Nghiên cứu xây dựng mô hình khu công nghiệp Carbon thấp tỉnh Tây Ninh
01/11/2021TN&MTNghiên cứu xây dựng mô hình khu công nghiệp carbon thấp tại Tây Ninh nhằm bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, bền vững, giảm lượng phát thải carbon từ các hoạt động sản xuất công nghiệp để góp phần vào chương trình tái cơ cấu kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh. Ngành công nghiệp hiện nay là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nói riêng. Tuy nhiên, hoạt động công nghiệp tại các khu công nghiệp lại gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến TNMT và văn hóa xã hội cộng đồng, cả tích cực lẫn tiêu cực; trong có phát thải khí nhà kính là vấn đề rất quan trọng, góp phần làm suy giảm chất lượng môi trường của toàn cầu nói chung và của Việt Nam nói riêng. Vì vậy nghiên cứu đề xuất giải pháp xây dựng KCN carbon thấp để định hướng cho các KCN lựa chọn các ngành hướng về kinh tế ít phát thải là cần thiết.
GIỚI THIỆU
Tây Ninh được xem là một trong những tỉnh giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là tỉnh đầu mối và là cửa ngõ giao thông về đường bộ quan trọng vào Campuchia và các nước Asian; có vị trí chiến lược về QP-AN của quốc gia; là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ-thương mại-du lịch của các nước tiểu vùng sông Mê Kông vì có vị trí địa lý nằm trong trục không gian phát triển chính của vùng: Trục dọc có tuyến cao tốc đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 – tuyến N2) đi qua, trục ngang có tuyến đường Xuyên Á (TP. Hồ Chí Minh – cửa khẩu Mộc Bài) và Quốc lộ 22 B (Gò Dầu – cửa khẩu Xa Mát).
Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu sau: Khai thác và chế biến khoáng sản; chế biến lương thực, thực phẩm; chế biến gỗ, giấy; sản xuất vật liệu xây dựng; hóa chất, dược phẩm; dệt may, da giày; cơ khí, gia công kim loại; sản xuất và phân phối điện nước.
Phát triển các KCN tập trung, gắn sự phát triển của các khu, KCN với sự phát triển của hệ thống đô thị, dịch vụ; chú trọng hình thành khu nhà ở công nhân trong hệ thống đô thị ven khu, KCN. Quỹ đất khu, cụm, điểm công nghiệp đến năm 2020 là 10.000 ha. Quy mô, địa điểm các khu, KCN sẽ được cụ thể trong quy hoạch tổng thể phát triển các khu, KCN của tỉnh.
Hỗ trợ doanh nghiệp KCN phát triển theo định hướng KCN carbon thấp: tập trung giúp doanh nghiệp đánh giá được hiện trạng phát thải, thúc đẩy họ thực hiện các giải pháp giảm tiêu thụ và tiết kiệm năng lượng, nhờ đó cắt giảm được chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của mình là hướng nghiên cứu của đề tài này.
THỰC NGHIỆM
Nội dung nghiên cứu
Tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước về KCN cacbon thấp.
Xây dựng bộ tiêu chí KCN carbon thấp phù hợp với điều kiện thực tế tỉnh Tây Ninh và phương pháp tính hệ số phát thải KNK tại các KCN.
Đánh giá hiện trạng phát triển các KCN tỉnh Tây Ninh theo bộ tiêu chí đã xây dựng và tính hệ số phát thải KNK tại các KCN.
Đề xuất giải pháp xây dựng KCN carbon thấp phù hợp với điều kiện thực tế tỉnh Tây Ninh.
Phương pháp thực hiện
Phương pháp thu thập số liệu
Kế thừa có chọn lọc những kết quả nghiên cứu sẵn có liên quan đến đề tài như tình hình phát triển KCN carbon thấp trên thế giới, những nghiên cứu về xây dựng bộ tiêu chí cho KCN carbon thấp, KCN sinh thái và KCN thân thiện môi trường.
Phương pháp so sánh, đối chiếu
Trong quá trình đánh giá hiện trạng các KCN theo bộ tiêu chí đã được đề xuất xây dựng KCN carbon thấp và so sánh, đối chiếu với hệ số phát thải carbon của KCN đã được tính toán và đề ra giải pháp xây dựng KCN carbon thấp phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Tây Ninh.
Phương pháp phân tích đa tiêu chí.
Sử dụng phương pháp phân tích đa tiêu chí “Trọng số cộng đơn giản” (Sum Additive Weighting, SAW) để đánh giá và chọn các tiêu chí có ý nghĩa và quan trọng trong xây dựng bộ tiêu chí KCN carbon thấp nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu của luận văn.
Phương pháp điều tra thực tế, thu thập số liệu t4
Phương pháp này nhằm thu thập những thông tin thực tế về hiện trạng của 03 KCN thông qua các mẫu phiếu điều tra khảo sát theo bộ tiêu chí đã xây dựng và danh mục các dự án, sản phẩm, nhiên liệu, công suất… của các doanh nghiệp đang hoạt động. Từ các dữ liệu đã thu thập sẽ tiến hành xử lý thống kê bằng Word, Excel và trình bày kết quả ở dạng bảng biểu, sơ đồ… các thông tin này sẽ được phân tích đánh giá nhằm phân loại các KCN và xác định KCN có khả năng phát triển thành carbon thấp.
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Mối liên hệ giữa phát triển KCN với tải lượng phát thải khí carbon trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
Với chủ trương lấy công nghiệp làm khâu đột phá để phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, 5 năm qua (2011 - 2015) phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Cơ cấu kinh tế công nghiệp của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh tạo ra các sản phẩm công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế thì hoạt động của các KCN cũng kéo theo hệ lụy là sự gia tăng các nguồn thải như khí thải, nước thải, chất thải rắn…, đồng nghĩa với gia tăng lượng khí nhà kính mà hậu quả là gây nên hiện tượng BĐKH.
Các khí nhà kính phát thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp chủ yếu bao gồm: CO2, CH4, N2O, HFCs, và SF6. Trong đó:
CO2 phát thải khi đốt cháy nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí) và là nguồn khí nhà kính chủ yếu do con người gây ra trong khí quyển. CO2 cũng sinh ra từ các hoạt động công nghiệp như sản xuất xi măng và cán thép.
CH4 sinh ra từ các bãi rác, lên men thức ăn trong ruột động vật nhai lại, hệ thống khí, dầu tự nhiên và khai thác than.
N2O phát thải từ phân bón và các hoạt động công nghiệp.
HFCs, đặc biệt là khí HFC-23 chính là một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất loại hóa chất mới HCFC-22 để thay thế cho khí CFC dùng chủ yếu trong điều hòa không khí và làm lạnh.
SF6 sử dụng trong vật liệu cách điện và trong quá trình sản xuất magiê.
Phân tích và lựa chọn cơ sở tính toán và dự báo tải lượng khí thải phát sinh từ các KCN tỉnh Tây Ninh đến năm 2020
Căn cứ vào ưu khuyết điểm của các phương pháp dự báo, tình hình số liệu thực tế có thể thu thập được và quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, có thể rút ra một số nhận xét như sau: Phương pháp dự báo tải lượng chất thải phát sinh trên cơ sở sản lượng công nghiệp của các KCN; Phương pháp dự báo tải lượng chất thải phát sinh trên cơ sở tăng số lượng lao động trong KCN; Phương pháp dự báo tải lượng chất thải phát sinh trên cơ sở tỉ lệ lấp đầy của của các KCN. Do vậy, phương pháp dự báo tải lượng chất thải phát sinh từ các KCN dựa trên cơ sở tỉ lệ lấp đầy KCN có sai số thấp hơn so với các phương pháp khác nên được lựa chọn sử dụng.
Dự báo thị trường ngành công nghiệp carbon thấp trong thời gian tới
Ngành công nghiệp carbon thấp là một điểm tăng trưởng kinh tế mới, cũng là một điểm chính bắt buộc tất yếu trong phát triển đô thị, mà còn mang đến lượng lớn cơ hội nghề nghiệp cho địa phương. Đối với mỗi thành phố có rất nhiều ưu thế và đặc trưng phát triển bản thân, do vậy có thể lựa chọn công nghiệp carbon thấp phát triển phù hợp với bản thân. Phát triển đô thị công nghiệp carbon thấp tất yếu phải dựa vào tài nguyên sẳn có và những ưu thế công nghiệp địa phương, bên cạnh phát triển ngành du lịch carbon thấp, công nghiệp kỹ thuật cao hay những lĩnh vực ngành công nghiệp carbon thấp.
Tiềm năng về năng lượng sạch
Ở Tây Ninh, từ trước đến nay về năng lượng điện chủ yếu là sử dụng từ nguồn điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, ngoài nguồn năng lượng điện từ lưới điện quốc gia, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn còn một số tiềm năng khác có thể khai thác chuyển thành năng lượng điện. Trong những năm gần đây, đã có một số đơn vị đầu tư khai thác năng lượng điện ở một số dạng tái tạo khác, nhưng so với tiềm năng thì các dạng năng lượng này vẫn chưa khai thác được bao nhiêu.
Theo cơ quan chuyên môn về năng lượng, hiện có 4 nguồn năng lượng điện đang được nhiều địa phương áp dụng. Bao gồm: Nguồn điện từ gió (phong điện); nguồn điện từ năng lượng mặt trời; nguồn điện từ độ chênh lệch thế năng của nước (thuỷ điện); nguồn điện sinh khối từ việc tận dụng các phế phẩm từ công nghiệp chế biến.
Đánh giá tiềm năng phát triển công nghiệp carbon thấp ở Tây Ninh
Năng lượng mặt trời hiện nay còn khá đắt, nhưng tiềm năng là rất lớn với các ứng dụng như pin mặt trời, bình nước nóng... Phát triển công nghệ sinh khối biến những rác thải công nghiệp, nông nghiệp và đô thị trở thành nguồn năng lượng bổ sung là một hướng đi cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể, ngành chăn nuôi với chương trình biogas đã làm rất tốt nhiệm vụ này. Năng lượng địa nhiệt mới được sử dụng chủ yếu làm nguồn nước nóng phục vụ du lịch và gia đình, nhưng chưa được sử dụng ở quy mô công nghiệp. Dù có bờ biển dài, nhưng năng lượng thủy triều ở Việt Nam vẫn chưa được tận dụng.
Xây dựng mới KCN carbon thấp
Quy hoạch pháp triển KCN carbon thấp đòi hỏi phải có sự tổng hợp các yếu tố sinh thái – năng lượng – môi trường trong thiết kế công nghiệp và sự phối hợp với chiến lược phát triển bền vững của toàn vùng. Quy hoạch phát triển KCN carbon thấp được xây dựng trên cơ sơ, xác định hững nhà đầu tư tìm năng dựa vào việc khảo sát hiện trạng và định hướng phát triển KCN tại địa phương cũng như nhu cầu thị trường, phát triển cơ sở hạ tầng KCN phù hợp về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường,…
Hình thức chuyển đổi KCN đang hoạt động sang KCN carbon thấp
Vì tình hình phát triển các KCN của Việt Nam đang có những điểm cần xem xét lại, trong khi đó các KCN tập trung rất nhiều đơn vị sản xuất phát thải nhiều KNK, do đó lựa chọn đối tượng KCN đang hoạt động để chuyển đổi sang KCN carbon thấp đòi hỏi một quá trình lâu dài.
Các doanh nghiệp tham gia, cũng như nguồn năng lượng, quy trình sản xuất, đặc trưng ngành nghề đã có thông tin chi tiết; bên cạnh đó, chính quyền khu vực có mối quan hệ liên tục với các doanh nghiệp, chính vì vậy các mục tiêu chuyển đổi KCN sanh KCN carbon thấp có thể được thiết lập thông qua một quá trình tham gia, tư vấn và hợp tác.
KẾT LUẬN
Ngành công nghiệp hiện nay là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nói riêng. Tuy nhiên, hoạt động công nghiệp tại các khu công nghiệp lại gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên môi trường và văn hóa xã hội cộng đồng, cả tích cực lẫn tiêu cực; trong có phát thải khí nhà kính là vấn đề rất quan trọng, góp phần làm suy giảm chất lượng môi trường của toàn cầu nói chung và của Việt Nam nói riêng. Vì vậy nghiên cứu đề xuất giải pháp xây dựng KCN carbon thấp để định hướng cho các KCN lựa chọn các ngành hướng về kinh tế ít phát thải là cần thiết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Cục thống kê tỉnh Tây Ninh, Niên giám thống kê tỉnh Tây Ninh 2014, Tháng 8 – 2015.
[2]. Dự án QLNN về môi trường cấp tỉnh tại Việt Nam VPEG (2013), Đánh giá các khu công nghiệp theo tiêu chí xây dựng KCN sinh thái và khung kế hoạch hành động xây dựng KCN sinh thái tại TP. Đà Nẵng.
[3]. Lê Thành Văn và Nguyễn Thị Thu Trang (2012) – “Tổng quan ngành công nghiệp carbon thấp trên thế giới, tiềm năng tại Việt Nam (Kỳ 1)
Lê Thế Giới, “Hệ thống đánh giá phát triển bền vững các KCN Việt Nam” Tạp chí khoa học và công nghệ Đại Học Đà Nẵng, số 4 (27), 2008.
[4]. Nguyễn Duy Hậu (2001), Đề tài “Đánh giá ô nhiễm không khí do sử dụng năng lượng tại TP. Hồ Chí Minh – Nghiên cứu và đề xuất biện pháp khống chế giảm thiểu ô nhiễm”
[5]. Nguyễn Cao Lãnh. “Quy hoạch xây dựng KCN tại khu vực nông thôn trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam,” Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Xây dựng, Hà Nội, 2009
[6]. Phạm Hồng Mạnh. “Tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Nhìn từ quá trình sử dụng năng lượng và mức phát thải khí CO2.” Tạp Chí phát triển khoa học công nghệ, Tập 17, số Q3.2014
[7]. Phạm Khắc Liệu, Trần Anh Tuấn. “Tính toán mức phát thải khí nhà kính của chính quyền thành phố Huế bằng công cụ Bilan carbone.” Internet: www.researchgate.net/publication/271910907, 12, 2003
[8]. Phan Thu Nga. “Nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý thống nhất môi trường trong KCN,” Luận án tiến sỹ, Viện môi trường và Tài Nguyên, TPHCM, 2006
[9]. PGS.TS Phùng Chí Sỹ. “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí và phương pháp đánh giá hàng hóa carbon thấp tại Việt Nam.” Tạp Chí Môi Trường, số 5.2015.
[10]. Vũ Thị Bích Ty (2012), Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý môi trường – Viện Môi trường và Tài nguyên “Đánh giá khả năng phát thải khí nhà kính và đề xuất biện pháp giảm thiểu cho một số ngành công nghiệp điển hình của tỉnh Bình Dương”.n
NGUYỄN THỊ DIỆU, LÊ HÙNG ANH
Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh
NGUYỄN THANH QUANG
Trường Đại học Thủ Dầu Một
NGUYỄN ĐỨC ĐẠT ĐỨC
Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh