Mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn vốn và khoa học - công nghệ khí tượng thủy văn
03/10/2021TN&MTVới đặc thù là một ngành có tính đồng bộ, liên kết chặt chẽ trong và ngoài nước, ngành Khí tượng Thủy văn trong suốt quá trình phát triển luôn coi trọng công tác hợp tác quốc tế. Qua đó, giúp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn, thời tiết, khí hậu có tính liên quốc gia, quốc tế nên một quốc gia đơn lẻ sẽ khó cũng như tranh thủ các nguồn lực để đẩy nhanh sự phát triển của Ngành.
Công tác hợp tác quốc tế (HTQT) của ngành KTTV có sự thay đổi phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Nếu như những năm trước đây, ngành KTTV chỉ mới hình thành được quan hệ hợp tác song phương với các nước XHCN, chủ yếu là Liên Xô (trước đây), Trung Quốc trong lĩnh vực đào tạo và thiết bị KTTV thì sau khi thống nhất nước nhà, quan hệ HTQT đã thực sự bước sang trang sử mới: Toàn diện, đa phương, đa dạng và hiệu quả cao.
Cuối năm 1975, ngành KTTV Việt Nam gia nhập Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và ngay trong năm 1975, 1976 đã đăng ký vào danh sách mạng lưới trạm quan trắc cơ bản của WMO và thực hiện việc phát báo quốc tế đối với 22 trạm khí tượng của mình (trong đó có các Trạm Trường Sa, Hoàng Sa). Từ đó đến nay, Ngành đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ đại diện Việt Nam tham gia các điều ước quốc tế về KTTV được phân công, mở rộng và tăng cường quan hệ quốc tế theo tinh thần: Đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ tối đa nguồn viện trợ để phát triển. Đồng thời, làm tốt nghĩa vụ thành viên trong các tổ chức quốc tế mà mình tham gia, trên cơ sở đó góp phần nâng cao uy tín quốc gia trên trường quốc tế và phục vụ cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước.
Theo hướng đó, trong khuôn khổ WMO, ngành KTTV đã tham gia hầu hết các ban kỹ thuật (khí hậu, thủy văn, KTTV biển, hệ thống cơ sở và nghiên cứu khí quyển), từng bước trở thành thành viên quan trọng của WMO trong các chương trình hợp tác tự nguyện, các chương trình nghiên cứu của WMO tại khu vực Đông Nam Á; tích cực tham gia công tác quản lý và cải tổ hệ thống của WMO tại khu vực châu Á. Đặc biệt, những năm gần đây, các hoạt động trong khuôn khổ Công ước khung về BĐKH, Công ước viên và Nghị định thư Montreal về bảo vệ tầng ô-dôn đã được thực hiện rất tích cực, được WMO và các Tổ chức quốc tế có liên quan đánh giá cao.
Quan hệ với các tổ chức: UNDP, UNEP, UNESO, Ủy ban Bão, Ủy ban Liên chính phủ về Hải dương (IOC), Chương trình Thủy văn quốc tế (PHI),… ngày càng mở rộng với những nội dung hợp tác ngày càng phong phú, đa dạng. Ngành đã thể hiện vai trò chủ động trong các hoạt động chuyên môn cũng như khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thông qua các nhiệm kỳ là Chủ tịch của Ủy ban Bão, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng khu vực II châu Á.
Ngành thực hiện tốt vai trò Phó chủ tịch Hiệp hội Khí tượng khu vực II châu Á, Đại diện thường trực của Tổ chức Khí tượng thế giới tại Việt Nam, tổ chức tham gia các cuộc họp quan trọng của Hội động điều hành RAII. Chủ động kết nối và thực hiện các chương trình trao đổi với WMO thông qua các công cụ họp trực tuyến nhằm chuẩn bị và thực hiện các nhiệm vụ của Việt Nam tại WMO. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của ngành KTTV trên phạm vi quốc tế và khu vực. Thực hiện tốt vai trò đầu mối trong Chương trình dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Đông Nam Á; Chương trình cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á góp phần cung cấp kịp thời các bản tin dự báo hỗ trợ các nước thành viên trong hoạt động dự báo tác nghiệp, tăng cường vai trò của Trung tâm hỗ trợ dự báo khu vực đối với khu vực Đông Nam Á.
Với Ủy ban Bão quốc tế, ngành KTTV hoàn thành tốt vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban Bão năm 2017 và Chủ tịch Ủy ban Bão năm 2018; tổ chức thành công Khóa họp lần thứ 50 của Ủy ban Bão; tổ chức Cuộc hội kiến giữa Tổng Thư ký WMO với Phó Thủ tướng chính phủ; Hội thảo kỹ thuật hưởng ứng thành lập 50 năm Ủy ban Bão và hoạt động tiếp xúc song phương bên lề,... Các sự kiện đều được tổ chức thành công và gây được tiếng vang với các bạn bè quốc tế. Tăng cường năng lực dự báo KTTV và cảnh báo thiên tai thông qua việc tham gia các chương trình nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ và đào tạo chuyển giao công nghệ mới của Ủy ban Bão. Thông qua các hoạt động, Ngành đã được quốc tế đánh giá cao bởi những nỗ lực, cống hiến thông qua việc nhận giải thưởng Kintanar của Ủy ban Bão với những đóng góp cho công tác dự báo, cảnh báo KTTV giảm nhẹ rủi ro góp phần phục vụ phát triển KT-XH khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh, hoạt động hợp tác song phương giữa Tổng cục KTTV Việt Nam và Tổng cục Khí tượng Hàn Quốc đã đạt được những thành tích quan trọng: Dự án “Hiện đại hóa hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV cho Đài KTTV khu vực Đông Bắc” đã được triển khai thành công, tăng cường năng lực cho cơ quan KTTV cấp tỉnh của khu vực Đông Bắc, cụ thể đầu tư, trang bị 25 trạm khí tượng tự động; 25 trạm thủy văn tự động; và thiết bị tính toán cho Đài KTTV khu vực Đông Bắc. Thực hiện hợp tác với Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản JICA và các chuyên gia trong việc triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực đối phó với thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra” sử dụng nguồn vốn viện trợ từ chính phủ Nhật Bản đầu tư xây dựng 2 tháp Radar tại Vinh - Nghệ An và Phủ Liễn - Hải Phòng; cung cấp, lắp đặt 2 thiết bị Radar thời tiết băng sóng S cho 2 tháp Radar; cung cấp, lắp đặt 1 trạm đo gió cắt lớp tại Chí Linh,…Chủ động kết nối với các đầu mối của Tổng cục Khí tượng Trung Quốc, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc trong hợp tác chia sẻ số liệu thủy văn xuyên biên giới; trao đổi thông tin, số liệu KTTV thông qua hợp tác hiệp thương thời tiết nguy hiểm trong mùa mưa bão,… Ngoài việc duy trì, phát triển tốt quan hệ hợp tác truyền thống với Lào, Campuchia, Liên bang Nga và Trung Quốc, Ngành đang mở rộng quan hệ hợp tác với Pháp, Úc, Niu Di Lân, Hà Lan, Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Na Uy. Thông qua HTQT, việc đầu tư xây dựng trang thiết bị, các dự án chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu đã tạo nhiều cơ hội cho ngành KTTV Việt Nam tiếp cận với các công nghệ mới và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần tích cực vào quá trình phát triển và hiện đại hóa. Đồng thời, thông qua các hoạt động HTQT, góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia, Ngành đã có nhiều cố gắng giúp các bạn Lào, Campuchia anh em trong việc đào tạo cán bộ chuyên môn, phát triển mạng lưới trạm KTTV ngay từ những năm khó khăn.
Hiện nay, HTQT của ngành KTTV không ngừng được mở rộng, góp phần đáng kể cho việc tăng cường về kỹ thuật, tài chính, trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ và đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước. Ngành đã thực hiện tốt các hoạt động trong Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH, Công ước Viên và Nghị định thư Montreal về bảo vệ tầng ô-dôn; xây dựng định hướng hợp tác, trao đổi thông tin song phương và đa phương, thiết lập và duy trì hợp tác thường xuyên,... Tham gia tích cực các hội nghị, diễn đàn quốc tế để nâng cao vị thế của quốc gia, đặc biệt tại các Đại hội đồng của WMO, Khóa họp thường niên của Ủy ban Bão; hợp tác với nhiều tổ chức và các nước trên thế giới và khu vực trong lĩnh vực KTTV và môi trường, góp phần đưa Việt Nam phát triển nhanh trên con đường hội nhập.
Có thể nói, ngành KTTV Việt Nam đã tăng cường, chủ động đẩy mạnh HTQT theo chiều sâu để tranh thủ nguồn vốn, công nghệ của các nước tiên tiến hỗ trợ hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc KTTV. Ngành đã khéo léo lồng ghép các hoạt động HTQT đa phương với WMO, tạo thêm nhiều cơ hội nhằm tăng cường năng lực của ngành KTTV cũng như vai trò trong khu vực Đông Nam Á. Các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ của WMO được mở rộng và đẩy mạnh trong cộng đồng ASEAN giúp cho Việt Nam có thêm nhiều cơ hội hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tăng cường năng lực từ WMO và các quốc gia thành viên WMO. Tích cực huy động nguồn lực trong nước và quốc tế hỗ trợ thực hiện kế hoạch hiện đại hóa Ngành; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về KTTV, xây dựng các dự án tăng cường năng lực, hỗ trợ kỹ thuật, tham gia công tác quản lý điều hành của WMO,… Từ đó, nâng cao vị thế vai trò của ngành KTTV trong khu vực và thế giới.
NGUYỄN MẪN
Bộ Tài nguyên và Môi trường