
Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
16/03/2023TN&MTPhiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành xem xét cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Theo đó, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước như Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa được Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng tránh và giảm thiểu rủi ro thiên tai,… Tuy nhiên, dự thảo Luật cần tập trung làm rõ hơn quan điểm về chủ động tích nước, trữ nước; điều tiết, bảo đảm đủ nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất; kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước, bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương; và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều nước; thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước; ứng dụng KH&CN trong quản trị, phát triển tài nguyên nước.
Toàn cảnh phiên họp
Về tên gọi của Luật và phạm vi điều chỉnh, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh và tên gọi dự thảo Luật để quản lý toàn diện các hoạt động liên quan đến tài nguyên nước. Bên cạnh đó, ý kiến đề nghị đổi tên Luật thành “Luật Quản lý nguồn nước” cho phù hợp với quản lý nước của các luật về khai thác, sử dụng nước hiện hành; làm rõ lý do không điều chỉnh đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên; bổ sung điều chỉnh đối với nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam,... Đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu làm rõ các ý kiến nêu trên.
Về một số nội dung chính trong Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, liên quan đến nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần rà soát thể hiện cô đọng, rõ nét hơn quan điểm quản lý tổng thể, thống nhất tài nguyên nước, thuận theo tự nhiên nhưng có kiểm soát; đồng thời, cần làm rõ vai trò, chức năng của tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là chức năng điều phối, giám sát khai thác, sử dụng nước để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất với việc bổ sung quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy cho phù hợp; cần đối chiếu, rà soát quy định giá tính thuế tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về thuế, giá và mục đích sử dụng, điều kiện khai thác, đặc điểm kinh tế - xã hội của khu vực, lưu vực sông. Đồng thời, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cũng cơ bản tán thành quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp.
Các quy định trong dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung mới, thể chế hóa các quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần thể hiện rõ hơn quan điểm phân định rõ trách nhiệm quản lý tài nguyên nước với quản lý khai thác công trình của các Bộ, ngành.
Về hiệu lực thi hành, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật để bảo đảm có đủ thời gian cần thiết cho việc triển khai thực hiện; cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để xác định lộ trình thực hiện phù hợp, khả thi của một số quy định, chính sách mới trong dự thảo Luật và thể hiện cụ thể tại quy định về điều khoản chuyển tiếp.
PV