Ngành Khí tượng Thủy văn: Nhiều thành tựu nổi bật, góp chung vào truyền thống lịch sử vẻ vang của đất nước
11/08/2022TN&MTTrải qua 77 năm xây dựng và phát triển cùng sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước; trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, với các tên gọi, cơ cấu tổ chức khác nhau nhưng nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt của ngành Khí tượng Thủy văn là cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo để đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững; giúp Đảng, Nhà nước chỉ đạo và có những chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đến nay, Ngành không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị trí, uy tín đối với Đảng, Nhà nước, cơ quan quản lý các cấp, với người dân trong nước và các tổ chức quốc tế.
Phát triển mạng lưới trạm đo đạc, quan trắc, hiện đại hóa công nghệ dự báo
Từ một mạng lưới do thực dân Pháp để lại ở miền Bắc (15 trạm khí tượng bề mặt, 6 trạm hải văn, 41 trạm thủy văn và 27 điểm đo mưa, trong đó nhiều trạm đã ngừng quan trắc) và Ngụy quyền Sài Gòn để lại ở miền Nam (30 trạm khí tượng, khí hậu, 2 trạm thám không vô tuyến và một số trạm pilot, trạm thủy văn quan trắc định kỳ). Đến nay, lĩnh vực KTTV đã có một mạng lưới quan trắc KTTV liên tục được cấy dày, tăng cường tự động hóa và trở thành mạng lưới nền cho mạng lưới quan trắc TNMT, hiện có: 214 trạm khí tượng bề mặt; 29 trạm khí tượng nông nghiệp; 14 trạm bức xạ; 855 trạm đo mưa tự động; 432 trạm thủy văn; 27 trạm khí tượng hải văn; có 180 trạm, điểm đo môi trường; mạng lưới quan trắc khí tượng cao không ngày càng phát triển hiện đại so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Đến thời điểm hiện tại, mạng lưới quan trắc khí tượng cao không bao gồm 5 hạng mục quan trắc với tổng số 49 trạm được lắp đặt trên phạm vi toàn quốc, bao gồm: 12 trạm ra đa thời tiết (10 trạm cố định và 2 trạm di động), 18 trạm định vị sét, 2 hệ thống thu xử lý ảnh mây vệ tinh, 3 trạm quan trắc ô-dôn-bức xạ cực tím và 14 trạm khí tượng trên cao. Với hơn 1000 quan trắc viên, kiểm soát viên kỹ thuật viên có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc, từ vùng sâu, vùng xa đến núi cao và hải đảo đã không ngại khó khăn gian khổ, thầm lặng ngày đêm thu thập các số liệu điều tra cơ bản về KTTV, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc phục vụ dự báo, cảnh báo KTTV đáp ứng công tác chỉ đạo PCTT phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát đất nước.
Hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV không ngừng được đổi mới, phát triển. Một số mô hình khu vực phân giải cao như mô hình HRM của Đức, WRF của Mỹ, ECMWF của châu Âu,… đã và đang được vận hành hiệu quả tại Tổng cục; đã tiến hành dự báo tới khoảng 600 các địa điểm cụ thể như thị trấn, thị xã, thành phố, đặc biệt là thời tiết biển khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước và phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế biển,… Nhiều công nghệ mới đã được nghiên cứu đưa vào ứng dụng trong tác nghiệp góp phần nâng cao chất lượng dự báo KTTV. Trong giai đoạn 2010 - 2020, đã theo dõi và dự báo sát, kịp thời 272 đợt không khí lạnh; 43 áp thấp nhiệt đới; 90 cơn bão; 126 trận lũ; 170 đợt nắng nóng; 228 đợt mưa lớn diện rộng, đặc biệt năm 2018 công tác dự báo hiệu quả đã góp phần giảm được khoảng 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2017 tương ứng với 40.000 tỷ đồng (nguồn từ Tổng cục PCTT). Chất lượng các bản tin dự báo luôn đạt và vượt mức chỉ tiêu đề ra. Năm 2021, nhờ công tác dự báo sớm và tin cậy nên thiệt hại thiên tai giảm rất nhiều so với năm 2020 và là một trong những năm có thiệt hại thấp nhất. Trong đó, cơn bão số 9 (tên quốc tế là RAI) là một cơn bão rất mạnh có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Tuy nhiên, chúng ta đã dự báo từ rất sớm là cơn bão này ít có khả năng ảnh hưởng đến đất liền. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại thời điểm đó diễn biến phức tạp, việc đưa ra thông tin dự báo từ sớm, có độ tin cậy rất cao đã giảm thiểu được các nguồn lực của Nhà nước trong việc ứng phó với cơn bão rất mạnh này.
Từ năm 2010 đến nay, nhiều công nghệ, thiết bị mới đã được đầu tư, nghiên cứu đưa vào ứng dụng trong tác nghiệp góp phần nâng cao chất lượng công tác dự báo KTTV, như: Xây dựng được bộ công cụ, chương trình tính toán chỉ số SPI phục vụ giám sát hạn hán khí tượng hỗ trợ đưa ra các bản tin thông báo về phạm vi, cường độ, diễn biến hạn hán trên phạm vi toàn quốc. Triển khai trong nghiệp vụ các hệ thống mô hình dự báo số trị quy mô khu vực để tăng cường khả năng dự báo định lượng mang tính cực trị như mưa lớn, gió mạnh trong bão. Đã thu thập đồng bộ thống nhất toàn bộ các hệ thống dự báo tất định và tổ hợp từ các trung tâm toàn cầu (Mỹ, Nhật, châu Âu) phục vụ dự báo khí tượng cho khu vực Việt Nam. Đưa công cụ hỗ trợ phân tích và hỗ trợ dự báo thời tiết, dự báo bão, cụ thể là Hệ thống cơ sở dữ liệu KTTV và công cụ hỗ trợ (MHDARS) tác nghiệp dự báo khí tượng, dự báo bão, nghiên cứu khoa học. Ứng dụng và khai thác các sản phẩm dự báo thời tiết số chi tiết định lượng làm tiền đề cho việc thiết lập phát triển và hoàn thiện CSDL KTTV toàn ngành, các công cụ hỗ trợ dự báo khí tượng và dự báo bão trong giai đoạn tới. Ứng dụng hệ thống Định hướng cảnh báo lũ quét của Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn Hoa Kỳ do Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) hỗ trợ trong cảnh báo khả năng xảy ra lũ quét,…
Hệ thống thông tin KTTV hiện nay đã được đầu tư hiện đại và khá đồng bộ; hệ thống kênh thông tin quốc tế (GTS và WIS); mạng riêng ảo luôn đảm bảo sự hoạt động ổn định, thông suốt trong mọi tình huống; thực hiện phát báo quốc tế số liệu KTTV thời gian thực qua hệ thống viễn thông toàn cầu đảm bảo đúng quy định của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO).
Từ năm 2010 đến nay, nhiều công nghệ, thiết bị mới đã được đầu tư, nghiên cứu đưa vào ứng dụng trong tác nghiệp góp phần nâng cao chất lượng công tác thông tin và dữ liệu KTTV, như:
Thứ nhất, xây dựng được một trung tâm dữ liệu (Data center) đạt gần tới tiêu chuẩn quốc tế Tier 3 đảm bảo hoạt động ổn định hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm mạng máy tính, các máy chủ nghiệp vụ, hệ thống tính toán hiệu năng cao HPC, CSDL Oracle và ArcGis server, các phần mềm nghiệp vụ xử lý, lưu trữ và chia sẻ toàn bộ số liệu KTTV trong nước và quốc tế.
Thứ hai, xây dựng được hệ thống hội thảo trực tuyến từ trung ương đến 9 Đài KTTV khu vực và 54 Đài KTTV tỉnh: Đảm bảo công tác hội thảo trực tuyến nghiệp vụ dự báo, cảnh báo KTTV thông suốt đến các Đài KTTV khu vực và tỉnh, nhất là hội thảo khi có thiên tai KTTV xảy ra như bão, lũ. Hệ thống đã mang lại hiệu quả rất tốt trong thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19, đảm bảo các hoạt động nghiệp vụ KTTV diễn ra bình thường ngay cả khi thực hiện giãn cách xã hội.
Thứ ba, phát triển và đang hình thành một mô hình hoạt động nghiệp vụ KTTV tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống: toàn bộ dữ liệu KTTV trong và ngoài nước được tích hợp, tổ chức xử lý, lưu trữ, khai thác và cung cấp theo hướng tập trung, đồng bộ (dữ liệu được tập trung tại Trung tâm dữ liệu ngành KTTV); các công tác nghiệp vụ dự báo, cảnh báo KTTV đều sử dụng dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu; dữ liệu được chia sẻ đến các đơn vị cấp trên phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo về PCTT như Tổng cục PCTT, Văn phòng Ban chỉ huy quốc gia PCTT và Tìm kiếm cứu nạn,...
Trải qua các thời kỳ phát triển công tác nghiên cứu khoa học của Ngành KTTV luôn phát triển mạnh mẽ, với tổng số khoảng 500 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp Ngành đã được nghiệm thu đưa vào ứng dụng trong mọi lĩnh vực của Ngành và đời sống xã hội; trong giai đoạn 2010-2020 có 68 đề tài khoa học cấp bộ, cấp nhà nước được triển khai nghiên cứu, đưa vào ứng dụng,… Từ khi mới thành lập, với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Ngành KTTV ban đầu chỉ có vài kỹ sư, vài chục kỹ thuật viên trung, sơ cấp. Đến nay, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ TN&MT, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Ngành đã được đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Tổng cục KTTV có gần 3000 người, trong đó có: 25 Tiến sĩ (có 1 Giáo sư, 2 Phó Giáo sư), 277 Thạc sĩ cùng hơn 2600 Đại học, Cao đẳng; Kỹ thuật viên trung, sơ cấp.
Trong hợp tác quốc tế, những năm trước đây, Ngành KTTV chỉ mới quan hệ hợp tác song phương với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa thì hiện nay, Việt Nam có quan hệ với nhiều tổ chức, các nước trên thế giới và khu vực trong lĩnh vực KTTV, như: Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), UNDP, UNEP, UNESCO, ESCAP, APCC, Ủy ban Bão, Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN, Trung tâm phòng tránh thiên tai châu Á, Ủy hội sông Mê Công; Cơ quan Khí tượng Australia, Nhật Bản, Ý, Phần Lan, Hà Lan, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Lào, Campuchia,... Trong giai đoạn 2010-2020, đã có 27 dự án đã và đang triển khai góp phần tích cực vào hiện đại hóa công nghệ, thiết bị cũng như phát triển nguồn nhân lực của Ngành. KTTV Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò đầu mối trong chương trình dự báo thời tiết nguy hiểm, cảnh báo lũ quét cho khu vực Đông Nam Á. Qua đó, góp phần cung cấp kịp thời các bản tin dự báo hỗ trợ các nước thành viên trong hoạt động dự báo tác nghiệp, tăng cường vai trò của Trung tâm hỗ trợ dự báo đối với khu vực. Từ đó, nâng cao vị thế, vai trò của ngành KTTV Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Đóng góp của Ngành trong truyền thống lịch sử vẻ vang của đất nước
Trong 77 năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành KTTV Việt Nam luôn phát huy tinh thần yêu nước cao độ, thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, 20 cán bộ của ngành đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, có những trang số liệu đang khai thác hôm nay đã phải trả giá bằng máu của các quan trắc viên KTTV và ngay trong thời bình Ngành vẫn có cán bộ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Với những thành quả đạt được trong chặng đường xây dựng và phát triển, ngành KTTV Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và xã hội đánh giá cao. ngành KTTV đã được Nhà nước hai lần tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và các phần thưởng, danh hiệu cao quý khác nhằm vinh danh những đóng góp của toàn ngành đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, KTTV Việt Nam còn được Tổ chức Khí tượng Thế giới công nhận những đóng góp cho sự nghiệp phát triển khí tượng toàn cầu và tin tưởng giao trọng trách là Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực cho các quốc gia khác.
Hiện nay, ứng phó với BĐKH toàn cầu đã chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển phát thải thấp, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và thích ứng với BĐKH. Ngành KTTV đang cố gắng xây dựng các giải pháp để tăng cường dự báo các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan, dự báo các rủi ro, tác động của thiên tai đến từng đối tượng chịu tổn thương; tìm kiếm các nguồn nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo như địa nhiệt, sóng, gió và năng lượng mặt trời, các nguồn vật liệu mới thay thế vật liệu truyền thống không thân thiện với môi trường và khí hậu.
Ngành đã và đang phát triển các mô hình, phương pháp mới cả trong quan trắc và dự báo, cảnh báo. Đồng thời, tích cực phối hợp với các Trường, Viện nghiên cứu để tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác KTTV. Mục tiêu là đến năm 2030 sẽ phát triển Ngành KTTV Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á; đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, PCTT, thích ứng với BĐKH, bảo đảm QP-AN quốc gia; hình thành và phát triển được thị trường dịch vụ, công nghệ KTTV phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực.
Có thể nói, Ngành KTTV Việt Nam đã có những cống hiến, đóng góp to lớn vào truyền thống lịch sử vẻ vang của đất nước và dân tộc Việt Nam; được các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận thông qua công tác dự báo, cảnh báo góp phần giảm thiểu thiệt hại thiên tai, phát triển KT-XH, QP-AN, khai thác bền vững TN&MT. Trong thời gian tới, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành KTTV sẽ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang và tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó với khẩu hiệu hành động “Thống nhất - Chính xác - Liên tục - Tin cậy - Kịp thời”.
TS. HOÀNG ĐỨC CƯỜNG
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn