phẩm, quy trình vận hành của doanh nghiệp trong lĩnh vực Công nghiệp môi trường hiệu quả hơn
Theo ông Mạnh số hóa và KTTH có nhiều điểm tương đồng đó là: tạo lên những thay đổi mang tính chuyển đổi trong mô hình kinh doanh của các ngành, tạo ra những đổi mới trong chuỗi giá trị qua đó cung cấp sản phẩm dịch vụ tích hợp mới cho người tiêu dùng, và theo đó sẽ xuất hiện hàng hóa và dịch vụ mới từ tư duy KTTH.
Công nghệ và số hóa sẽ góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong đó có công tác BVMT giúp định nhanh và kiểm soát các nguồn thải, cảnh báo dự báo chính xác hơn, ứng phó kịp thời hơn, đó tạo ra chính sách đúng hơn phát huy hiệu quả các công cụ chính sách.
Trong hoạt động BVMT ngành Công Thương hướng tới các mục tiêu trọng tâm là: Phát triển, hoàn thiện CDSL môi trường Ngành trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây và dữ liệu lớn đồng thời Xây dựng và phát triển CSDL ngành Công nghiệp môi trường; Hình thành và phát triển thị trường phế liệu trong ngành công nghiệp, thị trường sản phẩm tái chế, hàng hóa, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường trên nền tảng thương mại điện tử; Đồng thời Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ IoT, AI trong lĩnh vực quan trắc tự động, liên tục khí thải, nước thải và giám sát an toàn các hồ chứa quặng đuôi.
Nhiều chuyên gia tại sự kiện đều đồng quan điểm thực tế tại Việt Nam cơ sở dữ liệu vẫn còn ở quy mô khiêm tốn, mới mới áp dụng chuyển đổi số một phần chưa đạt đến big data, chuyển đổi số đi cùng nỗi sợ mất an toàn dữ liệu an toàn thông tin, mất data khách hàng…
Hội thảo cũng đã trao đổi về các nội dung như hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy CĐS trong các hoạt động BVMT tập trung vào một số nội dung quy định pháp luật về CĐS, tài chính, nhân lực truyền thông…
Theo đó đã có nhiều đề xuất nhằm thúc đẩy CĐS trong công tác BVMT như có phương thức kết hợp, số hóa trong quản lý chất thải vào quản lý chính sách, sớm hoàn thiện hệ thống CSDL quốc gia về BVMT, kết nối liên thông để có thể chia sẻ, phục vụ xây dựng các cơ chế chính sách cho công tác quản lý Ngành…tuy nhiên vẫn phải tính đến các giải pháp để đảm bảo an toàn bảo mật tránh các nguy cơ lộ lọt, mất dữ liệu trong quá trình áp dụng số hóa…
Theo tapchicongthuong.vn