Nắng nóng cùng cực thách thức khả năng sống sót ở Ấn Độ, Pakistan
03/05/2022TN&MTĐợt nắng nóng ở Ấn Độ và Pakistan đang "thách thức giới hạn khả năng sống sót của con người".
Ấn Độ đang trải qua những ngày nắng nóng cùng cực.
Nhiệt độ tại các khu vực của Ấn Độ và Pakistan trong những ngày gần đây đã lên tới mức kỷ lục, khiến cuộc sống của hàng triệu người gặp nguy hiểm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng khí hậu trên khắp tiểu lục địa.
Theo dự báo thời tiết của Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), nhiệt độ tối đa trung bình ở vùng tây bắc và miền trung Ấn Độ trong tháng 4 đạt mức cao nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận cách đây 122 năm, lần lượt là 35,9 và 37,78 độ C.
Theo CNN, tháng trước, New Delhi chứng kiến bảy ngày liên tiếp trên 40 độ C, cao hơn 3 độ so với nhiệt độ trung bình của tháng 4. Ở một số bang, nắng nóng đã đóng cửa các trường học, làm hư hại mùa màng và gây áp lực lên nguồn cung cấp năng lượng.
Theo dữ liệu của Cục Khí tượng Pakistan (PMD), làn sóng nắng nóng cũng đã được cảm nhận ở nước này, nơi các thành phố Jacobabad và Sibi ở tỉnh Sindh phía đông nam đã ghi nhận mức cao nhất là 47 độ C vào ngày 29.4. Theo PMD, đây là nhiệt độ cao nhất được ghi nhận tại bất kỳ thành phố nào ở Bắc bán cầu vào ngày hôm đó.
"Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Pakistan trải qua cái mà nhiều người gọi là năm không có mùa xuân" - Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu Pakistan, Sherry Rehman cho biết trong một tuyên bố.
Người dân Pakistan tìm cách giải nhiệt, ngày 29.4.2022.
Nhiệt độ ở Ấn Độ dự kiến sẽ cải thiện một chút trong tuần này với nhiệt độ tối đa trên khắp vùng tây bắc Ấn Độ dự kiến sẽ giảm từ 3 đến 4 độ C. Nhiệt độ ở Pakistan cũng được dự báo sẽ gần với mức trung bình - khoảng 40 độ C - vào cuối tuần này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ gây ra các đợt nắng nóng thường xuyên hơn và kéo dài hơn, ảnh hưởng đến hơn 1 tỉ người trên khắp 2 quốc gia.
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Ấn Độ nằm trong số các quốc gia được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu.
"Đợt nắng nóng này chắc chắn là chưa từng có" - Tiến sĩ Chandni Singh, tác giả chính và nhà nghiên cứu cấp cao của IPCC tại Viện Định cư Con người Ấn Độ cho biết.
"Chúng tôi đã thấy sự thay đổi về cường độ, thời gian xuất hiện và thời lượng nắng nóng. Đây là điều mà các chuyên gia khí hậu đã dự đoán và nó sẽ có những tác động lớn đối với sức khỏe", ông nói.
Mất mùa
Ấn Độ thường trải qua các đợt nắng nóng trong những tháng mùa hè của tháng 5 và tháng 6, nhưng năm nay nhiệt độ bắt đầu tăng vào tháng 3 và tháng 4.
Ở bang Punjab - được mệnh danh là "vựa bánh mì của Ấn Độ" - nắng nóng gây căng thẳng không chỉ đối với hàng triệu công nhân nông nghiệp, mà còn đối với những cánh đồng lúa mì mà họ dựa vào để nuôi gia đình và bán trên khắp đất nước.
Gurvinder Singh, giám đốc nông nghiệp ở Punjab, cho biết mức tăng nhiệt độ trung bình lên tới 7 độ C trong tháng 4 đã làm giảm sản lượng lúa mì. Singh nói với CNN: “Do đợt nắng nóng, chúng tôi đã mất hơn 5 tạ mỗi ha năng suất trong tháng 4".
Sông Yamuna ở New Delhi, Ấn Độ cạn kiệt hôm 1.5.2022.
Trường học đóng cửa và cắt điện
Ở một số vùng của Ấn Độ, nhu cầu sử dụng điện đã dẫn đến tình trạng thiếu than, khiến hàng triệu người không có điện tới 9 giờ mỗi ngày.
Tuần trước, dự trữ than tại 3 trong số 5 nhà máy điện mà New Delhi dựa vào để cung cấp điện đã rơi xuống mức cực kỳ thấp, dưới 25%, theo Bộ Điện lực Delhi.
Một quan chức cấp cao của Bộ Đường sắt nước này nói với CNN rằng Ấn Độ đã hủy hơn 650 chuyến tàu chở khách từ cuối tháng 5 để dọn đường cho nhiều chuyến tàu chở hàng hơn khi nước này cố gắng bổ sung lượng than dự trữ tại các nhà máy điện.
Đường sắt Ấn Độ là nhà cung cấp than chính cho các nhà máy điện trên khắp đất nước.
Một số bang của Ấn Độ, bao gồm Tây Bengal và Odisha, đã thông báo đóng cửa trường học để đối phó với tình trạng nhiệt độ tăng cao.
Trong những năm gần đây, cả chính phủ liên bang và tiểu bang đã thực hiện một số biện pháp để giảm thiểu tác động của sóng nhiệt, bao gồm đóng cửa các trường học và ban hành lời khuyên sức khỏe cho công chúng.
Nhưng theo Thủ hiến Tây Bengal Chandni Singh, cần phải làm nhiều hơn nữa để chuẩn bị cho những đợt nắng nóng trong tương lai.
"Đợt nắng nóng này đang thử thách giới hạn khả năng sống sót của con người" - bà Chandni Singh cho hay.
Theo laodong.vn