Người dân Ninh Bình tích cực góp ý cho Luật Đất đai 2013 (sửa đổi)
07/03/2023TN&MTNhững ngày này, người dân Ninh Bình đang tích cực tham gia góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thể hiện quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết, ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Tạp chí TN&MT điện tử trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số ý kiến góp ý:
Ông Phạm Văn Chuyền (Giám đốc HTX nấm và dược liệu Khánh Công, huyện Yên Khánh): Không nhất thiết phải ghi tên tất cả các thành viên vào "sổ hồng".
Theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được tổ chức lấy ý kiến nhân dân, tài sản đất đai thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì sẽ cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có ghi đầy đủ thành viên trên sổ và trao cho người đại diện. Các thành viên sẽ được ghi đầy đủ họ tên, năm sinh - Đây là một điểm mới so với quy định của Luật Đất đai hiện nay. Tuy nhiên, đây có thể sẽ là mầm mống của nguy cơ xung đột trong gia đình vì các thành viên trong gia đình ai cũng có phần, có quyền lợi trong đó.
Từ xung đột lợi ích sẽ dẫn tới tổn thương tình cảm. Giả sử mang "sổ hồng" thế chấp ngân hàng để vay vốn, nếu một trong các thành viên có tên trong sổ không đồng ý thì việc đi vay sẽ bất thành, điều này sẽ xảy ra xung đột. Đó là chưa nói đến vấn đề thừa kế. Hay khi thực hiện bất kỳ một giao dịch nào khác có liên quan đến "sổ hồng" mà vắng thiếu thành viên sẽ khó cho việc giao dịch thành công.
Do đó, Dự thảo cần cân nhắc, tính toán sao cho hợp lý, đảm bảo tính pháp lý, có lợi cho người dân. Vì việc ghi tên các thành viên nếu không chính xác sẽ dẫn đến thiệt thòi quyền lợi cho các thành viên khác, dẫn đến khiếu nại, khiến kiện và những rắc rối về thủ tục pháp lý khác.
Cán bộ và người dân trao đổi để tham gia ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Ông Vũ Vĩnh Thụy (Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoa Lư): Bổ sung nội dung tính giá đất đối với hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất vượt hạn mức
Qua nghiên cứu, tôi thấy rằng bố cục của Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) chặt chẽ, các chương, mục được sắp xếp theo từng nhóm vấn đề cần điều chỉnh, giúp người dân dễ tiếp thu và các quy định của Dự thảo dễ đi vào cuộc sống, được xã hội đón nhận với tinh thần tích cực, đổi mới. Tôi tin tưởng khi Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) được thông qua sẽ giải quyết được các tồn tại, bất cập, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Đất đai hiện nay.
Tôi thấy rằng trong Luật Đất đai, giá đất và định giá đất là một trong những nội dung quan trọng, được nhân dân quan tâm. Nếu khơi thông được quy định này thì những vấn đề khác cũng sẽ được xử lý, từ đền bù giải phóng mặt bằng đến hỗ trợ tái định cư,...
Tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến giá đất và định giá đất trong Dự thảo Luật. Cụ thể: Đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu điểm a khoản 3 Điều 154: "Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân; chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân" nên bổ sung thêm cụm từ "Bảng giá đất tính tiền khi chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trong hạn mức".
Bởi, Điều 154 chưa nhắc đến việc hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất vượt hạn mức có phải xác định giá đất cụ thể không hay được áp dụng Bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất.
Tại điểm a khoản 1, Điều 155 có quy định: "Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; khi Nhà nước giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức mà phải nộp tiền sử dụng đất".
Tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung "Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích vượt hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân".
Trần Thị Diệu Linh (Phó Trưởng phòng Quy hoạch, Kế hoạch, Định Giá và Giao đất - Sở Tài nguyên và Môi trường): Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo hài hòa, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội
Trong hệ thống quản lý Nhà nước về đất đai thì quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước về đất đai ở các cấp. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp được phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để UBND các cấp tiến hành thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ các nhu cầu kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.
Thông qua công cụ pháp lý hữu hiệu là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ quan đại diện chủ sở hữu ở các cấp sẽ tổ chức lại việc sử dụng nguồn tài nguyên đất đai phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tránh gây lãng phí đất đai, kiểm soát việc chuyển mục đích sử dụng đất (đặc biệt là diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng).
Việc quy hoạch sử dụng đất được lập ở 3 cấp: quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện như trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đảm bảo tính khả thi và cụ thể hóa việc thực hiện Quy hoạch được thực hiện bằng Kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Đồng thời, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã quy định cụ thể các trường hợp được điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện và tính khả thi cao cần xem xét chỉnh sửa một số nội dung. Cụ thể tại khoản 1, Điều 60 quy định: "Quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được phê duyệt" là chưa phù hợp và trùng ý, đề nghị sửa thành "phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp trên đã được phê duyệt.
Đồng thời, tại Điều 60 có hai khoản 6 với nội dung giống nhau là chưa phù hợp.
Hay để đảm bảo không gian cho phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, tại điểm b khoản 2, Điều 63 về nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia không nên xác định các chỉ tiêu sử dụng đất và phân bổ đối với đất phát triển hạ tầng (gồm đất giao thông, thủy lợi, cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, tôn giáo, chợ) mà chỉ nên xác định các chỉ tiêu và phân bổ nhóm đất gồm: đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, đất quốc phòng, đất an ninh, đất khu công nghiệp; đất ở tại đô thị, đất ở tại nông thôn; đất có di tích lịch sử - văn hóa.
Thực tế hiện nay, qua rà soát lại kết quả thực hiện Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện, các chỉ tiêu trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng còn khá nhiều nhưng chỉ tiêu đất phát triển hạ tầng đã gần hết đến năm 2030, việc phân bổ như vậy không đồng bộ và khó khăn trong việc thực hiện của các địa phương.
Ông Trần Văn Thơ (HTX Đông Thiện, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn): Tạo điều kiện thuận lợi để tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp
Thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay đang rất nhỏ lẻ, manh mún, gây khó khăn trong chỉ đạo điều hành sản xuất của HTX cũng như việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Trong khi đó, lực lượng lao động nông thôn có xu hướng chuyển dịch mạnh sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ dẫn đến có tình trạng bỏ ruộng, bỏ vụ, lãng phí đất đai. Điều đáng mừng là Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) đã có nhiều quy định mới, trong đó có những nội dung mang tính đột phá, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp.
Cụ thể, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung Điều 185 và Điều 186 quy định về nguyên tắc, điều kiện, hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp. Theo đó, Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tập trung. Kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất để thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 186 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì: Tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện việc tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quyết định.
Trên thực tế, đối với trường hợp tập trung đất nông nghiệp để thực hiện dự án, thì tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân tập trung đất đai có phải thực hiện theo thủ tục của pháp luật về đầu tư không? Mối quan hệ giữa thủ tục này với thủ tục của pháp luật về đầu tư như thế nào? Đây là quy định về mặt thủ tục có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện, trái với xu hướng cải cách về thủ tục hành chính, do vậy cần quy định rõ.
Ông Nguyễn Anh Cả (phường Ninh Khánh, TP. Ninh Bình): Đảm bảo lợi ích cho người dân khi nhà nước thu hồi
Liên quan đến vấn đề bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, qua nghiên cứu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tôi thấy rằng, nội dung quy định trong Dự thảo khá hợp lý, sát thực tiễn. Cụ thể, tại Điều 89 Dự thảo Luật quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Quan điểm này phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi.
Tuy nhiên, Dự thảo nên quy định rõ hơn, cụ thể hơn tiêu chí "tốt hơn nơi ở cũ" là như thế nào? Ngoài ra, đối với việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định; việc tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Chúng tôi mong rằng, những ý kiến góp ý thể hiện tâm tư, nguyện vọng về những lợi ích thiết thực đến người dân sẽ được các cấp, các ngành tiếp thu, tổng hợp để chuyển cơ quan soạn thảo, thẩm tra, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đảm bảo hài hòa, phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Hồng Minh