Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu về mặt nhiệt độ đến môi trường làm việc của công nhân nhà xưởng
19/08/2024TN&MTNhiệt độ không khí môi trường tự nhiên tăng do biến đổi khí hậu có thể làm cho nhiệt độ môi trường nhà xưởng sản xuất mở từ đó có thể làm tăng rủi ro nghề nghiệp và sức khỏe người lao động. Nhằm có thể bước đầu tìm hiểu về vấn đề nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn 30 người lao động ở hai cơ sở sản xuất có nhà xưởng môi trường mở. Nội dung phỏng vấn tập trung vào nhận định sự thay đổi nhiệt độ trong 5 năm trở lại đây, tác động của nhiệt độ tăng đến sức khỏe và rủi ro nghề nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy tất cả người lao động đều nhận định nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu và làm tăng nhiệt độ môi trường nhà xưởng mở, đồng thời gây ra các vấn đề về sức khỏe ành hưởng đến hiệu quả sản xuất và rủi ro nghề nghiệp. Trên cơ sở đó, các kiến nghị về an toàn bảo hộ lao động, quản lý sản xuất, chăm sóc sức khỏe.
Tác động của biến đổi khí hậu
Những tác động của con người vào môi trường tự nhiên là một trong những nguyên nhân chính gây nên biến đổi khí hậu (Trenberth, 2018), trong đó làm tăng nhiệt độ. Trong những năm gần đây, nhiệt độ trong các môi trường sản xuất tăng một cách đáng lo ngại (Dombrowski & cs, 2016; Kjellstrom, 2009). Trong môi trường sản xuất, nhiệt độ môi trường có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và hiệu suất lao động (Kjellstrom, 2009). Môi trường nhiệt độ cao có thể tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực, gây stress và nguy hiểm cho người lao động (Pogaar & cs, 2018). Làm việc trong điều kiện mùa hè nắng nóng, nhiệt độ môi trường làm việc cao sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe như kiệt sức, mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu và khó thở, mờ mắt (Levi & cs, 2018) từ đó dẫn đến các thao tác khi làm việc thiếu chuẩn xác. Nếu không được quản lý đúng cách, nhiệt độ cao còn có thể gây ra những tác động nghiêm trọng như suy nhược cơ thể, nhồi máu cơ tim và nguy cơ đột tử. Ngoài những tác động trực tiếp lên cơ thể, nhiệt độ cao cũng có thể gây ra các vấn đề tâm lý và tác động đến tinh thần, cảm giác khó chịu, căng thẳng và mất ngủ là những vấn đề phổ biến khi cơ thể không thoải mái trong môi trường nhiệt độ cao. Do đó, nhằm có thể đánh giá tác động của nhiệt độ đến môi trường làm việc của công nhân nhà máy để từ đó có thể góp phần có các định hướng giảm thiểu tác động của nhiệt độ môi trường do biến đổi khí hậu đến môi trường sản xuất, nghiên cứu này đã được thực hiện.
Phương pháp nghiên cứu
Địa điểm nghiên cứu
Địa điểm nghiên cứu là các Công ty chế biến thức ăn gia súc, Công ty chế biến cám, gạo thuộc xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Đối tượng phỏng vấn
Đối tượng nghiên cứu là người lao động trong khu vực sản xuất với môi trường không khí mở (như nhà xưởng không đóng kín, không khí tự do trao đổi giữa nhà xưởng và không khí môi trường tự nhiên bên ngoài). Đây là tối tượng dễ bị tổn thương về sức khỏe và sức lao động do ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường cao liên quan đến biến đổi khí hậu. Mỗi địa điểm nghiên cứu phỏng vấn 15 người. Tổng số người được phỏng vấn là 30 người.
Phỏng vấn bản câu hỏi mở
Nghiên cứu tiến hành phỏng vấn bản câu hỏi mở về nhận định của người lao động đối với ảnh hưởng của nhiệt độ cao đến môi trường làm việc bao gồm ảnh hưởng tới sức khỏe, năng suất lao động và những mối nguy hiểm tiềm tàng.
Phân tích số liệu
Nghiên cứu sử dụng Excel để thống kê mô tả để phân tích số liệu.
Kết quả và thảo luận
Nhận định về nhiệt độ liên quan đến biến đổi khí hậu
Kết quả nghiên cứu cho thấy, 100% người được phỏng vấn (30 người) có chung nhận định là nhiệt độ môi trường tại khu vực sản xuất mở tăng trong vòng 5 năm trở lại đây, nhất là vào mùa hè. Người làm việc trong nhà máy đều cho rằng nhiệt độ tăng là do tác động của biến đổi khí hậu, làm cho nhiệt độ nhà máy tăng lên, ảnh hưởng đến năng suất lao động. các phân xưởng đã bố trì quạt hút và quạt thổi không khí nhầm tạo môi trường làm việc tốt nhất cho công nhân, tuy nhiên ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất làm việc. Có thể thấy, biến đổi khí hậu về mặt nhiệt độ có tác động trực tiếp đến người lao động trong môi trường mở, các nhà xưởng sản xuất là điều cần thiết được quan tâm.
Rủi ro nghề nghiệp
Phân tích kết quả phỏng vấn cho thấy, 100% ý kiến xác định vị trí làm việc dễ bị rủi ro đến sức khỏe người lao động và tai nạn nghề nghiệp, các nơi làm việc môi trường mở dễ bị tăng nhiệt độ do tác động của nhiệt độ không khí cao trong môi trường tự nhiên, nhất là lúc trưa nắng, nơi có thiết bị sản xuất chịu tác động kép của nhiệt độ tăng do máy móc và không khí, hoặc nơi làm việc trên cao có ánh nắng mặt trời chiếu sáng trong mùa hè gay gắt. Các nhà máy, xí nghiệp đã nhanh chống trang bị các biết bị cần thiết nhằm hạn chế tác động, tuy nhiên chỉ là một số biện pháp tạm thời, về lâu dài cần nghiên cứu lắp đặt máy móc hỗ trợ làm thông thoáng nhà xưởng, tạo môi trường làm việc tốt hơn trách tăng nhiệt độ khu làm việc ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Kết quả nghiên cứu về cơ bản cho thấy, biến đổi khí hậu làm nhiệt độ không khí môi trường tự nhiên tăng và từ đó làm cho nhiệt độ môi trường làm việc tăng lên, có khả năng gây ra các rủi ro nghề nghiệp nếu chưa được quan tâm đúng mức.
Ảnh hưởng sức khỏe người lao động
Mức nhiệt độ an toàn cho phép trong nhà máy sản xuất theo QCVN 26:2016/BYT quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về khí hậu- Giá trị cho phép vi khí hậu tại thời điểm nơi làm việc (Bảng 1).
Bảng 1. Mức nhiệt độ an toàn cho phép trong nhà máy sản xuất
Thông qua số liệu đo đạc nhiệt độ môi trường nơi làm lúc nắng nóng và nhiệt độ do thiết bị sản sản xuất tạo ra tại hai vị trí nơi làm việc có cường độ trung binh và nặng. So sánh với bản tham chiếu cho thấy độ sai lệch vượt cao hơn so với tiêu chuẩn qui định vị trí việc làm trung bình 60C và nặng là 70C. Phân tích số liệu nghiên cứu có 80% đối tượng được phỏng vấn thường xuyên có biểu hiện viêm da, nóng rát vùng cổ họng, viêm đường hô hấp và có biểu hiện mệt mỏi tiết nhiều mồ hôi, hay bị chóng mặt (Hình 2).
Hình 1. Điều kiện làm việc của công nhân nhà xưởng.
Kết quả phỏng vấn cho thấy, môi trường làm việc mở có nhiệt độ cao hay có sự biến đổi thường xuyên về chênh lệch nhiệt độ tác động xấu đến sức khỏe và giảm năng suất việc. Việc tác động thể hiện qua thao tác vận hành thiếu chính xác, phản ứng chậm chạp, thường xuyên tiết mồ hôi và có nhiều biểu hiện mệt mỏi lúc làm việc. Bên cạnh đó, qua khảo sát cho thấy rằng người công nhân chưa thật sự quan tâm đến các yếu tố tác động đến sức khỏe, các dụng cụ bảo hộ như khẩu trang cũng có thể giảm bớt tác động của điều kiện làm việc ở công đoạn sản xuất có nhiệt độ cao. Kết quả nghiên cứu tương đồng với báo cáo của Levi & cs (2018). Niza & cs (2024) cũng báo cáo các vấn đề bệnh tật nghề nghiệp khi nhiệt độ môi trường tăng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân và năng suất lao động. Tai nạn lao động xảy ra địa điểm nghiên cứu có liên quan đến sự biến đổi và nhiệt độ cao môi trường nơi làm việc của người lao động nhất là những nơi có trang thiết bị phát sinh ra nhiệt, ánh nắng mặt trời chiếu sáng (Hình 2).
Hình 2. Nhiệt độ cao và ánh nắng tác động.
Kết quả khảo sát công nhân cho thấy, độ thông thoáng và nhiệt độ nhà xưởng sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành công việc, năng xuất và chất lượng công việc, họ cũng nhận định được tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nhiệt độ khu vực làm việc. Tuy nhiên, để cải thiện môi trường làm việc thì các nhà xưởng cần bổ sung các biết bị cải thiện môi trường như quạt hút, quạt thổi gió,…
Kết luận và kiến nghị
Kết luận
Biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ trong môi trường sản xuất mở trong vòng 5 năm trở lại đây. Nhiệt độ tăng gây nên các rủi ro nghề nghiệp và ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Đây là vấn đề cần được quan tâm tại các khu vực sản xuất có môi trường không khí mở.
Kiến nghị
Trên cơ sở nghiên cứu bước đầu về tác động của nhiệt độ tăng đến người lao động trong môi trường sản xuất không khí mở, nghiên cứu đề nghị một số vấn đề cần quan tâm như sau:
Chú trọng công tác an toàn lao động trong điều kiện nhiệt độ tăng cao, tạo môi trường làm việc thông thoáng. Đồng thời, cảnh báo và hướng dẫn nhắc nhở các rủi ro nghề nghiệp trong khu vực sản xuất, nhất là khi nhiệt độ tăng cao. Người lao động cần được cung cấp áo quần phù hợp và thiết bị bảo hộ để ngăn ngừa ảnh hưởng của nhiệt độ cao lên người lao động
Về quản lý sản xuất, cán bộ quản lý thường xuyên sinh hoạt nhắc nhở phải tuân thủ các qui trình và thao tác vận hành hệ thống trang thiết bị và kiểm tra nhiệt độ môi trường không khí nơi sản xuất và quan tâm đến các công việc sửa chữa trên cao có ánh nắng mặt trời, những lúc trưa nắng nóng và nhiệt độ môi trường cao do trang thiết bị sản xuất đồng gây ra. Đảm bảo môi trường kho sản xuất phải thông thoáng, bố trí cây xanh hợp lý nhằm giảm bớt ánh nắng mặt trời chiếu sáng và giảm nhiệt độ xung quanh xưởng sản xuất, bố trí quạt hút không khí nóng trong môi trường nơi làm việc ra bên ngoài, đổi mới sử dụng mái nhà xưởng có lấy sáng thì cần thông gió về phía hai bên vách kho để hạn chế những rủi ro nguy hiểm cho việc sửa chữa trên cao.
Cung cấp nước uống và các dụng cụ cần thiết để giảm thiểu mất nước. Có thể bố trí thêm nước điện giải và khăn lau mặt thắm nước giúp cho cơ thể giảm nhiệt độ và tinh thần tỉnh táo.
Tài liệu tham khảo
Dombrowski, U., Ernst, S., & Reimer, A. (2016). A new training for factory planning engineers to create awareness of climate change. Procedia CIRP, 48, 443-448;
Kjellstrom, T. (2009). Climate change, direct heat exposure, health and well-being in low and middle-income countries. Global Health Action, 2;
Levi, M., Kjellstrom, T., & Baldasseroni, A. (2018). Impact of climate change on occupational health and productivity: a systematic literature review focusing on workplace heat. La Medicina del lavoro, 109(3), 163;
Niza, I. L., de Souza, M. P., da Luz, I. M., & Broday, E. E. (2024). Sick building syndrome and its impacts on health, well-being and productivity: A systematic literature review. Indoor and Built Environment, 33(2), 218-236;
Trenberth, K. E. (2018). Climate change caused by human activities is happening and it already has major consequences. Journal of energy & natural resources law, 36(4), 463-481.
DƯƠNG HOÀNG THƯƠNG
Khoa Kỹ thuật-Công nghệ-Môi trường, trường Đại học An Giang
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 11+12 năm 2024