Năng lượng tái tạo từ công trình thủy nông
05/11/2024TN&MTTừ đầu thế kỷ 20, tại Việt Nam nhiều công trình thủy nông đã được xây dựng bởi người Pháp nhằm phát triển hệ thống nông nghiệp và kiểm soát nguồn nước.
Công trình đập dâng Đô Lương, Nghệ An
Trải qua nhiều thập kỷ, những công trình này không chỉ tiếp tục phát huy tác dụng trong tưới tiêu, cấp nước sinh hoạt mà còn mở ra những tiềm năng về năng lượng tái tạo.
Dự án thủy điện tại đập dâng Bara Đô Lương (Nghệ An) và thủy điện thân thiện với môi trường tại đập dâng Đồng Cam (Phú Yên) là hai thí dụ điển hình cho việc tận dụng hiệu quả các giá trị bị lãng quên từ những công trình này, không chỉ là thủy lợi mà còn tận dụng phát điện, thúc đẩy du lịch, gắn liền với xây dựng nông thôn mới.
Biến hồ chứa thủy lợi thành thủy điện
Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, các công trình thủy nông lịch sử đang được nhìn nhận không chỉ từ góc độ nông nghiệp mà còn từ tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Tương lai của ngành năng lượng Việt Nam có thể sẽ chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ với các dự án thủy điện nhỏ và thân thiện với môi trường được triển khai dựa trên hạ tầng thủy lợi cũ. Đây là hướng phát triển bền vững, vừa bảo tồn giá trị di sản, vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng và phát triển kinh tế-xã hội.
Thực tế đã chứng minh, công trình thủy lợi Đập Bái Thượng (Thanh Hóa) đã được khai thác hiệu quả bằng việc kết hợp với xây dựng khai thác Thủy điện Bái Thượng; công trình Nhà máy thủy điện Ngàn Trươi được xây dựng trên công trình thủy lợi Ngàn Trươi-Cẩm Trang (Hà Tĩnh). Đây là những thí dụ điển hình về việc sử dụng tài nguyên nước bền vững.
Các dự án như Thủy điện Đồng Cam, Thủy điện Đá Hàn, Thủy điện Đô Lương,... cũng là những dự án đang được triển khai, hướng đến khai thác hiệu quả nguồn nước, sản xuất năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường và bảo đảm nguồn nước cho nông nghiệp, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của đất nước.
Để khai thác tiềm năng bị lãng quên, mới đây, tỉnh Nghệ An đã kiến nghị Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch dự án Thủy điện Đô Lương, dự án tận dụng nước thừa tại Bara Đô Lương để phát điện. Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cơ điện xây dựng Lê Văn An cho biết, đặc điểm chính của dự án này là khai thác nguồn nước thừa từ hệ thống thủy nông, dẫn qua các tua-bin để phát điện mà không ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên, cũng không ảnh hưởng đến chức năng thủy nông của đập.
Điều này không chỉ giúp tận dụng nguồn năng lượng sạch mà còn giảm áp lực nước qua đập dâng, từ đó tăng cường an toàn cho công trình. Với việc không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến môi trường, không yêu cầu di dân hay phá vỡ các hệ sinh thái, dự án này được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển thủy điện thân thiện với môi trường.
Còn tại tỉnh Phú Yên, dự án phát triển thủy điện thân thiện với môi trường tại đập dâng Đồng Cam cũng tương tự. Nước chảy vào hệ thống Thủy nông Đồng Cam chỉ hơn 800 triệu mét khối trong tổng lượng nước hằng năm chảy về phía đập dâng Đồng Cam là trên 10 tỷ mét khối. Lượng nước thừa chảy tràn qua đỉnh đập về sông chảy ra biển là rất lớn.
Thủy điện Đồng Cam sẽ sử dụng một phần lượng nước này dẫn qua tua-bin để phát điện. Không chỉ vậy, dự án còn tạo thêm một bậc nước chảy qua đập cao su, kết hợp với kiến trúc mang phong cách Pháp tại khu vực nhà máy.
Cảnh quan được cải tạo nhằm mục đích phát triển du lịch xanh, hòa quyện giữa lịch sử, tạo hình nước và kiến trúc, góp phần đưa khu vực này trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Mặc dù vẫn còn những lo ngại liên quan đến điều tiết nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn khi triển khai dự án; tuy nhiên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cơ điện xây dựng Lê Văn An khẳng định, dự án sẽ không ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất lẫn sinh hoạt của người dân trong vùng.
Tiềm năng du lịch
Hệ thống thủy nông Đồng Cam từ lâu đã được xem là “trái tim” của ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên, cung cấp nước tưới cho hơn 19.000 ha đất canh tác. Tuy nhiên, với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, nhất là yêu cầu về năng lượng sạch, việc tận dụng tiềm năng thủy điện của khu vực này đã trở thành một hướng đi tất yếu.
Thay vì chỉ tập trung vào sản xuất điện như các dự án thông thường, dự án thủy điện tại Đồng Cam được thiết kế theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến dòng chảy tự nhiên cũng như sinh kế của người dân địa phương.
Dự án sẽ xây dựng một đập cao su ở cách thượng lưu đập dâng Đồng Cam khoảng 2 km. Đây là công nghệ tiên tiến cho phép điều chỉnh linh hoạt mực nước, bảo đảm hành lang thoát lũ tự nhiên; do vậy, không cần phải di dân hay lo ngại về tình trạng ngập lụt, giúp bảo vệ cuộc sống của người dân ven sông.
Bên cạnh nước chảy qua đập cao su, phần còn lại sẽ được dẫn qua đường hầm tới nhà máy thủy điện đặt ở hạ lưu đập dâng, tạo ra nguồn điện ổn định. Nước được trả lại nguyên vẹn về dòng sông Ba mà không ảnh hưởng đến các hoạt động tưới tiêu và sinh hoạt của người dân.
Điểm nổi bật của dự án thủy điện Đồng Cam chính là việc tận dụng tiềm năng du lịch. Nhà máy thủy điện sẽ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Pháp, kết hợp giữa vẻ đẹp cổ điển và công nghệ hiện đại.
Điều này không chỉ làm tăng giá trị thẩm mỹ của khu vực mà còn thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về sự kết hợp độc đáo giữa thủy lợi, thủy điện và kiến trúc. Ngoài ra, khu vực dự án sẽ được thiết kế để phát triển du lịch sinh thái. Đây là cơ hội để Phú Yên không chỉ phát triển kinh tế từ năng lượng mà còn từ du lịch, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Theo Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cơ điện xây dựng Lê Văn An, những dự án thủy điện tại Bara Đô Lương và Đồng Cam mở ra cơ hội mới cho các công trình thủy nông lịch sử của Việt Nam. Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và chính sách phát triển năng lượng tái tạo, các công trình này không chỉ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc tưới tiêu mà còn được nâng cấp để khai thác năng lượng sạch.
Theo nhandan.vn