Ngành nước và trách nhiệm với môi trường
13/01/2022TN&MTViệc cấp nước sạch cho người dân thành phố hiện nay - ngoài việc đảm bảo an toàn, ổn định chất lượng nước ngày càng được nâng cao - còn gắn liền với việc bảo vệ môi trường trước sự biến đổi khí hậu.
Nếu không có biện pháp phát triển bền vững, hiện trạng này sẽ gây nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Giảm khai thác từ "mẹ thiên nhiên"
Vào giai đoạn 10 - 15 năm trước, ông Trần Quang Minh - tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) - kể lại: "Nguồn nước cấp cho người dân từ nguồn nước mặt và việc khai thác nước ngầm. Số nhà máy xử lý nước còn ít, với công nghệ còn thô sơ khiến việc cấp nước cho người dân là bài toán khó khăn thời điểm bấy giờ. Đơn vị cấp nước phải khai thác các nguồn nước ngầm lên đến hơn 130.000m3/ ngày đêm mới có thể phần nào đáp ứng nhu cầu người dân. Với giai đoạn đó, để phục vụ sự phát triển của TP, chúng tôi thấy nợ "mẹ thiên nhiên" một lời xin lỗi", ông Minh trải lòng.
Người đứng đầu Sawaco chia sẻ thêm, qua từng giai đoạn phát triển, ngành cấp nước nhận thấy cần phải có trách nhiệm với việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như bảo vệ môi trường. Sawaco đã có những bước phát triển nhanh trong công nghệ xử lý nước, công nghệ quản lý thông minh hệ thống cấp nước. Nhiều nhà máy nước, mạng lưới cấp nước phủ khắp TP đã được triển khai xây dựng. Việc khai thác chỉ còn duy trì ở một số nơi mà mạng lưới cấp nước chưa kịp phát triển hoặc sử dụng làm nguồn dự trữ cấp nước an toàn, đề phòng nguồn nước mặt cung cấp cho các nhà máy gặp sự cố môi trường bất ngờ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Ông Minh đánh giá hầu hết các trạm cấp nước duy trì khai thác đều thuộc địa bàn huyện Bình Chánh. Nhu cầu sử dụng nước khu vực này dự báo tiếp tục gia tăng do tốc độ đô thị hóa cao trong khi mạng lưới cấp nước chưa được hoàn thiện, dẫn đến khó khăn trong việc cung cấp nước sạch cho người dân. Để ưu tiên cho các trạm trên địa bàn huyện Bình Chánh, Sawaco điều tiết bằng cách giảm khai thác Nhà máy nước ngầm Tân Phú. Bên cạnh đó, Sawaco đẩy nhanh các dự án đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước để sớm đưa việc giảm khai thác nước ngầm tới mức thấp nhất.
Vận động người dân sử dụng nước sạch, ngưng sử dụng nước ngầm trên địa bàn quận Bình Tân.
Nhiệm vụ kép của ngành nước
Chia sẻ về hướng đi chính mà ngành nước TP sẽ tập trung trong những năm tới, ông Trần Quang Minh khẳng định việc giảm khai thác nước ngầm và cấp nước an toàn là nhiệm vụ kép mà Sawaco đang theo đuổi.
"Lộ trình giảm khai thác nước ngầm chúng tôi đã vạch rõ, lấy việc giảm khai thác tới mức thấp nhất làm kim chỉ nam hành động. Đối với cấp nước an toàn chúng tôi cũng triển khai nhiều giải pháp, Sawaco và các công ty cấp nước thành viên luôn nỗ lực cấp nước chất lượng, an toàn cho 20/21 quận, huyện và TP Thủ Đức với hơn 1,5 triệu đồng hồ nước. Từ năm 2017 chúng tôi đã hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch cho 100% hộ dân qua nhiều giải pháp như phát triển mạng lưới, gắn đồng hồ, bồn chứa nước tập trung... Dù vậy, chúng tôi thừa nhận hiện nhiều nơi người dân vẫn sử dụng nước ngầm (chiếm khoảng 8% tổng số khách hàng) dù được cấp nước sạch", ông Minh vạch ra chương trình hành động.
Ngoài ra. Sawaco có hai kế hoạch chính trong đảm bảo cấp nước an toàn đã được TP phê duyệt. Trong quy hoạch cấp nước, Sawaco sẽ xây dựng hồ chứa với dung tích 5 triệu m3, có thể cung cấp nước sạch cho người dân TP.HCM trong vòng 7 ngày. Đây là giải pháp mà Sawaco dự phòng khi hai hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai cung cấp nước mặt cho các nhà máy nước bất ngờ gặp sự cố. Dự kiến hồ chứa nước này được xây dựng cách ngã ba sông Sài Gòn và sông Thị Tính 1km về phía thượng nguồn để tránh ô nhiễm, xâm nhập mặn.
Điểm lấy nước thô cho Nhà máy nước Tân Hiệp tại xã Hòa Phú (huyện Củ Chi) cũng sẽ được di dời. Vị trí mới cách trạm bơm cũ khoảng 15 - 20km và cách ngã ba sông Thị Tính - Sài Gòn 10 - 15km. Điều này giúp hạn chế tối đa các ảnh hưởng từ nước thải sinh hoạt, sản xuất, nông nghiệp từ phía Bình Dương đổ ra sông Thị Tính rồi chảy vào sông Sài Gòn.
Mục tiêu cấp nước an toàn, liên tục mà Sawaco đặt ra trong giai đoạn 2020 - 2025 là nâng tổng công suất hệ thống cấp nước từ 2,4 triệu m3/ngày đêm lên 2,9 triệu m3/ngày đêm, tỉ lệ thất thoát nước giảm từ 20,85% (năm 2019) xuống còn 18%.
Theo tuoitre.vn