Nguồn nước suy kiệt, ô nhiễm gia tăng
17/09/2023TN&MTViệt Nam có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 405 sông liên tỉnh, 3.045 sông, suối nội tỉnh. Tổng dòng chảy hằng năm khoảng 844 tỉ mét khối. Nhìn vào con số dễ thấy nguồn tài nguyên nước của chúng ta rất phong phú, nhưng thực tế việc sử dụng chưa hiệu quả dẫn đến nguồn tài nguyên quý giá này ngày càng suy kiệt, ô nhiễm gia tăng.
Vi phạm vẫn tràn lan
Theo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” vừa được Cục Quản lý tài nguyên nước gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan Trung ương đã thực hiện 31 cuộc thanh, kiểm tra tài nguyên nước đối với 206 cơ sở khai thác và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn 40 tỉnh, thành phố và đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về khai thác, sử dụng nước như: Chưa có giấy phép, khai thác vượt quy định giấy phép; không thực hiện quan trắc giám sát theo quy định của giấy phép. Trên cơ sở đó, các cơ quan Trung ương đã xử phạt các cơ sở vi phạm gần 15 tỉ đồng.
Ở cấp địa phương, theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, trong 10 năm qua, các địa phương đã triển khai gần 3.000 cuộc thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước đối với gần 19.000 đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; qua đó phát hiện và xử lý hơn 1.500 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước với tổng số tiền phạt gần 59 tỉ đồng.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến đã chỉ ra nguyên nhân dẫn tới những vi phạm trên. Đó là do sự chồng chéo, không thống nhất trong quy định pháp luật, đối tượng, phạm vi quản lý, trách nhiệm quản lý giữa lĩnh vực tài nguyên nước và các lĩnh vực chuyên ngành có liên quan. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về quản lý tài nguyên nước cũng chưa đầy đủ. Nhận thức của chính quyền, các tổ chức, cá nhân, người dân về vai trò của tài nguyên nước và việc thực thi chấp hành pháp Luật Tài nguyên nước còn hạn chế.
Thời gian qua, ghi nhận từ các địa phương, nhiều con sông, đoạn sông, ao, hồ đang “chết” bởi khối lượng những chất thải, rác thải, nước thải xả ra môi trường mà chưa được xử lý.
Khảo sát của Trung tâm Quan trắc môi trường Quốc gia - Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho thấy: Tại Đồng bằng sông Hồng lượng nước thải đô thị lớn hầu hết của các thành phố đều chưa được xử lý và xả trực tiếp vào các kênh mương và chảy thẳng ra sông. Riêng Hà Nội đã rà soát được 1.890 trường hợp xả nước thải vào hệ thống thủy lợi, tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch... từ các cơ sở sản xuất, làng nghề, khu đô thị… xả trực tiếp chất thải, nước thải ra môi trường là nguyên nhân chính khiến tài nguyên nước ngày càng bị ô nhiễm tới mức báo động.
Cụ thể, nước mặt lưu vực sông Nhuệ bị ô nhiễm các hoạt chất như: Amoni, Phosphat, Nitrit… vượt quy chuẩn cho phép lên tới 9,45 lần; nước mặt sông Đáy ở mức trung bình, tuy nhiên, vào mùa khô vẫn bị ô nhiễm nặng bởi Amoni, Phosphat, E.coli... Sông Cầu thời gian qua nhiều đoạn đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là các đoạn sông chảy qua các đô thị, khu công nghiệp và các làng nghề thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh. Sông Ngũ Huyện Khê là một trong những điển hình ô nhiễm trên lưu vực sông Cầu và tình trạng ô nhiễm nặng. Nguồn ô nhiễm chính khu vực Đông Nam Bộ là nguồn ô nhiễm nước mặt chủ yếu do nước thải công nghiệp và sinh hoạt. Sông Đồng Nai khu vực hạ lưu (đoạn qua TP Biên Hòa) nước sông đã bị ô nhiễm. Sông Sài Gòn trong những năm gần đây mức độ ô nhiễm mở rộng hơn về phía thượng lưu. Hệ thống sông ở Đồng bằng sông Cửu Long nước thải nông nghiệp lớn nhất nước. Vì vậy chất lượng nước sông Tiền và sông Hậu đã có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ. Sông Vàm Cỏ bị ô nhiễm bởi nhiều yếu tố: Hoạt động sản xuất từ nhà máy, khu dân cư tập trung…
Đáng lưu ý, theo Viện Khoa học tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nước thải đô thị gây ô nhiễm nguồn nước lớn nhất với chỉ 12,5% được xử lý trước khi xả vào môi trường. Đây là hậu quả của việc thiếu quan tâm xử lý nước tiêu thoát và nước thải của các đô thị. Trong khi nước thải sinh hoạt chiếm 30% lượng nước thải ra các hồ, kênh và sông; trong đó các đô thị đông dân cư như Hà Nội và TPHCM xả vào môi trường khoảng 700.000 - 900.000m3/ngày.
Có thời điểm, một số đoạn trên sông Nhuệ ùn ứ rác thải, gây ô nhiễm môi trường
Siết quản lý
Với số tiền xử phạt hàng chục tỉ đồng nhưng có thể thấy vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước vẫn còn phổ biến, dù theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 24, đến nay, đã có khoảng hơn 24.000 công trình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước được quản lý từ Trung ương đến địa phương thông qua công cụ cấp phép. Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng cần tạo hành lang pháp lý đồng bộ để quản lý tài nguyên nước.
Theo ông Nguyễn Minh Khuyến, Việt Nam cần hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định về quản lý nước trong Luật Tài nguyên nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước. “Trước mắt, Cục Quản lý tài nguyên nước kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành rà soát các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết liên quan; từ đó đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, thay thế để đảm bảo thống nhất trong hệ thống văn bản, tránh chồng chéo. Các nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo là hoàn thiện, đổi mới thể chế, chính sách, cơ chế tài chính ngành nước theo hướng quản trị thông minh; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ngành nước và điều chỉnh nhu cầu sử dụng nước theo hướng bền vững”, ông Khuyến kiến nghị.
Ở góc nhìn khác, ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) đề xuất, Bộ chủ quản cần triển khai thực hiện các quy hoạch về tài nguyên nước đặc biệt là quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; điều tra, đánh giá, bảo vệ tài nguyên nước; quan trắc, giám sát tài nguyên nước để kịp thời ứng phó khi sự cố xảy ra; thực hiện các đề án, dự án nhằm phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn để chủ động trong triển khai các kế hoạch sản xuất, thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong đó ưu tiên cao nhất đảm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân. Chỉ đạo việc nghiên cứu, sử dụng hiệu quả các tài liệu, kết quả của chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, số liệu quan trắc, dự báo và cảnh báo tài nguyên nước đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chuyển giao cho các địa phương để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trước mắt cũng như lâu dài, đặc biệt là bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân những vùng đang xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Ông Vĩnh cũng nhấn mạnh giải pháp tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung cho cả nước và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa trung ương và địa phương, các ngành. Chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước.
Để quản trị nguồn nước được hiệu quả, PGS.TS Nguyễn An Thịnh - Trưởng khoa Kinh tế phát triển (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Các tổ chức quốc tế coi đảm bảo an ninh nguồn nước là cốt lõi của các chiến lược quản trị nguồn nước và là một công cụ quản lý hiệu quả. Bởi về thực tiễn, đảm bảo an ninh nguồn nước đã trở thành vấn đề cấp bách ở quy mô toàn cầu và của mỗi khu vực, mỗi quốc gia nói riêng. “Việt Nam chưa có công cụ pháp lý với những chế tài đủ mạnh để bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững, vấn đề an ninh nguồn nước đã được cảnh báo với những phân tích rủi ro có thể ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, cần có những nghiên cứu hệ thống và chuyên sâu về an ninh nguồn nước trên lãnh thổ Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn An Thịnh đề xuất.
PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội: Hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải
Ô nhiễm môi trường nước sẽ không ngừng gia tăng mỗi ngày nếu chúng ta không nhanh chóng xác định nguyên nhân và có biện pháp giảm thiểu, loại trừ. Nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước nói trên chủ yếu là do quá trình tăng dân số, gia tăng rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, sản xuất nông, công nghiệp... Riêng tại Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 5.000 tấn rác sinh hoạt được thải ra, trong khi việc xử lý rác thải còn hạn chế. Việc rác thải sinh hoạt không được xử lý kịp thời, nước rác rỉ ra ngấm sâu vào lòng đất hoặc lại chảy ra cống, kênh đổ vào sông, hồ… cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới ô nhiễm nguồn nước.
Đáng lưu ý, nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước không thể không kể đến yếu tố đô thị hóa. Đô thị hóa là quá trình tất yếu của phát triển xã hội. Bất cứ quốc gia nào trên con đường phát triển cũng phải trải qua và sống chung với điều này. Đất đai quy hoạch thành chung cư, tòa nhà cao ốc, cây cối bị chặt để xây nhà, xây đường, cầu vượt. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã tháo gỡ bộ mặt của tự nhiên và thay vào đó là sự sầm uất, biểu hiện của cuộc sống hiện đại, của kinh tế phát triển.
Bởi thế, việc hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại khu dân cư, kể cả các khu công nghiệp, nông nghiệp là rất quan trọng để khắc phục ô nhiễm môi trường nước.
TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu): Quản lý tài nguyên nước còn nhiều bất cập
Nguy cơ thiếu nước là rõ ràng và ở mức nghiêm trọng. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn. Hiện 20% người dân chưa được sử dụng nước sạch, 17,2 triệu người vẫn sử dụng nguồn nước không đạt tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế.
Về quyền chủ động đối với nguồn nước, tài nguyên nước Việt Nam không phong phú, phụ thuộc vào nguồn nước ngoài biên giới. Sự gia tăng dân số nhanh chóng, kinh tế phát triển mạnh, nhu cầu khai thác và sử dụng nước cả nước mặt và nước ngầm cho dân sinh, kinh tế trong nước gia tăng, phát triển thủy điện ồ ạt và dày đặc trên tất cả các lưu vực sông gây nhiều vấn đề môi trường - nguồn nước - rủi ro khi thiên tai.
Ô nhiễm nguồn nước do xả thải ở tất cả các lưu vực sông, gây ra tình trạng suy thoái và cạn kiệt nguồn nước mặt và nước ngầm. Hơn nữa, việc phát triển và sử dụng nước các quốc gia thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế của Việt Nam đang không ngừng gia tăng, tạo thách thức ngày càng lớn đối với quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, hệ sinh thái. Bên cạnh đó tác động của biến đổi khí hậu đang hiện hữu và ngày càng tăng gây sức ép lên tài nguyên nước của Việt Nam. Đồng thời, việc quản lý tài nguyên nước còn nhiều bất cập là một trong những nguyên nhân không ngăn chặn, đẩy lùi được suy thoái và cạn kiệt tài nguyên nước.
Theo daidoanket.vn