Mùng 2 Tết, hàng trăm người xếp hàng trước Văn Miếu Quốc Tử Giám để xin chữ đầu năm
02/02/2022TN&MTXin chữ đầu năm là một phong tục truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam. Chiều ngày 2/2, hàng trăm người xếp hàng tại khu Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) để xin chữ đầu năm.
Rất nhiều người đứng trước cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám để làm lễ từ sớm.Con phố Quốc Tử Giám có rất nhiều bạn trẻ đến xin chữ đầu năm.
Xin chữ đầu năm là một phong tục truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam để cầu mong may mắn, bình an và phúc lộc thọ cho bản thân và gia đình. Từ lâu Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành nơi người dân Hà Thành và các sĩ tử thường xuyên đến tham quan, dâng hương, du xuân và đặc biệt xin chữ đầu năm với mong muốn cầu một năm mới bình an.
Thời xưa, để xin chữ người ta sẽ chuẩn bị một lễ nhỏ gồm trầu cau, chè thuốc mang đến nhà thầy đồ để xin chữ. Tùy từng tâm tư nguyện vọng của người xin mà thầy đồ sẽ cho chữ thích hợp. Ngoài cầu mong những điều mình mong muốn, người xin chữ còn muốn xin cái đức độ, tài năng của thầy đồ.
Những người viết chữ đẹp, không chỉ thể hiện sự rèn dũa luyện tập mà còn thể hiện hoa tay khéo léo. Về sau, viết chữ còn được nâng tầm lên thành thư pháp, nhiều người coi chữ viết đẹp như một tác phẩm nghệ thuật.
Ngày xuân, đối với người Việt, là ngày khởi đầu của năm mới, cũng là khởi đầu của mọi sự mới. Chính vì thế, người ta mong muốn bản thân, gia đình có được những điều tốt đẹp, khởi sắc hơn. Tục xin chữ - cho chữ, có lẽ bắt nguồn từ những người hiếu học, trân trọng con chữ đẹp, nên ngày xuân xin về, như xin một thứ phúc lộc may mắn, giỏi giang.
Về sau, phong tục tốt đẹp này càng phổ biến. Chữ xin được thể hiện lời chúc của người viết hoặc mong muốn của người xin, thường là sự an lành, may mắn, thành công, đỗ đạt, con cái đầy nhà.
Theo infonet.vietnamnet.vn