Nâng cao hiệu quả quản lý ngành tuyển khoáng Việt Nam trong Thế kỷ XXI
09/12/2021TN&MTHiện nay, ngành công nghiệp tuyển và chế biến khoáng sản Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng cũng có cơ hội tốt để phát triển. Do đó, các nhà máy tuyển khoáng cần có những cải tiến đột phá về thiết kế, công nghệ và thiết bị, để đáp ứng được những yêu cầu trong thời đại mới. Các nhà hoạt động trong lĩnh vực tuyển và chế biến khoáng sản cần nỗ lực nghiên cứu, đưa ra các giải pháp tối ưu cải thiện hoạt động của nhà máy nhằm đảm bảo các yêu cầu về an toàn, nhu cầu thị trường, chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Đối mặt với nhiều thách thức
Trong vài năm gần đây, ngành công nghiệp khai khoáng (CNKK) Việt Nam bắt đầu gặp nhiều khó khăn. Giá bán quặng tinh thấp, giá thành khai thác chế biến tăng, công nghệ lạc hậu và quản lý có phần yếu kém đã làm cho nhiều công ty khai khoáng làm ăn thua lỗ. Bởi vậy, các công ty hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng và chế biến khoáng sản buộc phải cắt giảm chế độ tiền lương và các phúc lợi xã hội của người lao động, giảm biên chế, giảm số giờ làm việc, không tuyển lao động mới,… nhằm duy trì sản xuất, vô tình đã đẩy một lượng lớn lao động có tay nghề cao phải chuyển công tác hoặc nghỉ chế độ trước thời hạn,… Đồng thời, nhiều công ty không có nhu cầu tuyển lao động mới, nên số lượng sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành nghề giảm; môi trường làm việc nặng nhọc, vất vả nhưng thu nhập thấp đã làm cho ngành CNKK và chế biến khoáng sản không thu hút được thí sinh đăng ký học nghề cũng như học cao đẳng và đại học.
Trong tương lai, quặng nguyên khai ngày càng nghèo đi, trong khi yêu cầu về số lượng và chất lượng quặng tinh tiêu thụ ngày càng tăng. Vì vậy, áp lực tăng năng suất quặng nguyên khai và tăng thực thu quặng tinh đối với các nhà máy tuyển là rất lớn. Tuy nhiên, khi tăng năng suất tuyển, một số thiết bị trong nhà máy tuyển làm việc quá tải, làm giảm hiệu quả thu hồi của nhà máy, thậm chí còn gây rối loạn cho sơ đồ tuyển và làm tăng chi phí tuyển; tăng tỷ lệ mất mát các chất có ích vào đuôi thải; làm tăng lượng đuôi thải cần phải xử lý và tuổi thọ các bãi thải giảm,…
Vấn đề tuyển quặng cấp hạt mịn và siêu mịn cũng là một thách thức lớn đối với ngành Tuyển khoáng. Khoáng vật có ích xâm nhiễm càng mịn thì chi phí nghiền càng tăng và hiệu quả thu hồi rất thấp. Ví dụ, mỏ cromit Cổ Định, Thanh Hóa có trữ lượng khoảng 25 triệu tấn Cr2O3; 3 triệu tấn niken; khoảng 300 ngàn tấn coban và khoáng vật bentonit dưới hai dạng: Quặng gốc và quặng sa khoáng. Do giá trị kinh tế cao, loại quặng này đã được nhiều doanh nghiệp khai thác. Tuy nhiên, việc khai thác và tuyển hiện nay còn nhỏ lẻ, quy mô nhỏ, thô sơ, sơ đồ công nghệ tuyển đơn giản nên không tận thu được hết tài nguyên. Do vậy, nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay tại mỏ là tìm kiếm phương pháp làm tăng hiệu quả thu hồi quặng cỡ hạt mịn.
Theo báo cáo của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng lớn về đất hiếm với trữ lượng 11 triệu tấn và được dự báo là 22 triệu tấn. Hiện ở Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng đã thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp trong nước phát triển mạnh mẽ, theo đó một lượng lớn phế thải rắn phát sinh ngày càng lớn. Hiện tại, lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh ở Việt Nam khoảng 30 triệu tấn/năm với tốc độ gia tăng khoảng 10 %/năm. Bên cạnh CTR sinh hoạt, nhiều loại CTR khác cũng đang gia tăng nhanh trong thời gian qua như CTR xây dựng, công nghiệp, y tế, nông nghiệp. CTR xây dựng được ước tính chiếm khoảng 25% khối lượng CTR tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và 12-13% tại các địa phương. Chỉ tính riêng Hà Nội, lượng CTR xây dựng phát sinh khoảng 2.000 tấn/ngày. CTR công nghiệp phát sinh chủ yếu từ các khu, cụm công nghiệp và đạt khoảng 8,1 triệu tấn vào năm 2016. Chất thải nguy hại công nghiệp thường chiếm 15-20% lượng CTR công nghiệp, phát sinh chủ yếu ở các ngành công nghiệp nhẹ, luyện kim, hóa chất. Theo thống kê của chương trình môi trường Liên hợp quốc, mỗi người dân Việt Nam thải ra trung bình 1,3 kg chất thải điện tử năm 2018, tương đương 116.000 tấn.
Theo báo cáo của Viện KHCN Môi trường (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), lượng phát thải tivi ở Việt Nam vào năm 2025 có thể lên tới 250.000 tấn. Lượng chất thải điện tử ở Việt Nam mỗi năm tăng khoảng 100.000 tấn, chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình.
Cơ hội phát triển
Từ những phân tích trên có thể nhận thấy, ngành Công nghiệp chế biến khoáng sản rất có khả năng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động tay nghề cao trong những năm tới. Đồng thời, với thực trạng khai thác quặng ngày càng khó khăn, không tăng được sản lượng, giá thành khai thác tăng, nhiều lao động có kinh nghiệm và tay nghề cao ở thế hệ trước đã nghỉ hưu hoặc sắp bước vào tuổi nghỉ hưu,… Do đó, ngành Tuyển khoáng cần có phương án đào tạo thay thế để giữ lại những kinh nghiệm quý báu của các lao động có tay nghề cao trước khi họ rời khỏi lực lượng lao động. Đặc biệt, cần chú trọng công tác đào tạo nhân viên có khả năng giám sát, điều khiển,… để nhà máy làm việc đúng quy trình kỹ thuật nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà máy. Việc đào tạo cần thực hiện càng sớm càng tốt, vì nếu thiếu kinh nghiệm, thiếu trình độ,… thì sẽ làm cho quá trình sản xuất đối diện với nguy cơ rủi ro và mất an toàn lao động ngày càng cao.
Đồng thời, nhu cầu trong nước đối với hầu hết các khoáng sản thô và tinh dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong những năm tiếp theo của thế kỷ này. Do đó, việc kiểm soát và tái chế các phế thải rắn theo hướng thân thiện với môi trường là nền tảng để phát triển bền vững ngành CNKK và chế biến khoáng sản của Việt Nam. Ngoài ra, phát triển công nghệ tái chế và tái sử dụng phế thải rắn sinh ra trong quá trình sản xuất sẽ góp phần: Tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; giảm suy thoái môi trường; giảm chi phí xử lý lượng phế thải rắn ra môi trường; tăng nguồn cung cấp nguyên liệu khoáng sản cho các ngành công nghiệp. Điều này khẳng định, phát triển công nghiệp tái chế là nền tảng để phát triển bền vững ngành CNKK và chế biến khoáng sản. Đây là nhiệm vụ và là cơ hội để phát triển ngành Tuyển khoáng Việt Nam trong thời gian tới.
Có thể nói, ngành Công nghiệp tuyển và chế biến khoáng sản của Việt Nam trong thời gian qua chưa phát triển đúng với tiềm năng, vị trí và vai trò trong quá trình phát triển KT-XH. Những hiện trạng và thách thức này cần phải được giải quyết ngay để đảm bảo cho ngành công nghiệp này phát triển bền vững và đáp ứng được các yêu cầu về an toàn và sức khỏe cho người lao động; đảm bảo chất lượng sản phẩm; thu hồi tối đa các thành phần có ích vào sản phẩm hàng hóa, chống lãng phí tài nguyên; giảm chi phí tuyển và thân thiện với môi trường,… góp phần phát triển KT-XH, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và an ninh khoáng sản cho đất nước.
Do vậy, những người hoạt động trong lĩnh vực tuyển và chế biến khoáng sản cần tuyên truyền cho các đồng nghiệp, các nhà quản lý,… nhận thấy tầm quan trọng của khoáng sản đối với sự phát triển thịnh vượng kinh tế của đất nước. Trên cơ sở đó, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế điều hành và tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ về tài nguyên, thu hồi các mỏ hoạt động kém hiệu quả, đình chỉ các mỏ sử dụng công nghệ lạc hậu, đầu tư và phát triển công nghệ khai thác - chế biến khoáng sản và tái chế có chiều sâu, đồng thời không ngừng cải tiến, nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới vào thực tế sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quản lý và sử dụng tài nguyên khoáng sản của đất nước.
TS. PHẠM VĂN LUẬN
Đại học Mỏ - Địa chất