Nhận dạng và phân vùng nguy cơ trượt lở: Việc làm cấp thiết
18/10/2024TN&MTTác động của biến đổi khí hậu hiện nay đã gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt gây sạt lở đất đá nghiêm trọng tại nhiều khu vực, tỉnh thành tại Việt Nam ảnh hưởng đến đời sống người dân. Để ứng phó với sạt lở đất, nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần có những ứng dụng công nghệ khoa học tiên tiến để phục vụ cho việc nhận dạng và phân vùng nguy cơ trượt lở.
Cấp thiết xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá
Lý giải nguyên nhân gây sạt lở, trượt lở đất đá khu vực miền núi, trung du Việt Nam, TS. Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học ĐC&KS cho biết, khu vực miền núi, trung du Việt Nam rất đa dạng, trong đó đặc biệt phải kể đến các yếu tố địa chất, kiến tạo, địa hình, địa mạo, thạch học, vỏ phong hóa, thổ nhưỡng, thảm phủ, sử dụng đất, KTTV,... Nhìn chung, yếu tố kích hoạt tự nhiên được xác định chủ yếu là do mưa. Tuy nhiên, yếu tố kích hoạt do con người ngày càng gia tăng từ các hoạt động nhân sinh như phá rừng, cắt xẻ sườn đồi, núi, khai thác khoáng sản,... Có thể nhận thấy, những khu vực được xác định có mức độ nguy cơ cao, rất cao về trượt lở đất đá thường có ít dân cư sinh sống nên ít ghi nhận thiệt hại xảy ra ở đây. Những khu vực được xác định có mức độ nguy cơ trung bình hoặc thấp đối với trượt lở đất đá thường có mật độ dân cư cao, tập trung rất nhiều hoạt động nhân sinh, khiến hiện tượng trượt lở đất đá xuất hiện ngày càng nhiều tại các khu dân cư hoặc dọc các tuyến đường giao thông nằm sát các sườn đồi-núi, vách taluy cao dốc. Cá biệt một số khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá thấp lại thường nằm trong vùng ảnh hưởng của khu vực chịu ảnh hưởng của nguy cơ lũ quét cao và rất cao.
Do đó, việc phân vùng những nơi có nguy cơ trượt lở đất đá cao tại Việt Nam là điều cần thiết phải thực hiện sớm. Muốn vậy, theo TS. Trịnh Hải Sơn, trước hết cần phải xây dựng được Bộ tiêu chí đánh giá và xác định được các khu vực, lưu vực có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá, trước tiên cần phải có được đầy đủ bộ cơ sở dữ liệu của các bản đồ thành phần. Các bản đồ nguy cơ trượt lở đất đá cũng như bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá được dùng để phân tích, đánh giá tổng hợp, tích hợp, từ đó, mới có thể xây dựng và đề xuất được bộ tiêu chí đánh giá và khoanh định các khu vực có nguy cơ cao về trượt lở đất đá.
Theo đó, Bộ tiêu chí nêu trên đã được áp dụng cho 15 tỉnh miền Bắc đã có đủ cơ sở dữ liệu phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1/50.000 để khoanh định các “khu vực nhạy cảm” về trượt lở đất đá và áp dụng thêm tổ hợp 4 tiêu chí gồm: dân cư, giao thông, công trình trọng điểm và lưu vực sông suối (của 2 tiêu chí lớn là KT-XH và KTTV).
Đối với 10 tỉnh đã có cơ sở dữ liệu về hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1/50.000, để khoanh định các vùng nguy cơ cao, rất cao trượt lở đất đá đã sử dụng 9 tiêu chí/nhân tố thành phần gây khả năng trượt lở đất đá. Đối với 12 tỉnh chưa có cơ sở dữ liệu trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000, để khoanh định các vùng nguy cơ cao, rất cao trượt lở đất đá, đã áp dụng bộ tiêu chí gồm 7 tiêu chí/nhân tố thành phần ảnh hưởng tới trượt lở đất đá.
Kết quả áp dụng các tiêu chí nêu trên để phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá đã lập được một danh sách các khu vực xã, cụm xã, thôn, bản có nguy cơ cao, rất cao về trượt lở đất đá ở tỷ lệ 1/10.000. Đồng thời, một danh sách các khu vực có khả năng ảnh hưởng các công trình trọng điểm ở tỷ lệ 1/5.000 cần tập trung điều tra, đánh giá chi tiết và cảnh báo sớm cũng được thành lập. Danh sách các khu vực nhạy cảm được thể hiện ở 3 mức độ nhạy cảm khác nhau từ cao, trung bình, thấp phục vụ mục tiêu chính là với 3 mức độ ưu tiên cao, thấp và trung bình nhằm làm cơ sở khoa học để cảnh báo sớm trượt lở đất đá khu vực miền núi, trung du Việt Nam.
Tăng cường giám sát và dự báo tình trạng sạt lở đất đá
Theo TS. Trịnh Hải Sơn, cho đến nay, công tác nghiên cứu về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét; giám sát và dự báo trượt lở đất đá tại Việt Nam đã được triển khai ở nhiều đơn vị trong và ngoài Bộ TN&MT.
Một số nghiên cứu khoa học do Viện chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ và hợp tác quốc tế có liên quan tới lĩnh vực này gồm: Xây dựng hệ thống thử nghiệm cho cảnh báo sớm một khối trượt lở đất tại Tương Dương, tỉnh Nghệ An; điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam; nghiên cứu lắp đặt các thiết bị cảnh báo sạt lở đất theo thời gian thực tại các địa điểm Mù Căng Chải, Bát Xát, Sa Pa; nghiên cứu xây dựng thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm trượt lở dạng dòng bùn đất, đá theo thời gian thực cho các khu vực miền núi Việt Nam; nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng bộ tiêu chí và xác định các khu vực nhạy cảm về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam; nghiên cứu cơ sở khoa học để lựa chọn hệ phương pháp, mô hình phân vùng cảnh báo chi tiết và xác định ngưỡng mưa kích hoạt tại các khu vực nhạy cảm về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi trung du Việt Nam; nghiên cứu thiết kế và xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát để cảnh báo sớm theo thời gian thực về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam; nghiên cứu thiết kế và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn dùng chung thống nhất liên ngành phục vụ công tác cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét theo thời gian thực khu vực miền núi, trung du Việt Nam,...
Hiện tại, Viện đang triển khai 2 đề án “Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi và “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam”.
Riêng với việc nhận dạng và phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá phụ thuộc nhiều vào cơ sở dữ liệu của công tác điều tra, phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá toàn quốc ở các tỷ lệ, theo TS. Trịnh Hải Sơn, đến thời điểm hiện tại, trong số 37 tỉnh miền núi và trung du Việt Nam, cơ sở dữ liệu về hiện trạng và phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá ở tỷ lệ 1:50.000 vẫn chưa được đầy đủ và dữ liệu chưa được chuẩn hóa đồng bộ gây rất nhiều khó khăn cho công tác tổng hợp dữ liệu. Đặc biệt, bộ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều tra, phân vùng nguy cơ cho các khu vực trọng điểm như: Số liệu địa hình ở tỷ lệ lớn (1:10.000, 1:5.000, 1:2.000) vẫn còn thiếu và chưa được cập nhật bổ sung do đó dẫn đến kết quả xử lý bị sai, thiếu và thủng. Bộ cơ sở dữ liệu về địa chất ở tỷ lệ trung bình (1/50.000) cũng vẫn còn thiếu rất nhiều và chưa được tiến hành điều tra chi tiết bổ sung, còn các tỷ lệ 1/10.000, 1/5.000 thì có rất ít hầu như chỉ có ở những khu vực điều tra, đánh giá các mỏ khoáng sản. Do đó, nhanh chóng xây dựng một trung tâm về cơ sở dữ liệu liên ngành về trượt lở đất đá và đầu tư kinh phí tiến hành các đề án, dự án về điều tra trượt lở đất đá ở các tỷ lệ lớn cho các khu vực trọng điểm, nhạy cảm về trượt lở đất đá.
Các hệ thống cảnh báo sớm về trượt lở đất đá theo thời gian thực tại một số địa điểm là những công cụ vô cùng quan trọng và hết sức cần thiết cho công tác cảnh báo sớm nhằm giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá có thể gây ra. Tuy nhiên, công tác chế tạo, nội địa hoá các thiết bị cảnh báo sớm trượt lở đất đá mới chỉ thu được những kết quả thử nghiệm ban đầu. Việc ứng dụng, nâng cấp các phiên bản mới với tính năng mới cho các thiết bị và thử nghiệm tại nhiều khu vực khác nhau là hết sức cần thiết đòi hỏi việc triển khai đào tạo nhân lực, sử dụng ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; trao đổi học tập kinh nghiệm và hợp tác quốc tế; đầu tư kinh phí bảo trì bảo dưỡng, duy tu các trang thiết bị và các hạ tầng cơ sở đi cùng hệ thống cảnh báo sớm trượt lở đất đá theo thời gian thực.
HƯƠNG TRÀ
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 14 (Kỳ 2 tháng 7) năm 2024