Năng lượng sạch: Cần nhưng không dễ
28/03/2024TN&MTViệc đầu tư cho năng lượng sạch mang đến nhiều lợi ích về môi trường và đời sống nhưng đang gặp nhiều trở ngại và không dễ để khởi động một dự án mới.
Trang trại gió và điện mặt trời tại làng Sprakebuell, phía Bắc nước Đức. Nguồn: AP.
Mang lại sức sống mới
Những cơn gió thổi qua vùng nông thôn phía Bắc nước Đức mang đến nhiều điều cho ngôi làng Sprakebuell, nhưng có lẽ tốt nhất là tiền từ việc bán điện được tạo ra bởi các tuabin gió trên những cánh đồng xanh bằng phẳng trải dài ra Biển Bắc. Bằng sự đầu tư của mình, một phần lợi nhuận sẽ được chuyển đến tay người dân địa phương, khiến vùng nông nghiệp lộng gió gần biên giới với Đan Mạch trở thành nơi trưng bày những cách thức thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, thật không dễ dàng khi những cơn gió ngược từ nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch như lãi suất cao và lạm phát đang cản trở khoản đầu tư tốn kém vào năng lượng gió, mặt trời và các dạng năng lượng sạch khác.
Điều đó đang làm chậm sự tăng trưởng về năng lượng tái tạo cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu, cũng như cần phải tăng tốc để đáp ứng mục tiêu đầy tham vọng đạt được tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc nhằm tăng cường năng lực năng lượng sạch.
Làng Sprakebuell đã có được sức sống mới và thêm thịnh vượng nhờ năng lượng tái tạo. Tuy nhỏ nhưng một số hoạt động của thị trấn này lại đưa ra những bài học có thể gây tiếng vang trên toàn cầu. Cổ tức từ các trang trại gió thuộc sở hữu của công dân không làm cho người nhận trở nên giàu có. Thay vào đó, tiền là một thứ gì đó bổ sung, một vùng đệm tài chính.
“Điều này rất quan trọng vì nó mang lại cho chúng tôi sự tự do nhất định. Giá sữa dao động mạnh, nhưng thu nhập ổn định hơn từ các trang trại gió là thứ mà chúng tôi có thể dựa vào và có thể sử dụng để lập kế hoạch tương lai” - cô Astrid Nissen, người cùng chồng quản lý một trang trại bò sữa ở ngoại ô ngôi làng, cho biết.
Các tua-bin gió đóng góp khoảng 400.000 euro (hơn 432.000 USD) tiền thuế mỗi năm. Số tiền đó đã chi trả cho một sân chơi mới, một con đường dành cho xe đạp và thậm chí cả những buổi học piano miễn phí cho trẻ em ở Sprakebuell.
Nhiều rào cản
Tuy nhiên, khi đề cập đến các dự án mới, một loạt các rào cản toàn cầu nổi lên như chi phí vay cao hơn khiến việc cấp vốn cho các dự án trở nên tốn kém, giá cao và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn đối với tua-bin và cánh quạt gió, cũng như sự phản kháng đối với các trang trại gió.
Việc tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và các tổ chức khác khiến các nhà kinh tế tại Đại học College London đưa ra cảnh báo về “thiệt hại tài sản thế chấp xanh” và gọi chi phí đi vay cao nhằm chống lạm phát là “tin khủng khiếp cho quá trình chuyển đổi xanh”.
Công ty tư vấn Wood Mackenzie nhận thấy rằng, năng lượng sạch đã chứng kiến một trong những năm khó khăn nhất trong lịch sử ngắn ngủi với việc các chính phủ ở Đức, Tây Ban Nha, Anh và Italy… kêu gọi tăng thêm công suất phát điện nhưng chưa được đáp ứng.
Tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn đối với các quốc gia có thu nhập thấp như ở châu Phi - nơi chi phí vay cho khoản đầu tư ban đầu cần thiết cho năng lượng tái tạo đã cao và thậm chí còn tăng hơn nữa.
Lãi suất cao cản trở năng lượng tái tạo nhiều hơn so với các dự án nhiên liệu hóa thạch. Hầu hết chi phí cho năng lượng tái tạo đều tính trước vào giá mua tua-bin gió hoặc tấm pin mặt trời, trong khi chi phí vận hành chúng trong tương lai là không đáng kể, bởi gió thổi và nắng chiếu miễn phí. Điều đó làm cho chi phí vay trở thành một yếu tố quan trọng hơn nhiều trong việc liệu dự án có sinh lời hay không.
Ngược lại với nhiên liệu hóa thạch, xây dựng một nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên tương đối rẻ hơn, trong khi chi phí thực tế lại đến sau khi mua khí đốt. Trên hết là lạm phát, đã làm tăng chi phí xây dựng cơ sở vật chất và tình trạng thiếu thiết bị do chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn.
Đó là một số lý do mà công ty Orsted của Đan Mạch đã viện dẫn khi hủy bỏ 2 cơ sở lắp đặt hệ thống gió lớn ngoài khơi New Jersey. Công ty tiện ích Vattenfall của Thụy Điển cũng đã tạm dừng một dự án ngoài khơi ở Anh.
Ở châu Phi cận Sahara, nơi một nửa dân số không được tiếp cận điện, các dự án tái tạo thậm chí còn phải đối mặt với những thách thức lớn hơn về mặt tài chính. Với nhiều ánh nắng mặt trời, năng lượng mặt trời là một lựa chọn hiển nhiên, nhưng 1,2 tỷ người ở châu Phi chỉ có 1/5 năng lượng mặt trời so với nước Đức nhiều mây.
Chi phí đi vay ở châu lục cao hơn nhiều so với các nước giàu, trong khi trợ cấp của chính phủ không chắc chắn do những biến động chính trị và các quốc gia đã ngập trong nợ nần.
Ở Nigeria - nơi mất điện là chuyện xảy ra hàng ngày đối với khoảng một nửa trong số 213 triệu dân của đất nước, khoảng 14 dự án năng lượng mặt trời đã bị đình trệ vì không đủ tài chính. Chính phủ đã thận trọng với các bảo lãnh tín dụng của Ngân hàng Thế giới để đảm bảo các dự án có thể được cấp vốn, đồng thời lo ngại về việc phải trả tiền điện ngay cả khi lưới điện không thể cung cấp điện.
“Nhưng nếu không có điều đó, không ai sẽ phát triển hoặc tài trợ cho một dự án với sự trợ cấp của chính phủ vì nó có thể cạn kiệt” - ông Edu Okeke - Giám đốc điều hành của công ty năng lượng Azura, một bên liên quan trong dự án năng lượng mặt trời Nova ở bang Katsina phía bắc Nigeria, cho biết.
Những cơn gió ngược từ nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch như lãi suất cao và lạm phát đang cản trở khoản đầu tư tốn kém vào năng lượng gió, mặt trời và các dạng năng lượng sạch khác. Điều đó đang làm chậm sự tăng trưởng về năng lượng tái tạo cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu.
Theo daidoanket.vn