Một số đề xuất để phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường
20/01/2024TN&MTTài nguyên và Môi trường là ngành đa lĩnh vực, do đó, nguồn nhân lực cho ngành luôn là vấn đề được Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm và đầu tư. Để đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay, cần thiết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và có những giải pháp, cơ chế đặc thù để phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường.
Năm 2024, nỗ lực để đạt được dấu ấn đột phá về khoa học và công nghệ
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường, đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát triển nhanh về số lượng, trưởng thành một bước về chất lượng và có những đóng góp đáng kể trong sự nghiệp phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Lực lượng cán bộ này đã tham gia tích cực, hiệu quả vào việc nghiên cứu và giải quyết một số vấn đề lớn, quan trọng về khoa học và công nghệ và phát triển các lĩnh vực của ngành Tài nguyên và Môi trường; có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực trong việc xây dựng những luận cứ khoa học đưa ra các quyết sách, hoạch định chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; xây dựng định hướng nghiên cứu phát triển công nghệ và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng góp phần trong sự nghiệp phát triển của Bộ, của ngành. Một số cán bộ đầu ngành còn tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo ở các đơn vị của Bộ, của ngành ở Trung ương và địa phương. Đội ngũ này đã luôn phát huy tốt vai trò và khả năng của mình, không ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành, góp phần quan trọng vào sự đổi mới hoạt động của của Bộ, của ngành.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng, vai trò của khoa học và công nghệ ngày càng quan trọng nhất là trong quá trình phát triển đất nước hiện nay. Với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực điều hành thì các lĩnh vực của ngành TN&MT càng phải thay đổi để theo kịp với thời đại mới.
Năm 2024, dấu ấn mang tính đột phá về khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thu hút đội ngũ tiến sỹ, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia các Hội đồng và trực tiếp nghiên cứu là việc ban hành quy chế quản lý khoa học và công nghệ tại Quyết định số 58/QĐ-BNTMT ngày 8/1/2024, quy chế đã chú trọng rút ngắn, cải tiến các quy định, quy trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đổi mới toàn diện từ bước đề xuất, tuyển chọn, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, nghiệm thu đánh giá với đối tượng thực hiện là cá nhân/tập thể đề xuất, chủ nhiệm đề tài, tổ chức chủ trì, cơ quan quản lý, thành viên Hội đồng đều thực hiện 100% qua môi trường mạng. Bộ nhận phiếu đề xuất trực tuyến qua Hệ thống quản lý khoa học và công nghệ vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, Vụ Khoa học và Công nghệ sẽ định kỳ hàng tháng/hàng quý rà soát các đề xuất để tham mưu trình Lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt thực hiện nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường.
Hệ thống quản lý khoa học và công nghệ của Bộ đã thu hút được 1.060 người tham gia trong đó có nhiều Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ trong và ngoài Bộ. Có thể khẳng định, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường là Bộ đầu tiên thực hiện việc chuyển đổi số toàn diện các quy trình quản lý khoa học và công nghệ trên môi trường mạng, góp phần không nhỏ vào thành tích thay đổi chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp thứ 3/17 trong các bộ, cơ quan ngang bộ.
Ngoài ra, để huy động được trình độ chuyên môn sâu của đội ngũ Tiến sỹ, chuyên gia, nhà khoa học để tư vấn cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ đã xây dựng Cơ sở dữ liệu chuyên gia để các nhà khoa học có thể tham gia tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hoạch định chính sách, tham gia các Hội đồng xét duyệt, đánh giá, nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ này chưa phát huy hết tiềm năng, trí tuệ của mình, Bộ cần sự đóng góp nhiều hơn nữa với chất lượng và hiệu quả cao hơn nữa để phát huy năng lực thực sự của đội ngũ tiến sỹ, chuyên gia, nhà khoa học cho khoa học công nghệ nói riêng và Bộ Tài nguyên và Môi trường nói chung.
Để tiếp tục phát huy tiềm năng, trí tuệ….cần có những giải pháp
Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, lãnh đạo, quản lý đơn vị: Xác định rõ vai trò và sự cần thiết, tầm quan trọng của công tác đào tạo, phát triển đội ngũ tiến sỹ, chuyên gia, cán bộ khoa học công nghệ trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Bộ cần tăng cường công tác đánh giá tiềm lực khoa học và công nghệ của các đơn vị, trên cơ sở đó đề xuất các hướng nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực phù hợp.
Các Viện nghiên cứu hiện nay đang thực hiện cơ chế theo Nghị định 64/NĐ-CP là các Tổ chức khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các Viên nghiện cứu là các Tổ chức khoa học và công nghệ công lập và thực hiện theo Nghị định 54/NĐ-CP. Do đó, các đơn vị cần phải có lộ trình tự chủ. Nhà nước chỉ bảo đảm chi trả một phần đến 2025, sau đó các Viện phải tự chủ. Do đó, các Viện cần xây dựng mô hình và lộ trình tự chủ đảm bảo nhân lực nghiên cứu chủ chốt tại các đơn vị.
Xây dựng, quản lý, tổ chức thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ tiến sỹ, chuyên gia, nhà khoa học ngành Tài nguyên và Môi trường: Tích cực xây dựng quy hoạch phát triển đội ngũ Tiến sỹ, chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Đào tạo, phát triển đội ngũ theo kế hoạch 05 năm và hàng năm và thường xuyên báo cáo Lãnh đạo Bộ để chỉ đạo thực hiện.
Kết quả từ năm 2018 đến năm 2023, Bộ TN&MT đã thực hiện 399 nhiệm vụ nghiên cứu cấp bộ với kết quả nghiệm thu 100% ở mức đạt trong đó 49% đạt mức khá, xuất sắc. Các nhiệm vụ có tính chất lý luận và thực tiễn, đã được các đơn vị tiếp nhận sử dụng hiệu quả.
Xây dựng chính sách nhằm thu hút, trọng dụng đội ngũ Tiến sỹ, chuyên gia, nhà khoa học với các kế hoạch nghiên cứu dài hạn: Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ đội ngũ tiến sỹ, chuyên gia, nhà khoa học; có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng đặc biệt đối với đội ngũ tiến sỹ, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng; xây dựng cơ chế khuyến khích nghiên cứu và phát triển, tăng cường năng lực công nghệ; bổ sung nhân lực khoa học và công nghệ cho Bộ, đặc biệt là các cán bộ đã được làm ở cơ sở như các Viện, Trường Đại học, Trung tâm,…thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ðổi mới công tác tuyển dụng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ tiến sỹ, chuyên gia, nhà khoa học dựa trên những giá trị đóng góp nổi bật trong nghiên cứu khoa học và cải tiến kỹ thuật; có chính sách tiếp tục sử dụng Tiến sỹ, chuyên gia, nhà khoa học trình độ cao đã hết tuổi lao động có tâm huyết và còn sức khoẻ tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thành lập nhóm nghiên cứu mạnh, kết hợp cùng doanh nghiệp nghiên cứu khoa học nhưng cần khắc phục về cơ chế, chính sách trong việc liên hết giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ.
Các đơn vị đầu ngành, các Viện nghiên cứu cần có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ cho Lĩnh vực (5 năm) đặt hàng Bộ Tài nguyên và Môi trường, có thể kết hợp với doanh nghiệp để làm chủ công nghệ hiện đại, phát triển công nghệ trong ngành Tài nguyên và Môi trường hoặc nội địa hóa các công nghệ tiên tiến trên thế giới
Đối với các đơn vị nghiên cứu cần có sự liên ngành, liên lĩnh vực nhằm tiết kiệm ngân sách nhà nước, tránh cùng 1 ý tưởng nhưng thực hiện ở 2 hoặc nhiều lĩnh vực khác nhau dưới nhiều cách tiếp cận khác nhau để thu hút đội ngũ ở nhiều lĩnh vực trong Bộ cùng tham gia nghiên cứu;
Cơ quan nhà nước đặt hàng danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong giai đoạn 5 năm do đó các đơn vị cần xây dựng kế hoạch 5 năm về lĩnh vực quản lý. Cần phải tập trung và phát triển tiềm lực nghiên cứu của các đơn vị để tạo điều kiện để đội ngũ tiến sỹ, chuyên gia, nhà khoa học được sử dụng phương tiện, vật tư, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, cơ sở thực nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ tiến sỹ, chuyên gia, nhà khoa học: Tăng cường, đa dạng hóa các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng: thực hiện việc lồng ghép công tác đào tạo, bồi dưỡng với các hoạt động hợp tác quốc tế, khoa học công nghệ của Bộ; thực hiện đảm bảo quy trình ba khâu: quy hoạch - đào tạo, bồi dưỡng - sử dụng cán bộ; thực hiện có hiệu quả hoạt động đào tạo trên công việc, thực tập vị trí và luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Tiến sỹ, chuyên gia, nhà khoa học cho ngành.
Lựa chọn cán bộ nghiên cứu và giảng dạy, cử đi học nâng cao tại các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín trong nước hoặc nước ngoài; mời các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành về làm việc tại các trường, các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Bộ.
Bổ sung, nâng cấp, xây dựng mới các chương trình đào tạo; bổ sung, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đạt chuẩn chất lượng để đáp ứng nhu cầu đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ Tiến sỹ, chuyên gia, nhà khoa học của ngành.
Xây dựng và triển khai các dự án tăng cường năng lực cho các tổ chức khoa học và công nghệ (các viện, các trường), đảm bảo cơ sở vật chất tốt nhất có thể đáp ứng yêu cầu nghiên cứu của đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học.
Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong xây dựng các đề án đào tạo sau đại học nhằm cung cấp nguồn nhân lực bổ sung, tăng cường cho nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, đảm bảo cơ cấu theo từng lĩnh vực; trong đó, đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao bổ sung cho các lĩnh vực khoa học ưu tiên như địa chất và khoáng sản, đo đạc và bản đồ, quản lý đất đai, biển và hải đảo.
Củng cố, sắp xếp lại và phát triển các cơ sở đào tạo lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên cả nước. Tăng cường năng lực về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ. Đẩy mạnh hợp tác liên kết giữa các viện, các trường trực thuộc Bộ với cơ quan, doanh nghiệp, nhằm đảm bảo các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu ra có địa chỉ ứng dụng.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển nhân lực khoa học và công nghệ: Tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương trong hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm cho đội ngũ tiến sỹ, chuyên gia, nhà khoa học. Thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài (ODA, FDI,…) đầu tư tiềm lực cho các cơ sở đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu khoa học quốc tế.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có đội ngũ tiến sỹ lớn về số lượng, phần lớn được đào tạo bài bản, chuyên môn sâu, với lực lượng trẻ, nhiệt huyết đang làm việc ở các đơn vị, trường đại học và viện nghiên cứu. Tuy nhiên, đội ngũ tiến sỹ hiện nay là giai đoạn chuyển tiếp giữa hai thế hệ cán bộ nghiên cứu, một số cán bộ giàu kinh nghiệm, chuyên gia giỏi được đào tạo tại Nga và các nước Đông Âu không còn công tác tạo nên sự thiếu hụt cán bộ nghiên cứu trình độ cao ở một số lĩnh vực.
Hầu hết các lĩnh vực quản lý của Bộ không có nhiều chuyên gia giỏi ở tầm quốc gia và quốc tế, đặc biệt là các lĩnh vực như viễn thám, biển và hải đảo,…Trong khi đó đội ngũ tiến sỹ trẻ kế cận có trình độ cao nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế, phần lớn được đào tạo trong nước nên điều kiện tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến còn hạn chế. Đội ngũ Tiến sỹ trong các Viện, Trường trực thuộc Bộ về tổng thể chưa đồng đều, chưa có nhiều nhóm nghiên cứu mạnh là những lực lượng chủ đạo, không nhiều Tiến sỹ trẻ tự tin để thực hiện những nhiệm vụ khoa học và công nghệ tầm quốc gia, quốc tế để giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng của ngành trong nhiều lĩnh vực.
TS. Vũ Thị Hằng
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ
Bộ Tài nguyên và Môi trường