
Tối 12/8, tại Quân cảng Nha Trang (Học viện Hải quân) với sự hiện diện đặc biệt của tàu Yết Kiêu, tàu Lê Quý Đôn, tàu Cảnh sát biển cùng những con tàu cá của ngư dân, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp cùng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật mang tên “Mạnh giàu từ biển quê hương”.
Dự chương trình có Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 28 địa phương có biển.
Chương trình nhằm nhìn lại nửa nhiệm kỳ Nghị quyết XIII của Đảng trên các vùng biển, đảo, đặc biệt nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời tăng cường tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, cũng như tôn vinh ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Các đại biểu tham dự chương trình nghệ thuật chính luận "Mạnh giàu từ biển quê hương"
Việt Nam là quốc gia biển với tiềm năng kinh tế dồi dào, giá trị từ biển đem lại vô cùng to lớn. Biển mang lại nguồn sống, sinh kế cho hàng triệu ngư dân đánh bắt hải sản và lao động gắn với nghề biển. Đồng hành, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, phát triển kinh tế biển cũng là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đây cũng là nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết số 36 được coi là “Chiếc chìa khóa vàng” để phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam. Những trụ cột kinh tế được xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam thực hiện được mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, trong đó phát triển kinh tế luôn gắn liền với tăng cường chủ quyền biển đảo Tổ quốc bằng việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại, thực hiện chấp pháp trên biển theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và Luật Biển quốc tế.
Tam Quan Bách (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) có số tàu đánh bắt cá rất lớn với hơn 2.400 tàu, trong đó có 1.400 tàu chuyên câu cá ngừ đại dương. Tàu cá của Tam Quan Bách hiện diện tại các vùng đảo Việt Nam như: Trường Sa, nhà giàn DK1, vùng biển phía Nam,... Sản lượng khai thác hàng năm của Tam Quan Bách đạt hơn 9.000 tấn cá ngừ đại dương, doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Những ngư dân ở đây nhiều đời tiếp nối làm nghề biển.
Giờ đây, bằng công nghệ hiện đại, thế hệ trẻ đang nối tiếp nghề từ cha anh đi trước để những con tàu của Tam Quan Bách vẫn dong buồm ra khơi với ước mong khoang cá chở đầy. Ai cũng hy vọng doanh thu của nghề câu cá ngừ đại dương ở Tam Quan Bách không dừng lại ở con số 1.000 tỷ đồng mỗi năm như hiện nay.
Hỗ trợ ngư dân bám biển, khai thác thuỷ hải sản chính là một trong những giải pháp hữu hiệu vừa tạo cơ hội phát triển kinh tế, vừa bảo vệ được chủ quyền biển đảo. Trong những năm qua đã có nhiều chính sách, nhiều chương trình an sinh xã hội góp phần hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển, yên tâm phát triển kinh tế.
Ngày 12/8, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Lễ ra mắt và phát động ủng hộ Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa. Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa là quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao UBND tỉnh Khánh Hòa trực tiếp quản lý nhằm huy động nguồn lực bổ sung phục vụ phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác trong phòng, chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa. Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, quân và dân cả nước cũng như tỉnh Khánh Hòa nói riêng đã có nhiều chương trình để đóng góp, xây dựng huyện đảo Trường Sa bằng các thiết chế để xây dựng trường học, các cơ sở văn hóa và tạo điều kiện cho ngư dân bám biển. Chính vì thế, Trường Sa đang từng bước thay đổi tích cực, người dân trên đảo có cuộc sống an lành hơn.
Việc ra mắt Quỹ hỗ trợ nghề cá tỉnh Khánh Hòa và sự đóng góp của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước làm cho Quỹ hỗ trợ ngày càng phong phú, tạo điều kiện để hỗ trợ phát triển nghề cá, xây dựng các cơ sở chế biến, cảng cá và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá để ngư dân bám biển có thể đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu ngay tại các ngư trường rộng lớn của mình.
Phát triển kinh tế biển xanh đang là xu hướng được nhấn mạnh trên toàn cầu để góp phần hồi sinh biển và đại dương. Là quốc gia có tiềm năng và lợi thế về phát triển kinh tế biển, Việt Nam đã bắt kịp xu hướng này để phát triển kinh tế biển bền vững.
Trong chiến lược phát triển kinh tế biển tổng thể, lĩnh vực kinh tế hàng hải đóng vai trò quan trọng, trong đó cảng biển là hạt nhân phát triển, là đầu mối tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và lưu thông tới mọi miền đất nước. Vận tải biển chiếm 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, là huyết mạch chính trong hệ thống vận chuyển, phân phối hàng hóa của nền kinh tế.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2020, Việt Nam xếp thứ 40/160 về mức độ phát triển dịch vụ logistics, tăng vượt bậc so với vị trí 53/160 ghi nhận năm 2010, và đứng thứ 3 trong khối ASEAN, chỉ sau Singapore và Thái Lan.
Thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của biển và đại dương khi mà kinh tế biển trở thành nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược biển của các quốc gia thì việc tiến ra biển bằng việc sớm hoàn thiện các chuỗi đô thị biển, đẩy mạnh liên kết vùng để tận dụng lợi thế cảng hàng hải, phát triển các ngành kinh tế biển là con đường không thể khác dành cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Với vai trò quan trọng, việc số hóa từ khâu quy hoạch, quản lý cho tới vận hành của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải mang một ý nghĩa rất lớn, giúp cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư, nhà khai thác có thể quản lý và khai thác cảng biển một cách hiệu quả. Việc số hóa hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải sẽ giúp tối đa hóa công suất vận hành, an toàn khai thác, giảm thiểu sự cố ảnh hưởng đến môi trường và giúp hệ thống cảng hòa nhập vào tiến trình phát triển của hệ sinh thái cảng biển, vận tải hàng hải thế giới. Đây cũng là hệ thống cảng biển đầu tiên và duy nhất trong cả nước xây dựng mô hình số hệ thống cảng biển.
Sáng 10/07/2023, chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên về Việt Nam đã cập bến Kho cảng Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Con tàu Maran Gas Achilles (quốc tịch Hy Lạp), mang trên mình gần 70.000 tấn LNG từ cảng Bontang - Indonesia đến Kho cảng LNG Thị Vải - Việt Nam. Đây là cột mốc quan trọng của PVGAS, một đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam, đồng hành cùng Chính phủ hiện thực hóa cam kết tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức vào tháng 11/2021 với mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Theo ông Nguyễn Giang Ngọc Linh, Phó Quản đốc Kho cảng PVGas Vũng Tàu, việc tiếp nhận chuyến tàu đầu tiên này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thể hiện cam kết của PVGass đối với Chính phủ về việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Khí hóa lỏng này sau khi tái hóa sẽ trở thành nguồn khí để cung cấp cho các Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4, từ đó phát điện đảm bảo năng lượng điện cho quốc gia.
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh khâu đột phá lớn về khai thác dầu khí với các tài nguyên khoáng sản biển khác. Với sứ mệnh góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và là đầu tàu kinh tế, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã trở thành đơn vị kinh tế mạnh trong cả nước và quốc tế, giữ vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng.
Trong hành trình tìm dầu làm giàu cho đất nước, những ngọn lửa được thắp sáng trên đỉnh những giàn khoan giữa đại dương mênh mông chính là biểu tượng của những dòng dầu vẫn đang tuôn trào. Để những ngọn lửa được thắp sáng, sự đóng góp của những người lính nhà giàn DK1 khi trực canh, quan sát, giữ yên bình “đường biên vòng ngoài” trên biển không thể không nhắc tới.
15 nhà giàn DK1 thực sự là những pháo đài thép canh vòng ngoài cho giàn khoan dầu khí khai thác, hoạt động. Sau hơn 30 năm chốt giữ, các nhà giàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong bảo vệ an ninh cho các công trình dầu khí hoạt động. Đó không chỉ là “vành đai thép” án ngữ, là “mắt thần” quan sát, cảnh giác cao độ động thái, ý đồ xâm chiếm, mà còn là những cột mốc sống khẳng định lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế không tranh cãi của Việt Nam.
Những cán bộ, chiến sỹ hải quân thuộc Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân - những người được coi là “bia chủ quyền sống” giữa ngàn khơi ngày đêm bảo vệ nhà giàn DK1 vững chắc, yên bình, không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là sứ mệnh thiêng liêng của cán bộ, chiến sỹ nơi đây, mặc cho khó khăn, vất vả, thiếu thốn bộn bề, mặc cho khí hậu khắc nghiệt, các cán bộ, chiến sỹ vẫn lạc quan kiên cường trụ vững.
Ngày nay, những thành tựu PetroVietnam đạt được chính là sự đóng góp không biết mệt mỏi, không quản gian khổ của lớp lớp thế hệ người dầu khí làm việc, cống hiến từ các nhà máy, công trình trên đất liền đến những giàn khoan giữa biển khơi sóng gió, không chỉ khai thác những giọt “vàng đen” phục vụ phát triển kinh tế đất nước, mà còn là những người chiến sỹ góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Để đảm an toàn cho mỗi chuyến ra khơi thì hệ thống thông tin liên lạc luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng, việc tăng cường hệ thống thông tin liên lạc khu vực biển đảo góp phần đảm bảo mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển.
Mỗi ngày có hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ cùng ngư dân ra khơi với những phương tiện hiện đại, không còn khoảng cách, ngư dân dù lênh đênh giữa muôn trùng sóng nước vẫn có thể dễ dàng kết nối với đất liền. Đến nay, cùng với các đồn biên phòng đã có 29 đài thông tin duyên hải trên cả nước cũng luôn sẵn sàng cung cấp thông tin tàu cá, sóng 4G đã phủ sóng tới 95% khu vực biển đảo Việt Nam.
Việc tăng cường phủ sóng 4G biển đảo không chỉ giúp duy trì thông tin liên lạc với đất liền mà còn có ý nghĩa bức thiết trong việc đảm bảo an toàn cho ngư dân, cán bộ công tác xa bờ. Đồng thời khẳng định vị thế của Viettel – mạng 4G tốt nhất Việt Nam trên con đường tiến tới mục tiêu xã hội số.
Bên cạnh đó, Đài phát sóng Nam Trung Bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức phát sóng vào ngày 16/6 đã góp phần nối dài cánh sóng tiếng nói Việt Nam tới ngư dân và các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ước mơ chinh phục biển cả, giàu mạnh từ biển không chỉ chảy trong huyết quản của mỗi người dân Việt mà còn thể hiện qua những quyết sách và đường lối qua những công trình thế kỷ mang tầm vóc quốc gia, dân tộc. Từ những giọt biển chắt chiu cho đến những giọt dầu nơi thềm lục địa, tất cả đều mang cho mình giấc mơ chinh phục biển của dân tộc Việt.
Thực hiện chiến lược biển, đất nước đang đứng trước vận hội lớn với lợi thế và tiềm năng to lớn, chúng ta tin rằng với sự chung sức đồng lòng của mỗi người dân sẽ tạo nên những bước đột phá trên hành trình tiến ra biển bởi cũng giống như giọt nước làm nên đại dương, góp sức mình làm cho biển giàu biển mạnh.
Yêu biển, bảo vệ biển là trách nhiệm của thế hệ hôm nay và cả mai sau.
Tú Quyên