Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương ra Tuyên bố Cao Bằng
16/09/2024TN&MTNgày 15/9, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Cao Bằng, Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2024 ra Tuyên bố Cao Bằng với nhiều nội dung quan trọng và bế mạc hội nghị.
Hội nghị quốc tế lần thứ 9 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ diễn ra tại Malaysia
Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2024 có chủ đề “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất”.
Bám sát chủ đề đó, Tuyên bố Cao Bằng của hội nghị nêu rõ tinh thần, nhân dân, người dân là chủ thể trong quản lý, bảo tồn, tham gia phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu và cần được hưởng lợi trong quá trình đó.
Lời mở đầu của Tuyên bố Cao Bằng nêu rõ, đứng trước tác động của cơn bão Yagi gần đây và nỗi đau và mất mát chung từ các thảm họa thiên nhiên, chúng ta nhận ra nhu cầu cấp thiết phải thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường Trái đất.
Chúng tôi thừa nhận vai trò quan trọng của các công viên địa chất toàn cầu trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và nuôi dưỡng mối quan hệ hài hòa giữa nhân loại và thiên nhiên.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc hội nghị.
Do đó, nội dung Tuyên bố Cao Bằng xác định, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cần tích cực thu hút cộng đồng địa phương hoặc người dân bản địa, với tư cách là những bên liên quan chính trong Công viên địa chất.
Khi hợp tác với họ, cần soạn thảo và triển khai một kế hoạch đồng quản lý đáp ứng các nhu cầu xã hội và kinh tế của họ, bảo vệ cảnh quan nơi họ sinh sống và bảo tồn bản sắc văn hóa của họ.
Dựa trên cách tiếp cận về quyền con người nhân dân địa phương là những người có liên quan và là người nắm giữ quyền trong quá trình xác định, đề cử, quản lý và bảo vệ Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO cũng như trong việc giới thiệu di sản.
Chúng tôi khẳng định rằng sự đa dạng về địa chất, sinh học và văn hóa có mối liên hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau. Các hoạt động của con người có thể phù hợp với các giá trị của Công viên địa chất khi chúng được tiến hành theo cách bền vững về mặt sinh thái.
Chúng tôi nhận thấy nhu cầu xác định, bảo vệ và tối ưu hóa việc sử dụng di sản phi vật thể để kể những câu chuyện về các quá trình địa chất, lịch sử, văn hóa cũng như các nghi lễ và tín ngưỡng của người dân địa phương, nhằm mục đích nâng cao quyền làm chủ của cộng đồng địa phương và thu hút nhiều du khách hơn đến Công viên địa chất.
Chúng tôi xin cảm ơn tất cả các bên liên quan đã tổ chức hội nghị đã đưa ra sự hợp tác và kết nối tuyệt vời để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Công viên địa chất UNESCO nhằm duy trì cộng đồng địa phương và giảm thiểu rủi ro địa chất cũng như chống biến đổi khí hậu trong tương lai gần.
Ban Tổ chức trao Giấy chứng nhận cho các thành viên có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Trong hội nghị, từ ngày 8-15/9, đã diễn ra nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa. Trong đó, có 6 phiên hội thảo chuyên đề khoa học với hơn 160 bài tham luận có giá trị về nhiều mặt.
Tại phiên bế mạc, Ban Tổ chức trao cờ tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 9 Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2026 được tổ chức tại Langkawi, Kedah, Malaysia; trao Giấy chứng nhận cho các thành viên có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; trao giải Cuộc thi ảnh đẹp về Hội nghị quốc tế lần 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương…
Theo nhandan.vn