Mặt trời bắn tia lửa lớn nhất trong gần một thập kỷ
16/05/2024TN&MTNgày 14/5, Mặt trời đã tạo ra ngọn lửa lớn nhất trong gần một thập kỷ, chỉ vài ngày sau khi những cơn bão Mặt trời tấn công dữ dội và tạo cực quang chói lóa ở nhiều địa điểm trên Trái đất.
Bức ảnh do Đài quan sát Động lực học Mặt trời của NASA cung cấp cho thấy sự xuất hiện của một ngọn lửa mặt trời (tia sáng rực rỡ ở bên phải), vào ngày 14/5/2024.
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), đây là đợt bùng phát lớn nhất trong chu kỳ 11 năm của Mặt trời và đang tiến gần đến đỉnh điểm. Tin tốt là lần này Trái đất sẽ nằm ngoài vùng lửa vì ngọn lửa bùng phát trên một phần của Mặt trời đang di chuyển ra xa Trái đất.
Đài quan sát Động lực học Mặt trời của NASA đã chụp được ánh sáng rực rỡ của ngọn lửa tia X. Đây là đợt bùng phát mạnh nhất kể từ năm 2005, được đánh giá trên thang đo cho các loại tia sáng này là X8.7.
Ông Bryan Brasher tại Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian của NOAA ở Boulder, Colorado cho biết, nó có thể còn mạnh hơn nữa khi các nhà khoa học thu thập dữ liệu từ các nguồn khác. Nó diễn ra sau gần một tuần xảy ra các đợt bùng phát và phóng tia plasma hàng loạt có nguy cơ làm gián đoạn nguồn điện và thông tin liên lạc trên Trái đất cũng như trên quỹ đạo.
NASA cho biết, cơn bão địa từ cuối tuần đã khiến một trong những vệ tinh môi trường của họ bất ngờ quay khi độ cao giảm do thời tiết không gian và chuyển sang trạng thái bảo vệ ngủ đông được gọi là chế độ an toàn.
Tại Trạm vũ trụ quốc tế, 7 phi hành gia được khuyên nên ở lại những khu vực có tấm chắn bức xạ mạnh. Theo NASA, phi hành đoàn chưa bao giờ gặp bất kỳ nguy hiểm nào trong những sự kiện như thế này.
Theo daidoanket.vn