
Nhà của pin - bảo vệ môi trường từ việc làm hàng ngày
07/05/2023TN&MTNhằm góp phần bảo vệ môi trường, mô hình “Nhà của pin” đang được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình, TP. Hà Nội) triển khai và nhân rộng ở nhiều khu vực. Những viên pin đã qua sử dụng được thu gom, sau đó chuyển về những điểm xử lý pin tập trung gọi là “Nhà của pin”.
Chị Nguyễn Thị Hợp gom pin vào "Nhà của pin"
Trước đây, với những viên pin không còn sử dụng được, chị Nguyễn Thị Hợp thường xuyên gom chúng lại và vứt vào thùng rác. Tuy nhiên, sau khi được Hội LHPN phường Ngọc Khánh tuyên truyền, phổ biến về tác hại của pin, chị và nhiều người dân trong khu vực đã có ý thức hơn trong việc thu gom bằng cách bỏ chúng vào những “Nhà của pin” - một mô hình mới được triển khai cách đây 2 tháng.
“Trước đây tôi thường bỏ pin không sử dụng được vào thùng rác và thải ra môi trường, việc làm vô tình này đã gây ô nhiễm môi trường. Giờ đây, sau khi được Hội LHPN phường tuyên truyền, tôi đã hiểu và tập trung tất cả viên pin hỏng vào một chỗ gọi là “Nhà của pin”. Tôi thấy đây là một việc rất nhân văn, tôi mong muốn mọi người cùng tham gia chương trình này để các địa bàn khu dân cư nói riêng và toàn dân nói chung cùng tham gia bảo vệ môi trường và ủng hộ phong trào “Nhà của pin””, chị Nguyễn Thị Hợp chia sẻ.
Mô hình "Nhà của pin" được đông đảo người dân phường Ngọc Khánh nhiệt tình tham gia
Theo chị Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội LHPN phường Ngọc Khánh, mô hình “Nhà của pin” đã được Hội LHPN phường lên kế hoạch, xây dựng và triển khai đến tất cả các chi hội trong phường. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo phường và sự ủng hộ của toàn dân, sau 2 tháng hoạt động, mô hình đã thu được hơn 100kg pin. Điều này cho thấy “Nhà của pin” hoạt động rất hiệu quả và được người dân quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình.
Được biết, phong trào “Nhà của pin” đã được Hội LHPN phường Ngọc Khánh triển khai rộng rãi tại địa bàn các khu dân cư. Những ngôi nhà của pin được lắp tại những con ngõ lớn trong phường hoặc tập trung ở chỗ đông người, được trang trí để gây ấn tượng và chú ý khi người dân đi lại dễ dàng nhận thấy và bỏ pin vào nhà.
Ý thức và văn hóa cùng với trách nhiệm với bảo vệ môi trường chung đã lan tỏa. Từ năm 2020 khi có mô hình này, nhiều người dân nơi đây đã chủ động phân loại pin cũ từ vận dụng của gia đình sau khi dọn dẹp và mang tập kết đến ngôi nhà pin.
“Nhà của pin” mô hình nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, thể hiện văn hóa trong mỗi khu phố. Đặc biệt hơn nữa là một mô hình có tính giáo dục với mọi lứa tuổi và trách nhiệm với sức khỏe môi trường trong mọi nơi, mọi lúc.
Huy Thế