Mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn dựa vào cộng đồng tại Đông Anh
04/07/2024TN&MTTheo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Đông Anh được quy hoạch là đô thị trung tâm của Thủ đô Hà Nội, thành phố thông minh bên bờ Bắc sông Hồng. Huyện đang trong thời kỳ tốc độ đô thị hóa nhanh, kinh tế tăng trưởng ở mức cao. Cùng với tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện đang diễn ra mạnh. Nhưng đi đôi với sự phát triển, thì chất lượng môi trường ngày càng suy giảm, trong đó đặc biệt là ô nhiễm bởi chất thải rắn.Trong thời gian tới nếu không có giải pháp cụ thể và lâu dài sẽ gây ra hậu quả xấu đối với môi trường và con người.
Nhiều khu vực đang có sự ô nhiễm lớn
Tại Đông Anh, thực trạng chất thải rắn sinh hoạt của nhiều hộ gia đình trong khu dân cư bị vứt bừa bãi, chất thải rắn ở cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn xã chưa được thu gom triệt để hay thói quen ném các loại vỏ, chai thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngay bên lề đường, kênh mương…. Nhiều khu vực đang có sự ô nhiễm lớn tập trung như khu vực xã Nguyên Khê (khu công nghiệp Nguyên Khê), khu vực xã Tàm Xá, khu vực xã Việt Hùng, xã Vân Hà, Liên Hà (khu Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ)... Sự ô nhiễm chủ yếu là đất, nước, không khí. Các chất thải công nghiệp, chất hoá học: Thuốc sâu, phân bón, chất thải từ các cụm dân cư chưa có hệ thống thoát nước khoa học, các phế liệu, chất thải rắn, kim loại, cát bụi, khói làm vẩn đục ô nhiễm cả nguồn nước và không khí.
Nhiều khu vực tại Đông Anh đang có sự ô nhiễm lớn như khu vực xã Nguyên Khê, xã Tàm Xá, xã Việt Hùng, xã Vân Hà, xã Liên Hà...
Đông Anh chưa có bãi xử lý chất thải rắn cố định. Trên địa bàn huyện Đông Anh chưa áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện đại để xử lý chất thải một cách triệt để. Sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng trên địa bàn còn yếu và chưa đồng bộ giữa các ban ngành; tỷ lệ thu gom chất thải rắn trên địa bàn huyện mới chỉ đạt 70 - 75%, công nghệ xử lý chất thải rắn chưa đáp ứng được yêu cầu vệ sinh môi trường.
Nhận thức từ hiện trạng trên, đề tài: “Đánh giá mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn dựa vào cộng đồng tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội” được thực hiện để đánh giá hiện trạng mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn (CTRSHN) và đề xuất các biện pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và nhận thức của người dân trên địa bàn huyện Đông Anh.
2 mô hình QLCTRSH nông thôn tại Thị trấn Đông Anh và xã Tàm Xá
Hiện nay, trên địa bàn Huyện đang thí điểm 2 mô hình chủ yếu là phân loại CTRSH tại 22 xã và thị trấn theo phương pháp phát chế phẩm sinh học tại hộ gia đình, nhóm cộng đồng (bằng hố ủ, thùng ủ).
Trong khoảng thời gian từ tháng 9/2023 - 1/2024, đề tài tập trung Đánh giá 2 mô hình QLCTRSH nông thôn tại Thị trấn Đông Anh và mô hình QLCTRSH nông thôn tại xã Tàm Xá, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Cụ thể, tại thị trấn Đông Anh, mô hình quản lý chất thải chủ yếu kết hợp giữa Cộng đồng và Hợp tác xã dịch vụ môi trường. Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn và thu gom định kỳ bởi các tổ đội thu gom tự quản, sau đó được vận chuyển đến các điểm tập kết và xử lý theo quy trình tiêu chuẩn. Tại xã Tàm Xá, mô hình quản lý chất thải áp dụng phương pháp phân loại tập trung tại các cụm dân cư thôn, với sự quản lý của UBND xã. Chất thải được phân loại tại nguồn hay ủ phân hữu cơ tại hộ có vườn sau đó được thu gom và chuyển đến điểm tập kết để ủ phân bón hữu cơ.
Qua việc xây dựng phiếu điều tra đối với 03 đối tượng chính: Cán bộ phụ trách quản lý môi trường (nhà quản lý môi trường), hộ gia đình và công nhân thu gom, vận chuyển; nhìn chung, người dân có mức độ hài lòng trung bình đến cao về lượng rác thải được vận chuyển, nhưng mức độ hài lòng về thời điểm vận chuyển còn khá thấp. Điều này cho thấy dịch vụ vận chuyển rác thải cần được điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu và lịch sinh hoạt của người dân. Do đó, cần tổ chức lại lịch trình thu gom để đảm bảo rác thải được vận chuyển vào thời điểm thuận tiện nhất cho các hộ gia đình.
Cần cải thiện lịch trình và tần suất thu gom
Đề tài đành giá hiện trạng mô hình tổ/đội tự quản thu gom CTRSH hộ gia đình tại huyện Đông Anh cho thấy một số điểm mạnh nhưng cũng tồn tại nhiều thách thức cần giải quyết. Để hoàn thiện mô hình này, cần cải thiện lịch trình và tần suất thu gom, minh bạch hóa quy trình thu phí, tăng cường thông báo và tham vấn ý kiến người dân, đồng thời cung cấp cơ sở vật chất và công nghệ xử lý chất thải hiện đại hơn. “Chỉ khi có sự tham gia tích cực từ cả cộng đồng và cơ quan quản lý, mô hình tổ/đội tự quản thu gom CTRSH mới đạt hiệu quả cao và bền vững” – tác giả đề tài Nguyễn Xuân Bách chỉ rõ.
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát của đề tài cho thấy, phần lớn hộ gia đình lưu giữ rác thải trong thùng có nắp đậy (chiếm 60%), đảm bảo vệ sinh và hạn chế mùi hôi, côn trùng. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ đáng kể hộ gia đình sử dụng thùng không nắp và túi ni lông, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Kết quả phỏng vấn sâu của cán bộ xã Tàm Xá, cũng đã nhấn mạnh việc đạt được tỷ lệ 70% hộ gia đình tham gia là một thành công lớn, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để thuyết phục phần còn lại.
Về cách thức xử lý rác thải, đối với từng loại rác thải, kết quả cho thấy đa số hộ gia đình tái chế hoặc tái sử dụng các loại rác có giá trị như giấy, nhựa, kim loại. Tuy nhiên, tỷ lệ tái chế và tái sử dụng rác hữu cơ vẫn còn thấp, phần lớn được vứt bỏ hoặc chôn lấp, cần tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc ủ phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt.
Bên cạnh đó, phương thức xử lý rác thải sau thu gom chủ yếu là chôn lấp (40%) và thiêu huỷ (30%), cần có những giải pháp bền vững hơn như tái chế, xử lý sinh học để giảm thiểu tác động đến môi trường. Chôn lấp có thể gây ô nhiễm đất và nước ngầm, trong khi thiêu huỷ có thể phát sinh khí thải độc hại. Do đó, cần tìm kiếm các giải pháp bền vững hơn như tái chế và xử lý sinh học để giảm thiểu tác động đến môi trường.
Một điểm nổi bật trong nghiên cứu này cho thấy sự sẵn lòng tham gia của người dân vào các hoạt động phân loại và thu gom chất thải. Điều này phản ánh nhận thức ngày càng cao của cộng đồng về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, vẫn cần cải thiện hơn nữa về cơ sở hạ tầng và công nghệ xử lý chất thải để đáp ứng nhu cầu thực tế và đảm bảo tính bền vững của mô hình quản lý.
Nghiên cứu cho thấy. Để nâng cao nhận thức của người dân về quản lý CTRSHNT, cần triển khai các chương trình giáo dục môi trường tại khu dân cư và thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Nội dung tuyên truyền nên tập trung vào: Lợi ích của việc phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải; Tác hại của việc không quản lý chất thải đúng cách đối với môi trường và sức khỏe con người; Các quy định pháp luật liên quan đến quản lý chất thải…
Thêm vào đó, cần tổ chức các buổi tập huấn, họp cộng đồng cho các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ chưa tham gia hoặc chưa hiểu rõ về mô hình quản lý CTRSHNT. Các buổi tập huấn này nên có sự tham gia của chuyên gia môi trường và các cán bộ quản lý địa phương để giải đáp thắc mắc và cung cấp kiến thức thực tiễn. Đặc biệt, các buổi tập huấn cần được thiết kế thực tế và dễ hiểu, sử dụng các tài liệu trực quan như video, hình ảnh và mô hình để người dân dễ dàng nắm bắt. Ngoài ra, cần có các buổi thực hành tại chỗ để hướng dẫn người dân cách phân loại và xử lý rác thải.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nên phát động các phong trào bảo vệ môi trường tại các khu dân cư, trường học và tổ chức các cuộc thi về phân loại rác, tái chế và tái sử dụng chất thải. Các phong trào này không chỉ giúp nâng cao nhận thức mà còn khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng.
Người dân sẵn lòng tham gia để cải thiện dịch vụ
Kết quả nghiên cứu từ Đề án “Đánh giá mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn dựa vào cộng đồng tại huyện Đông Anh, Hà Nội” đã đưa ra những đánh giá về hiện trạng mô hình quản lý CTRSHNT dựa vào cộng đồng tại thị trấn Đông Anh và ủ phân compost tại xã Tàm Xá. Hiện trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn (CTRSHNT) tại huyện Đông Anh đã có những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như quy trình thu gom chưa đồng bộ, công nghệ xử lý còn thiếu hiệu quả và sự can thiệp của các cơ quan chức năng chưa đủ mạnh mẽ.
85% hộ gia đình nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại và tái chế chất thải, và có thái độ tích cực đối với việc tham gia quản lý chất thải
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đưa ra những kết luận đánh giá sự sẵn lòng tham gia của người dân để cải thiện dịch vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn. 85% hộ gia đình nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại và tái chế chất thải, và có thái độ tích cực đối với việc tham gia quản lý chất thải. Tuy nhiên, mức độ tin tưởng vào cơ quan quản lý nhà nước và sự quan tâm đến các quy trình phức tạp như thu gom chất thải nguy hại còn trung lập, với chỉ 45% hộ dân tin tưởng hoàn toàn vào cơ quan quản lý. Để tăng cường sự tham gia của cộng đồng, cần có thêm các chương trình tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật và minh bạch hóa quy trình quản lý.
Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp hoàn thiện mô hình quản lý CTRSHNT tại huyện Đông Anh. Thứ nhất, nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng, triển khai các chương trình giáo dục về phân loại và tái chế chất thải tại khu dân cư và qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Thứ hai, hoàn thiện hệ thống phân loại và thu gom, phân loại rác, phát triển hệ thống thu gom chất thải chuyên nghiệp và hiệu quả. Thứ ba, cập nhập công nghệ xử lý chất thải hiện đại và đảm bảo sự bền vững của hệ thống quản lý. Thứ tư, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, khuyến khích sự thành lập và hoạt động của các tổ chức tự quản về quản lý chất thải tại các khu dân cư. Tổ chức các cuộc thi đua và khen thưởng để tạo động lực cho cộng đồng tham gia. Thứ năm, phát triển các chính sách hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng.
Chính quyền địa phương nên thiết lập các chương trình hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các hộ gia đình và tổ chức tham gia quản lý chất thải. Nhìn chung, mô hình quản lý CTRSHNT dựa vào cộng đồng tại huyện Đông Anh đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng vẫn cần tiếp tục cải tiến và cập nhật để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Trúc Linh