Ngành Tài nguyên và Môi trường đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia - Bài 1: Những khó khăn và thách thức
24/01/2024TN&MTAn ninh nguồn nước đã trở thành vấn đề nóng trong thời gian qua, nhưng ở nước ta nhận thức về nó vẫn còn hạn chế,… Nhiều vấn đề, từ đánh giá khoa học đến thực tiễn sử dụng nguồn nước vẫn chưa được nghiên cứu thấu đáo. Sự suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước, dùng nước lãng phí, xả thải nước chưa được xử lý,… Từ những khó khăn trên, ngành Tài nguyên và Môi trường đã có hành động cụ thể đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia,…
Tài nguyên nước Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ...
Tài nguyên nước Việt Nam đang quá thừa, quá thiếu, quá bẩn và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh, là nguyên nhân ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững,…
Hơn 60% lượng nước mặt từ nước ngoài chảy vào
Theo thông tin từ Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phần lớn các hệ thống sông lớn của Việt Nam đều là các sông xuyên biên giới mà Việt Nam là quốc gia nằm ở hạ nguồn. Tổng lượng nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam là 504 tỷ m³, chiếm 60% tổng lượng dòng chảy của các sông của nước ta. Nhưng nếu chỉ xét nguồn nước nội sinh của Việt Nam thì tổng lượng nước bình quân trên đầu người chỉ đạt 3.280 m³/người/năm, thấp hơn so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900 m³/người/năm.
Tài nguyên nước Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến an ninh nguồn nước quốc gia. Cụ thể như: Chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài và phân bổ không đều theo không gian và thời gian chịu tác động của biến đổi khí hậu, giảm diện tích rừng bảo vệ nguồn sinh thuỷ, hiệu quả khai thác, sử dụng nước trong các ngành còn thấp,...
Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước còn hạn chế, nhất là còn giao thoa, chồng lấn giữa lĩnh vực tài nguyên nước, thủy lợi, thủy điện gây lúng túng trong thời gian qua.
Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đánh giá an ninh nguồn nước quốc gia của Việt Nam các năm 2013, 2016 và 2020 chỉ đạt 2/5. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2019, tài nguyên nước Việt Nam đang quá thừa, quá thiếu, quá bẩn và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh, là nguyên nhân ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Hơn 60% lượng nước mặt từ nước ngoài chảy vào
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, thời điểm đầu mùa năm 2023, tình trạng thiếu hụt nguồn ngước diễn ra nghiêm trọng trên các lưu vực sông khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Theo dự báo, trong mùa khô năm 2023-2024, tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu sông Mê Công (trạm Kratie-Campuchia) về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế giảm dần và ở mức thấp hơn trung bình nguồn nước từ 10-15%, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long khả năng đến sớm hơn, cao hơn so với trung bình nguồn nước.
Theo Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) nhận định: “Thế giới đang đối mặt một cuộc khủng hoảng nước sạch chưa từng có, và nó đang càng ngày càng trở nên trầm trọng hơn, khi đi kèm các hệ lụy của quá trình biến đổi khí hậu”. Theo WRI, khoảng một nửa dân số thế giới đang đối mặt tình trạng “căng thẳng cao về nước sạch” trong ít nhất một tháng mỗi năm, và dự kiến tình trạng này sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
“Vắt” kiệt các dòng sông…
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông, hồ đang diễn biến phức tạp do đặc thù của cát, sỏi lòng sông dễ khai thác, khai thác không có giấy phép hoặc khai thác không đúng quy định của Giấy phép khoáng sản gây nguy cơ mất an toàn, sạt lở lòng, bờ, bãi sông. Để phục vụ các hoạt động như xây dựng các dự án phát triển đô thị, phát triển kinh tế, nhiều tỉnh xây dựng các công trình hạ tầng ven sông, xâm phạm hành lang bảo vệ, phòng, chống lở bờ sông. Hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng bất thường cũng dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển, đặc biệt các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Thuân,... đều là các sông.
Khai thác cát, sỏi cạn kiệt các dòng sông...
Đại diện UBND tỉnh An Giang cũng cho biết, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều công trình xây dựng và đời sống người dân. Riêng năm 2023, có đến 88 vụ sạt lở với chiều dài là 4.193m, diện tích 19.569m2, tổng thiệt hại 95 căn nhà, trong đó số nhà di dời là 87 căn, sụp hoàn toàn 01 căn, tổng thiệt hại về đất gần 8,5 tỷ đồng.
Mặt khác, phần lớn các hệ thống sông lớn của Việt Nam xuyên biên giới mà Việt Nam là quốc gia ở hạ nguồn. Các hoạt động đắp đập, nhà máy thủy điện chặn dòng, xây dựng công trình thủy điện và vận hành của thuỷ điện điện ở thượng nguồn lưu vực sông Hồng, sông Mê Công đã và đang là nguy cơ trực tiếp làm suy giảm dòng chảy và phù sa vào Việt Nam, đe dọa an ninh nguồn. Bên cạnh đó, tình trạng san, lấp hồ ao, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đang diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp và chưa được kiểm soát chất chẽ.
Sử dụng kém hiệu quả
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc sử dụng nước ở Việt Nam còn kém hiệu quả, lãng phí. Đồng thời, do áp lực phát triển kinh tế - xã hội, dân số tăng dẫn đến nhu cầu nước gia tăng, mâu thuẫn khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương còn phổ biến. Trong 50 năm qua, nhu cầu nước đã tăng gấp 3 lần, trong khi ô nhiễm nước tiếp tục gia tăng. Tỷ lệ thất thoát nước cấp cho đô thị và nông thôn còn ở mức cao (khoảng 25%). Hiệu quả sử dụng nước thấp, 1m3 nước chỉ tạo ra 2,37 đô la, bằng 12% so với mức trung bình toàn cầu (19,42 đô la).
Sử dụng nguồn nước kém hiệu quả
Khi hiệu quả sử dụng nước thấp thì lượng nước dùng cho sản xuất sẽ phải nhiều hơn và chi phí sản xuất sẽ cao hơn. Vì thế, việc chưa chú trọng tới nâng cao hiệu quả sử dụng nước ở các cơ sở sản xuất nói chung, đặc biệt là ở các cơ sở sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy-hải sản nói riêng sẽ khiến giá thành sản phẩm làm ra cao hơn. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới tính cạnh tranh về hàng hóa và lợi nhuận của cơ sở sản xuất, người dân. Việc sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả còn góp phần khiến an ninh nguồn nước của nước ta bị thách thức nghiêm trọng hơn. Sự thiếu nước trầm trọng vào mùa khô ở Tây Nguyên một phần rất lớn là do khai thác nước quá mức, sử dụng nước lãng phí và thiếu hiệu quả trong trồng trọt.
Cùng với đó, nhiều vấn đề đe dọa an ninh nguồn nước ở nước ta xuất phát từ chính những nguyên nhân chủ quan. Đó là tình trạng ô nhiễm nguồn nước do xả thải bừa bãi không qua xử lý vào sông, suối, kênh, rạch; hoặc chôn lấp rác thải không đúng quy chuẩn, do khai thác khoáng sản, do sử dụng hóa chất bừa bãi trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đó là tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước làm biến đổi dòng chảy, suy giảm diện tích đất rừng-nguồn sinh thủy...
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hơn 80% bệnh tật ở các quốc gia đang phát triển có liên quan đến ô nhiễm nguồn nước và môi trường. Tại Việt Nam, mỗi năm có đến 9.000 trường hợp tử vong, 200.000 người mắc bệnh ung thư, với nguyên nhân chính có liên quan đến việc sử dụng nước không an toàn.
Nhất Nam