Nâng cao chất lượng môi trường nước mặt các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Srêpốk
10/11/2023TN&MTNgày 10/11, tại Đắk Lắk, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Srêpốk”. Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến chủ trì Hội thảo.
Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định và Kiểm định tài nguyên nước (Cục Quản lý tài nguyên nước) cho biết, phạm vi thực hiện của nhiệm vụ Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải (SCT) các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Srêpốk gồm 10/15 sông, bao gồm: Srêpốk, Ea Krông Nô, Da R'Mang, Đa N'hong, Ea Ndrich, Đắk Klau, Đắk Ki Na, Đắk KRông, Đắk Na và Đắk Đăm.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý TNN Nguyễn Minh Khuyến phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã phát biểu, trao đổi ý kiến về các nội dung liên quan đến quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Srêpốk nhằm cụ thể hóa các nội dung về kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đã được quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đối với lưu vực sông Srêpốk làm cơ sở để các bộ, địa phương kiểm soát hoạt động xả nước thải vào nguồn nước, bảo vệ chức năng của nguồn nước, quản lý chất lượng môi trường nước mặt theo quy định. Cùng với đó, xác định được mục tiêu, lộ trình, kế hoạch giảm xả thải và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước mặt trên các đoạn sông liên tỉnh thuộc lưu vực sông Srêpốk đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước.
Đối với các sông chưa phê duyệt khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt để kiểm soát hoạt động xả nước thải vào nguồn nước, bảo vệ chức năng của nguồn nước, quản lý chất lượng môi trường nước mặt theo quy định.
Nâng cao trách nhiệm, tổ chức thực hiện việc bảo vệ chất lượng môi trường nước mặt một cách đồng bộ, hiệu quả đảm bảo sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến cho biết, để có cơ sở trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ, đề nghị Trung tâm Thẩm định và Kiểm định tài nguyên nước tổng hợp, tiếp thu và giải trình đầy đủ các ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo. Đồng thời, kết quả thực hiện nhiệm vụ sẽ là cơ sở cho các sở, ngành, địa phương xây dựng lộ trình đến năm 2030 từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt, cải thiện, phục hồi chất lượng nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu cho các mục đích sử dụng nước trên từng đoạn sông.
Thanh Tâm