Nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông
03/10/2023TN&MTCông tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, bảo đảm môi trường cho người dân và khu dân cư, ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Đắk Nông.
Đa số các địa phương tại tỉnh Đắk Nông đã có bãi xử lý rác thải được quy hoạch theo quy định
Cụ thể, để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện có hiệu quả vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt, tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai như: Quyết định số 1593/QĐ-UBND ngày 8/10/2018 về phê duyệt Kế hoạch triển khai công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 846/QĐ-UBND, ngày 13/5/2022 về bộ đơn giá công ích đô thị trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 51/2022/QĐ-UBND, ngày 23/12/2022 quy định quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông;....
Các đơn vị, doanh nghiệp tại Đắk Nông cũng đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư mua phương tiện thu gom chuyên dụng nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt cho người dân
Cùng với đó, công tác tuyên truyền về quản lý chất thải rắn sinh hoạt cũng được quan tâm, đẩy mạnh, nhờ đó nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về chất thải rắn được nâng lên. Hằng năm, tỉnh Đắk Nông đã ban hành các danh mục kêu gọi đầu tư đối với nhà máy xử lý rác thải; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện cũng đã được lồng ghép quy hoạch vị trí nhà máy xử lý rác thải; các chủ đầu tư, cơ sở dịch vụ vệ sinh môi trường đã và đang từng bước xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn nói chung.
Đến nay, đã có Nhà máy xử lý rác thải tại thôn 1, xã Cư Knia, huyện Cư Jút của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Thương mại Trường Sơn đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm và sẽ đi vào vận hành chính thức trong thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn; nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại thành phố Gia Nghĩa đang hoạt động ổn định, xử lý với hàng chục tấn rác/ngày; một số nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt quy mô lớn cũng đã được phê duyệt quy hoạch, chủ trương đầu tư đang trong giai đoạn triển khai tại huyện Đắk R’lấp và Đắk Min...
Những khu vực có mật độ dân cư thưa thớt không thể tổ chức thu gom rác thải tập trung, người dân đã góp tiền thuê phương tiện vận chuyển rác thải sinh hoạt về bãi tập kết để xử lý
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Đắk Nông hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù tỉnh Đắk Nông đã ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải rắn. Tuy nhiên, số lượng dự án xây dựng nhà máy, khu xử lý chất thải rắn tập trung được triển khai thực hiện trong thời gian qua chưa đạt kết quả mong đợi. Nguyên nhân do các dự án xử lý chất thải rắn thường cần số vốn lớn để đầu tư, trong khi chính sách vay vốn từ các nguồn vốn ưu đãi là rất ít, nguồn hỗ trợ từ cơ chế, chính sách chưa đáp ứng được hài hòa về lợi ích kinh tế để khuyến khích và thu hút nhà đầu tư.
Công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương, đơn vị liên quan chưa được thực hiện một cách thống nhất, hiệu quả, đặc biệt trong công tác báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu và thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện. Cơ chế phối hợp thực hiện đầu tư xây dựng các dự án xử lý chất thải rắn tập trung mang tính chất liên vùng chưa được xây dựng, thực hiện.
Việc xử lý rác thải hiện nay tại Đắk Nông chủ yếu là chôn lấp phân hủy và đốt cháy lộ thiên nên còn ảnh hưởng đến môi trường, và đời sống dân cư khu vực lân cận
Nguồn thu chính là phí vệ sinh và ngân sách Nhà nước bù đắp một phần nên việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Tính hấp dẫn của các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa cao, do thường đòi hỏi vốn lớn, thời gian thực hiện dài, thu hồi vốn khó khăn, trong khi Nhà nước chưa có cơ chế thực hiện cụ thể, rõ ràng về ưu đãi, khuyến khích, tính toán thu hồi vốn phức tạp... Vì vậy, các nhà đầu tư ít quan tâm đến đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn.
Hầu hết công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay là chôn lấp thông thường; Công nghệ xử lý chất thải rắn hiện nay trên địa bàn tỉnh và trong cả nước nói chung chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng công nghệ và tiêu chí lựa chọn thiết bị, công nghệ xử lý các loại chất thải rắn phù hợp với địa phương để áp dụng.
Hoạt động tái chế chất thải còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền. Công tác báo cáo, tổng hợp và xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về quản lý chưa được thực hiện đồng bộ, thống nhất, từ cấp tỉnh đến cấp huyện và thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành. Nhiều chỉ tiêu thống kê về quản lý chưa được thực hiện đầy đủ. Sự tham gia của cộng đồng và nhận thức của xã hội về quản lý chất thải rắn sinh hoạt chưa cao, dẫn đến việc thực thi chính sách, pháp luật về chất thải rắn còn chưa nghiêm, chưa đạt hiệu quả cao...
Có những bãi xử lý rác thải quy hoạch đã rất lâu nên không còn phù hợp, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe khiến người dân phản ứng trái chiều
Trong thời gian tới, ngoài việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật được giao, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông tiếp tục phối hợp các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Gia Nghĩa thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, góp phần tiết kiệm được tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý rác thải. Tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển đúng quy cách sẽ giúp giảm 50% lượng rác cần thu gom, vận chuyển và đơn giản hóa việc tổ chức phương tiện; tăng khả năng thu hồi tài nguyên cũng như nâng cao hiệu quả xử lý của các công nghệ xử lý tiếp theo.
Ngoài ra, hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn còn giúp hình thành ý thức của mỗi cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông sẽ tham mưu tỉnh này Ban hành hướng dẫn phân loại rác tại nguồn phù hợp với điều kiện địa phương; bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phân loại rác thải tại nguồn để triển khai theo lộ trình quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020; góp phần vào xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng nhằm tiết kiệm tài nguyên, hạn chế gây ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra.
Rác sau khi được thu gom, tập kết về chỉ được xử lý bằng biện pháp chôn lấp thủ công, chưa bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường theo quy định
Tham mưu xây dựng trình tỉnh Đắk Nông ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm đầu tư nhà máy xử lý rác thải tại tỉnh theo quy hoạch được duyệt.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường, chủ động triển khai các biện pháp xử lý rác thải bảo đảm vệ sinh môi trường; tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm quản lý rác thải phát sinh, tạo sự đồng thuận của nhân dân, không để xảy ra các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý chất thải rắn đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý nhà nước đối với chất thải rắn, việc tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải rắn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý chất thải rắn theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.
Xây dựng các mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn; thành lập các tổ chức hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, quản lý con người, tài sản, có sự đầu tư mua sắm xe chuyên dụng, xe đẩy thu gom rác để mở rộng địa bàn, nâng cao tỷ lệ thu gom. Cải tạo, xử lý các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm do chất thải rắn bảo đảm yêu cầu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020...
Theo nhandan.vn