Một số thành tựu cơ bản trong nghiên cứu khoa học và công nghệ biển
09/07/2024TN&MTTrong những năm qua, nhiều hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ biển đã được thực hiện thông qua các nhiệm vụ, đề tài, dự án cấp nhà nước trong khuôn khổ của các chương trình trọng điểm cấp nhà nước, trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học và công nghệ của các bộ, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, các địa phương và các tập đoàn sản xuất. Các kết quả nghiên cứu đã có nhiều đóng góp đáng ghi nhận vào các thành tựu cơ bản.
Phát hiện và làm rõ các đặc trưng cơ bản về điều kiện tự nhiên
Đã tạo dựng hệ thống thông tin/số liệu phong phú về điều kiện tự nhiên, như: các yếu tố hoá học biển, trường nhiệt muối và cấu trúc khối nước, hoàn lưu dòng chảy theo mùa; các vùng nước trồi có ý nghĩa sinh thái và kinh tế cao; các yếu tố thuỷ động lực như sóng, dòng chảy, thuỷ triều, mực nước cực trị,... Trên cơ sở đó, đã làm sáng tỏ các mối tương tác và các quá trình động lực đặc trưng cho vùng biển kín và nhiệt đới gió mùa; cũng như dự báo di biến động của các ngư trường.
Nghiên cứu làm sáng tỏ hình thái, cấu trúc địa chất bờ biển, đáy biển và các đảo, như làm rõ cấu trúc và kiến tạo địa chất đáy biển Việt Nam và Biển Đông; động lực phát triển, tiến hoá trầm tích đáy biển và cấu tạo các bể Kainozoi có tiềm năng dầu khí với loạt bản đồ ở các tỷ lệ khác nhau.
Đánh giá tiềm năng, dự báo triển vọng và định hướng tìm kiếm khoáng sản biển, đặc biệt là dầu khí, băng cháy (đã phát hiện mới các biểu hiện băng cháy ở vùng biển thềm lục địa nước ta); phát triển năng lượng biển (nhiệt, gió, sóng, thuỷ triều và sinh khối,...); tiềm năng sử dụng nước và đất ngập nước ven bờ.
Nghiên cứu hệ thống các hệ sinh thái biển, vùng ven bờ và đảo (nước trồi, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, đầm phá, cửa sông, đảo...), với trên 12.000 loài thuỷ sinh và trên đảo, phân bố của các khu hệ sinh vật, những đặc trưng cơ bản về đa dạng sinh học và một số quá trình sinh học và năng suất sinh học các vùng biển.
Đánh giá bổ sung trữ lượng, phân bố, diễn biến tài nguyên sinh vật biển, đặc biệt nguồn lợi thuỷ sản và nguy cơ đe dọa, như: nguồn lợi đặc sản, các giá trị bảo tồn tự nhiên gắn với phát triển du lịch biển. Nghiên cứu phát hiện các sinh vật biển có các hoạt tính tự nhiên phục vụ cho dược phẩm, hoá phẩm biển có triển vọng mang lại các giá trị tài nguyên mới lớn hơn nhiều các giá trị truyền thống. Có loài được phát hiện mới, bổ sung vào danh mục phân loại trên thế giới. Kết quả nghiên cứu lượng giá kinh tế các hệ sinh thái biển đã thay đổi nhận thức về giá trị tài nguyên biển.
Một số kết quả của các hướng nghiên cứu mới đã cung cấp luận cứ và cơ sở khoa học cho quy hoạch biển và thiết lập các khu bảo vệ biển với các loại hình và giá trị mới khác nhau, góp phần thực hiện một số Công ước quốc tế Việt Nam tham gia, như:
Cơ sở khoa học quy hoạch không gian biển và vùng ven biển (góp phần đưa loại hình quy hoạch mới này vào Luật Quy hoạch 2017), phân vùng quản lý tổng hợp vùng bờ biển, xác định tài nguyên vị thế ở một số khu vực biển đảo, phục vụ lập hồ sơ di sản biển, kỳ quan thiên nhiên biển, công viên địa chất biển (Công ước di sản), vùng biển quan trọng về sinh học và sinh thái học (Công ước Đa dạng sinh học), vùng biển đặc biệt nhạy cảm về môi trường (Công ước MARPOL); quản lý hệ thống Khu bảo tồn biển, Khu dự trữ sinh quyển ven biển - đảo (MAB) và Khu RAMSA Côn Đảo; cùng với các nhà khoa học của một số nước trong khu vực khoanh vi mới một “Tam giác san hô” trong Biển Đông (trung tâm là hệ thống rạn san hô Trường Sa, một đỉnh ở Việt Nam từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận) với số loài gần bằng tổng loài san hô trong “Tam giác San hô quốc tế”,...
Đóng góp cho phát triển kinh tế - dân sinh
Đóng góp nghiên cứu triển khai và ứng dụng vật liệu và xây dựng công trình trong điều kiện biển và đảo, khai thác và vận chuyển an toàn dầu thô; phát triển hệ thống cảng biển nhờ các giải pháp chỉnh trị sa bồi, chọn các phương án luồng, lập kế hoạch bảo vệ môi trường hệ thống cảng.
Góp phần nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ, dự báo ngư trường và di biến động nguồn lợi phục vụ khai thác hải sản; hạn chế khai thác quá mức ven bờ; góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nuôi trồng thủy sản mặn - lợ, như: Cải tạo và bảo vệ môi trường nuôi, xử lý ô nhiễm, công nghệ nuôi, sinh sản nhân tạo, di giống, nhân giống và phát triển một số đặc sản có giá trị cao; góp phần xoá đói giảm nghèo, tạo sản phẩm tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Các kết quả nghiên cứu về hệ thống vũng vịnh, đầm phá, cửa sông và hải đảo đã phục vụ xây dựng chiến lược, tổ chức không gian lãnh hải - lãnh thổ, quy hoạch phát triển tổng thể vùng miền và quy hoạch phát triển các ngành. Nghiên cứu sử dụng vùng đất bồi, đất ngập nước ven biển đã giúp các địa phương quy hoạch sử dụng hợp lý, đạt hiệu quả KT-XH, xoá giảm đói nghèo và phát triển bền vững.
Trong những năm qua, mức độ tăng trưởng GDP của kinh tế biển và ven biển, trong chừng mực nhất định, có phần đóng góp của KHCN biển nói chung và của KHCN chuyên ngành thuộc các lĩnh vực kinh tế biển nói riêng (dầu khí, thủy sản, du lịch, hàng hải,... và các dịch vụ đi kèm).
Đóng góp cho bảo vệ môi trường, tài nguyên biển và các quyền, lợi ích biển
Nhiều công trình nghiên cứu đã phân tích và đánh giá môi trường: Xây dựng các thông số kỹ thuật, các quy trình giám sát và quan trắc; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về môi trường biển, cung cấp cơ sở khoa học cho soạn thảo và ban hành các kế hoạch chiến lược, các quy chuẩn quốc gia bảo vệ TNMT biển. Những nghiên cứu về ô nhiễm biển, nguồn thải, sức tải, tác động, dự báo bằng mô hình là căn cứ để ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm bằng các giải pháp quản lý và công nghệ,...
Nghiên cứu phục vụ giám sát, cảnh báo và ứng phó ô nhiễm, sự cố môi trường biển: Đã ứng dụng và phát triển một số công nghệ cao như viễn thám và hệ thông tin địa lý, các mô hình sinh thái biển, lan truyền ô nhiễm biển, các mô hình tương tác biển - khí; lục địa - biển; sức tải môi trường biển,... Tạo dựng cơ sở và trực tiếp tham gia giải quyết các sự cố môi trường nghiêm trọng, như: sự cố tràn dầu, tràn hóa chất, xả thải và nhận chìm trong biển,...
Đóng góp xứng đáng cho bảo tồn tự nhiên biển, đề xuất mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển; tôn vinh các danh hiệu bảo tồn biển quốc tế và quốc gia; ứng dụng thành công các giải pháp công nghệ trồng phục hồi các rạn san hô, rừng ngập mặn và thảm cỏ biển.
Xác định được nguyên nhân, đánh giá thực trạng, dự báo xu thế và đề xuất giải pháp ngăn ngừa, phòng chống các thiên tai: bão, nước dâng trong bão, ngập lụt, xói lở, sa bồi, xâm nhập mặn, cát chảy,... Một số giải pháp công trình đã được áp dụng thành công tại một số địa phương. Hệ thống cảnh báo động đất và sóng thần trực liên tục đã cảnh báo và phân tích được các trận động đất ≥ 3.5 độ richter xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam.
Các hoạt động khảo sát nghiên cứu trên biển, đảo đã góp phần khẳng định các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông. Các kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý, xã hội về biển, cùng với các nghiên cứu về tự nhiên biển đã trực tiếp hoặc gián tiếp được sử dụng làm cơ sở khoa học để đàm phán, đấu tranh phân định ranh giới trên biển và xác định chủ quyền biển.
Kết quả nghiên cứu cũng góp phần hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện môi trường sống của bộ đội, nhân dân trên các đảo và tăng cường phòng thủ trên các vùng biển - đảo.
Xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học công nghệ biển
Thông qua thực tế nghiên cứu và ứng dụng KHCN biển, đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực KHCN biển của đất nước có bước phát triển mới về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiên cứu. Hàng trăm các cán bộ khoa học thông qua tham gia hoặc sử dụng các kết quả từ các đề tài, dự án nghiên cứu KHCN biển đã bảo vệ thành công luận văn và luận án tiến sĩ. Cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ điều tra - nghiên cứu biển và năng lực một số phòng thí nghiệm trọng điểm ở các cơ quan khoa học biển nước ta cũng đã được tăng cường và cải thiện rõ rệt. Một số tổ chức nghiên cứu biển và hải đảo đã được thành lập mới ở một số bộ, ngành, trường đại học và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, góp phần xã hội hóa công tác nghiên cứu và triển khai ứng dụng KHCN biển.
Hệ thống cơ sở dữ liệu về KHCN biển và tài nguyên và môi trường biển đã được thiết lập và bước đầu phát huy tác dụng với một số đầu mối thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và Bộ TN&MT. Một số ấn phẩm quan trọng đã được công bố như Atlas Quốc gia về Biển; Chuyên khảo biển Việt Nam gồm 3 tập và Atlas Biển Đông và Phụ cận, cùng nhiều chuyên khảo và hàng trăm bài báo khoa học được công bố trong và ngoài nước; hàng trăm báo cáo khoa học được trình bầy và xuất bản trong các kỷ yếu hội thảo, diễn đàn KHCN biển và quản lý biển quốc tế, khu vực và quốc gia. Đó là các kết quả nghiên cứu KHCN tiêu biểu của các đề tài, dự án, nhiệm vụ hợp tác theo nghị định thư thuộc các Chương trình KHCN biển cấp quốc gia, ngành và địa phương.
Bảo tàng Biển tại Viện Hải dương học (Nha Trang) và Viện TN&MT biển (Hải Phòng) với hàng vạn mẫu vật, chủ yếu mẫu sinh vật biển, thu thập gần một thế kỷ trên vùng biển Việt Nam, tiếp tục được bổ sung mới. Đó không chỉ là kho lưu giữ, mà còn là “Thư viện sống” giúp các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, kiến thức về biển và TN&MT biển của đất nước.
Hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về biển được tăng cường
Hoạt động hợp tác quốc tế về biển ở nước ta được bắt đầu từ những năm 22 của thế kỷ trước và liên tục được tăng cường và mở rộng thông qua các hợp tác song phương và đa phương, hình thức và quy mô hợp tác cũng khác nhau. Nhiều dự án hợp tác ngắn hạn, quy mô nhỏ giữa các cơ quan KHCN liên quan tới biển của Việt Nam với các cơ quan khoa học biển thuộc các nước Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Canada, Philipin, Nauy, Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan, Hoa Kỳ, Đức, Bỉ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc,... cũng như các tổ chức/nhà tài trợ quốc tế và khu vực, như: IUCN, WWF, UNDP, GEF, UNEP, CCOP, IOC/UNESCO, ASEAN, WB, ADB, SEAFDEC, PEMSEA, COBSEA, GPA,… Các hợp tác này tập trung điều tra, khảo sát theo mặt cắt ngang Biển Đông, các hệ sinh thái biển, quản lý tổng hợp vùng bờ biển, bảo tồn biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn rùa biển, KHCN thủy sản, bảo vệ môi trường biển, khu vực tiền châu thổ (avan-delta), chính sách biển,... Từ năm 2010, Việt Nam tham gia thực hiện các Sáng kiến “Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF)” với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), “Quản lý tổng hợp vùng bờ vịnh Bắc Bộ - giai đoạn II ở Quảng Ninh - Hải Phòng” với Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA) trong khuôn khổ Hiêp định KHCN liên Chính phủ Việt Nam - Hoa Kỳ,...
Việt Nam cũng đã cử một số nhà khoa học đại diện trong các tổ chức KHCN biển quốc tế và khu vực như: Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF), Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ khu vực Tây Thái Bình Dương (IOC WESTPAC), Tiểu ban KHCN biển ASEAN (SCMSAT), Nhóm công tác ASEAN về Môi trường biển và ven bờ (AWGCME), Nhóm APEC về bảo tồn biển, Tổ chức các đối tác quản lý môi trường biển Đông Á (PEMSEA) và Cơ quan điều phối biển khu vực Đông Á (COBSEA),...
Thông qua các hoạt động HTQT và tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực, các nhà khoa học biển Việt Nam có cơ hội khẳng định được vị thế của mình nhờ những đóng góp, sáng kiến và kết quả điều phối, chia sẻ bài học và kinh nghiệm thực tiễn trong nghiên cứu KHCN và quản lý biển và vùng bờ ở Việt Nam. Đồng thời, tranh thủ đào tạo được nguồn nhân lực trình độ cao, chuyển giao kịp thời các hướng khoa học mới, các công nghệ và công cụ mới trong nghiên cứu KHCN biển và trong khai thác, sử dụng, sản xuất và chế biến các sản phẩm biển của các ngành kinh tế biển, như dầu khí và thủy sản. Kết quả HTQT cũng đóng góp trực tiếp cho công tác quản lý nhà nước về biển, đảo và phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển, giải quyết các tranh chấp trên biển.
Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia các diễn đàn quốc tế, khu vực và đã ký một số tuyên bố chung, như: Tuyên bố Đại dương Manado và Tuyên bố Manila về Quản lý tổng hợp vùng bờ biển và biến đổi khí hậu,... Tháng 5/2020, Chính phủ đã có Quyết định số 647/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.
Trong một thế giới chuyển đổi xanh với vai trò to lớn của biển và đại đương như vậy đòi hỏi các quốc gia biển, đảo, trong đó có nước ta, vì vậy, phải thay đổi tư duy phát triển và đổi mới công nghệ để hướng đến một nền kinh tế biển xanh và phát triển bền vững biển, đảo.
ThS. ĐỖ DOÃN TÚ
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 9 năm 2024