
Một số nội dung cần làm rõ trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
13/09/2023TN&MTĐể hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban soạn thảo cần làm rõ một số vấn đề về nhận thức và khái niệm trong dự thảo Luật. Đồng thời, Dự thảo Luật và các văn bản dưới luật cũng cần đưa ra bộ nguyên tắc thống nhất, công bằng và minh bạch về quyền tiếp cận đất đai.
Ảnh minh họa
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) căn bản đáp ứng được “ý Đảng, lòng dân” thể hiện qua việc dự thảo đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18, 19, 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý, sử dụng đất (SDĐ) đai. Dự thảo Luật đã kế thừa Luật Đất đai năm 2013 và đã sửa đổi, bổ sung nhiều điều, nhiều nội dung theo các góp ý của người dân, doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý và quản trị đất đai; đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới; đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người SDĐ, cũng như hạn chế đến mức thấp nhất các tiêu cực, vi phạm pháp luật trong quản lý và SDĐ.
Dự thảo Luật đã được rà soát, hoàn thiện
Dự thảo Luật đã được rà soát, hoàn thiện các khái niệm tại Điều 3 rõ ràng, dễ hiểu, phổ quát cho các vùng miền; bổ sung giải thích một số cụm từ được sử dụng nhiều lần trong dự thảo Luật để bảo đảm cách hiểu thống nhất. Bổ sung việc áp dụng một số trường hợp theo pháp luật chuyên ngành tại Điều 4 như: Trình tự, thủ tục chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án có SDĐ; việc xác lập, thực hiện hợp đồng, giao dịch dân sự đối với QSDĐ, tài sản gắn liền với đất,... Bổ sung các nguyên tắc SDĐ liên quan đến tài nguyên và giá trị đi kèm với đất tại Điều 6. Chỉnh lý quy định tại Điều 10 làm rõ hơn việc phân loại đất để sử dụng vào các mục đích. Rà soát, hoàn thiện Điều 12 tách các khoản riêng về các hành vi bị nghiêm cấm của cơ quan QLNN và của người SDĐ; bổ sung một số hành vi nghiêm cấm đối với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền khi thực hiện chức năng QLNN của mình.
Dự thảo Luật cũng điều chỉnh quy định Điều 17 theo hướng Thủ tướng Chính phủ ban hành khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đồng thời, làm rõ địa bàn được áp dụng chính sách; sửa đổi quy định tại Điều 20 để đảm bảo vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bổ sung quy định tại Điều 23 tăng cường trách nhiệm của UBND cấp xã trong nhiệm vụ: quản lý đất chưa sử dụng; xác nhận quyền của người SDĐ; tham gia vào quá trình lập, điều chỉnh, công bố, công khai, quản lý QH, KHSDĐ.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung tại Điều 32 quy định người SDĐ đang được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê được lựa chọn chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm và tiền thuê đất đã nộp được khấu trừ vào tiền thuê đất hàng năm phải nộp; bổ sung quy định đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền SDĐ có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì được lựa chọn chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm đối với phần diện tích đó; bổ sung trách nhiệm của Bộ Nội vụ và UBND các cấp trong việc xác định địa giới hành chính trên thực địa, lập hồ sơ địa giới hành chính của địa phương và việc sử dụng, cung cấp hồ sơ địa chính cho công tác quản lý đất đai; bổ sung các quy định về giải quyết tranh chấp địa giới hành chính,...
Một số vấn đề cần làm rõ
Bên cạnh những nội dung đã hoàn thiện, Ban soạn thảo cần làm rõ một số vấn đề về nhận thức và khái niệm trong dự thảo Luật. Cụ thể, về giải thích từ ngữ (Điều 3), tần suất xuất hiện hai từ “đất” (4.655/80.381 lần) và “đất đai” (494/80.381 lần) khá lớn, nên cân nhắc bổ sung hai khái niệm này để tránh nhầm lẫn vì về bản chất “đất” và “đất đai” là khác nhau. Tương tự, từ “nhà nước” xuất hiện với tần suất 627/80.381 lần, cũng nên được giải thích “nhà nước” cụ thể trong ngữ cảnh của Luật Đất đai nghĩa là gì, để toàn dân đều có thể hiểu đúng và cán bộ thừa hành công vụ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ.
Với khái niệm “toàn dân”, toàn dân có nghĩa là phải có “dân” trong đó, quyền của họ ở đâu và đến đâu trong việc quyết định số phận và giá cả tài nguyên đất “toàn dân” và mảnh đất họ đang được giao quyền sử dụng. Vì vậy, dự thảo Luật cần làm rõ quyền của Nhà nước như thế nào, quyền của cộng đồng dân cư địa phương nơi có đất như thế nào, quyền của những người đang SDĐ như thế nào?
Thêm nữa, theo hiến định, “toàn dân” mới là chủ thể nắm quyền sở hữu đất đai, không phải “nhà nước”, nhà nước chỉ được trao quyền quản lý, các khế ước xã hội về việc trao quyền này, cần được thể hiện rõ trong dự thảo luật như thế nào? Hơn nữa, có một thực tế là, có một bộ phận cán bộ trong bộ máy công quyền khi nói đến “quản lý” thường nghĩ ngay tới công cụ hành chính mà không hiểu “quản lý nhà nước” còn bao gồm cả quyền lập pháp và tư pháp; và khi thực thi công vụ, họ phải hiểu là họ đang đứng trước Nhân dân, một bộ phận của “toàn dân”, để có thái độ và cách ứng xử phù hợp.
Có ý kiến cho rằng, “quyền sở hữu” hay “quyền sử dụng” không mấy quan trọng, đó chỉ là vấn đề từ ngữ, đó chỉ là khái niệm; và vì thế, phần nhiều mang tính biểu tượng. Vấn đề là hiệu quả SDĐ cao và xã hội ổn định. Nhưng thực tế trong nhiều năm qua, hiệu quả SDĐ không cao và xã hội có nhiều bất ổn có nguyên do từ quản lý đất đai. Hơn nữa, tính chính danh rất quan trọng, danh chính thì ngôn thuận, nên các khái niệm dù là nhỏ nhất vẫn cần phải được xã hội thông hiểu rõ ràng, được cuộc sống chấp nhận, để được toàn dân hiểu đúng và làm đúng.
Dự thảo Luật và các văn bản dưới Luật cần đưa ra được một bộ nguyên tắc thống nhất, công bằng và minh bạch về quyền tiếp cận đất đai.
Bản chất quyền sở hữu đất đai chính là nền tảng hoạch định chính sách phát triển kinh tế quốc gia. Để hiểu rõ khái niệm này, dự thảo Luật phải quy định rõ ràng và thuyết phục về nhà nước trung ương được làm những gì và không được làm những gì; chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã được làm những gì và không được làm những gì; cơ quan quản lý chuyên ngành nhà nước (Bộ TN&MT và cấp dưới của cơ quan này) được làm những gì và không được làm những gì; và quyền của người dân đến đâu?
Kiến nghị Ban soạn thảo làm rõ “quyền tài sản” và “được pháp luật bảo hộ” về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế (theo Hiến pháp năm 2013) để đạt được sự thông hiểu và đồng thuận của toàn dân, của xã hội.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần phân định rạch ròi giữa chức năng QLNN với chức năng công vụ của các nhiệm vụ cụ thể, hai việc này phải tách bạch và độc lập (tương đối) với nhau, không thể để cùng một cơ quan QLNN về đất đai vừa đá bóng vừa thổi còi. Các vụ vi phạm luật pháp về quản lý đất đai chủ yếu do người dân và báo chí phát hiện, không từ các cơ quan chức năng nhà nước. Sự thiếu rõ ràng của chức năng QLNN và chức năng công vụ của cơ quan và cá nhân thừa hành là một trong các nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện, vi phạm và bất ổn xã hội có liên quan đến đất đai.
Dự thảo Luật và các văn bản dưới Luật cũng cần đưa ra được một bộ nguyên tắc thống nhất, công bằng và minh bạch về quyền tiếp cận đất đai. Nếu có một bộ nguyên tắc được áp dụng thì ít nhất các QSDĐ, các điều kiện trong việc chuyển giao các quyền này và cơ chế giải quyết các xung đột sẽ được đảm bảo nhất quán như nhau giữa những người có QSDĐ, theo một quy trình cho trước và được thực hiện một cách công bằng, minh bạch và không thể thiên vị, diễn giải sai lệch.
GS. TS. TRẦN ĐỨC VIÊN
Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Trích: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 16 (Kỳ 2 tháng 8) năm 2023