Nguyên nhân khiến hầm Bãi Gió sạt lở, đường sắt Bắc-Nam tê liệt
15/04/2024TN&MTHầm Bãi Gió qua Khánh Hòa, có địa chất phức tạp, các tầng đất đá trên vỏ hầm đưa vào hoạt động lâu năm đã bị phong hóa rồi rơi tự do xuống đường ray khi sạt lở khiến đường sắt bị tê liệt.
Công nhân thi công bên trong hầm nơi đang bị sạt lở, khiến đường sắt Bắc-Nam bị gián đoạn
Trao đổi với P.V, ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, các đoàn chuyên gia đang khảo sát, kiểm tra thực tế để đưa ra giải pháp xử lý sạt lở trong hầm Bãi Gió qua huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Đến nay, ngành đường sắt đang tập trung toàn lực để khắc phục sự cố, nên chưa thể dự kiến được thời gian thông tuyến đường sắt Bắc-Nam qua khu vực trên.
Hai ngày qua, ngành đường sắt huy động hơn 200 công nhân, 2 đoàn tàu, 4 máy loại nhỏ đưa vào trong hầm để xử lý sạt lở. Công nhân làm việc ngày lẫn đêm dọn dẹp đất, đá, cát và phun bê tông gia cố tạm vỏ hầm, song vẫn chưa thể khắc phục được sự cố.
Nhiều khối đất đá đổ tràn xuống đường ray trong hầm Bãi Gió nằm ở phía Bắc tỉnh Khánh Hòa
Trước đó, hôm 12/4, bên trong hầm nằm trong dự án cải tạo hầm yếu đang thi công bị sạt lở, đất đá tràn xuống đường ray. Vị trí sạt lở kéo dài, cách cửa hầm khoảng 85 m với khoảng 180 m3. Phần cửa phía Bắc, xung quanh, mạch nước ngầm chảy quanh vỏ hầm.
Ngành đường sắt lập tức huy động nhân lực, máy móc để khắc phục điểm sạt lở. Đến rạng sáng 13/4, khi hầm sắp được thông sau sự cố sạt lở thì 50 m3 tiếp tục tràn xuống lần thứ 2. Vị trí sạt lở kéo dài khoảng 20 m. “Đơn vị 2 lần làm mái vòm bằng sắt đỡ mái hầm để chống sạt nhưng đất đá trong hầm tiếp tục rơi xuống mặt đường ray", ông Vinh nói.
Hầm Bãi Gió được đưa vào hoạt động hàng chục năm nay
Về nguyên nhân, ông Vinh nhìn nhận, việc sạt lở không phải do quá trình thi công dự án gia cố hầm Bãi Gió. Hầm Bãi Gió được xây dựng năm 1930 khánh thành năm 1936, vỏ hầm làm bằng bê tông, dài hơn 400 m, cao 5 m, rộng 4 m. Theo ông Vinh, khi khảo sát thực tế, các chuyên gia đánh giá nguyên nhân ban đầu có thể do hầm Bãi Gió đưa vào hoạt động hàng chục năm, cùng với địa chất phức tạp và các tầng đất đá lâu năm đã bị phong hóa nên rơi tự do làm vỡ mái hầm.
Ngoài ra, ngành đường sắt đã làm việc với chính quyền Khánh Hòa và Phú Yên cùng Công an để yêu cầu các phương tiện ô tô tải, xe có tải trọng lớn quay đầu, không qua Đèo Cả, nhằm giảm áp lực cho vỏ hầm, do hầm nằm dưới Quốc lộ 1.
Sự cố cũng khiến tuyến đường sắt Bắc-Nam bị gián đoạn. Các tàu đi từ phía Nam ra phải dừng ở ga Giã ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) và các tàu đi từ phía Bắc vào phải dừng ở ga Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang đã huy động ôtô trung chuyển hành khách qua lại giữa 2 ga.
Đồng thời, việc chuyển tải sẽ được thực hiện cho tới khi hầm được thông tuyến. Ngành đường sắt hỗ suất ăn cho hàng trăm hành khách, cử nhân viên mang vác hành lý lên xe.
Theo vietnamnet.vn