Mực nước sông Mê Kông dự báo xuống thấp kỷ lục, nguy cơ thiếu hụt nước
16/01/2022TN&MTTrong 3 năm qua, các dòng chảy chính của sông Mê Kông đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 60 năm.
Mực nước xuống thấp nhất trong vòng 60 năm
Báo cáo mới có tên "Dòng chảy thấp và tình trạng hạn hán của sông Mê Kông giai đoạn 2019 - 2023" do Ban thư ký Ủy hộ sông Mê Kông (MRC) công bố cho thấy, trong 3 năm qua, các dòng chảy chính của sông Mê Kông đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 60 năm, trong đó năm 2020 là năm khô hạn nhất của lưu vực hạ lưu sông Mê Kông.
Báo cáo nhấn mạnh kể từ năm 2015, chế độ thủy văn đã thay đổi, dòng chảy mùa khô nhiều hơn và dòng chảy mùa mưa giảm do số lượng thủy điện trong lưu vực tăng lên. Đến giai đoạn 2019 - 2021, mọi thứ trở nên đặc biệt khác thường do lượng mưa giảm nhiều và điều kiện khí hậu ngày càng xấu đi.
Các chuyên gia của MRC lưu ý một số yếu tố tích lũy đã dẫn đến sự thay đổi chưa từng có về dòng chảy. Thông thường, mùa gió mùa thường tạo ra một đỉnh lũ duy nhất, nhưng việc tích nước vào mùa mưa ở lưu vực sông Mê Kông đã góp phần trì hoãn tất cả các đợt lũ quan trọng.
Ngoài ra, dòng chảy thấp còn tác động lên dòng chảy ngược vào hồ Tonle Sap (Biển Hồ ở Campuchia) trong mùa mưa, một yếu tố quan trọng trong chế độ thủy văn của cả lưu vực rộng lớn.
Lượng nước về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục thiếu và thấp
Trong khi dòng chảy ngược của năm 2019 gần với mức trung bình, dòng chảy ngược trong các năm 2020 và 2021 đứng ở mức thấp nhất từng ghi nhận. Tổng lượng dòng chảy ngược năm 2020 và 2021 lần lượt là 58% và 51% tổng lượng dòng chảy ngược bình quân trong giai đoạn 2008 - 2021.
MRC nhận định những yếu tố trên kết hợp với nhau gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng thủy sản và nông nghiệp, gây áp lực lên sinh kế của người dân ở khu vực ĐBSCL và đe dọa hệ sinh thái mong manh của lưu vực sông Mê Kông.
Hiện tại ĐBSCL có độ cao trung bình chưa đầy 1m trên mực nước biển. Các nhà khoa học Hà Lan dự báo nếu không có gì sớm thay đổi, phần lớn diện tích vùng châu thổ sẽ nằm dưới mực nước biển vào năm 2050.
Nước về ĐBSCL tiếp tục cạn kiệt
Số liệu quan trắc của MRC cho thấy, tổng lưu lượng lũ năm 2021 qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc khá thấp. Mực nước tại trạm Tân Châu luôn ở mức dưới giá trị trung bình nhiều năm, mực nước lớn nhất trong mùa lũ chỉ đạt 2,73 m (vào ngày 22/10/2021) thấp hơn mức báo động I là 0,8 m.
Mặc dù dòng chảy được bổ sung do lượng mưa cuối mùa tăng ở thượng nguồn, nhưng tổng lượng dòng chảy mùa lũ qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc cũng chỉ đạt 249 tỷ m3, cao hơn khoảng 37 tỷ m3 so với năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm khoảng 40 tỷ m3, tương đương 14%.
MCR cho hay, trong những năm gần đây, sử dụng nước của các quốc gia trong vùng hạ lưu vực có xu thế gia tăng so với trung bình nhiều năm, nguyên nhân chủ yếu do nắng nóng, mưa ít nên nhu cầu sử dụng nước tăng mạnh, đồng thời các quốc gia cũng gia tăng các hoạt động khai thác sử dụng nước trên lưu vực.
Theo đánh giá sơ bộ, trong mùa khô 2022 sử dụng nước tại các quốc gia thượng nguồn vùng hạ lưu vực sông Mê Kông gia tăng: Lào tăng khoảng 5%, Campuchia tăng khoảng 10%, và Thái Lan tăng khoảng 10% so với giá trị sử dụng nước trung bình nhiều năm (giai đoạn 2000 – 2018).
“Việc gia tăng sử dụng nước này sẽ tác động trực tiếp đến giai đoạn kiệt nhất của dòng chảy đến Đồng bằng sông Cửu Long là giai đoạn từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 4, do đó sẽ ảnh hưởng đến tình hình xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian này”- báo cáo của MCR nhận định.
Theo đó, tuy tổng lượng dòng chảy về đến Tân Châu và Châu Đốc trong mùa khô không thấp hơn nhiều so với giá trị trung bình nhiều năm, nhưng trong thời đoạn cuối tháng 2 đến giữa tháng 4 dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ thấp hơn so với giá trị trung bình nhiều năm. Và như vậy, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại có thêm một mùa khô thiếu nước.
Theo anninhthudo.vn