Luật sư Trần Đức Phượng phân tích dấu hiệu pháp lý trong vụ đốn hạ 60 cây gỗ rừng đặc dụng ở Thanh Hóa
16/10/2024TN&MTLiên quan đến vụ việc người dân tự ý khai thác 60 cây gỗ keo tại rừng đặc dụng thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đang được các cơ quan chức năng tiến hành xác minh làm rõ. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra một số phân tích về các dấu hiệu pháp lý trong vụ việc này.
Hiện trường khu vực rừng đặc dụng bị đốn hạ
Ngày 14/10 Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có bài viết “Thanh Hóa: Cơ quan chức năng vào cuộc vụ người dân tự ý khai thác 60 cây gỗ keo tại rừng đặc dụng” phản ánh về việc một số người dân tự ý chặt hạ 60 cây gỗ keo tại khu rừng đặc dụng thuộc Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
Liên quan đến vụ việc trên, dưới góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Dù diện tích cây do người dân tự đầu tư, nhưng việc khai thác vẫn phải theo quy định tại Điều 52 Luật Lâm nghiệp 2017 thì không khai thác tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ trong phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng và chỉ được khai thác tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ trong phân khu dịch vụ; hành chính của rừng đặc dụng.
Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Phượng phân tích: Phương án số 06/PAKT-UBND ngày 18/9/2024 UBND xã Triệu Lộc đã ban hành là cách hiểu và áp dụng sai quy định của pháp luật tại Điều 5 Thông tư 21/2016/TT-BNNPTNT về khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản có quy định thủ tục khai thác rừng tự nhiên phục vụ nhu cầu thiết yếu tại chỗ đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn (trước tháng 11 hàng năm, các chủ rừng có nhu cầu xác định khối lượng gỗ rừng tự nhiên cần khai thác (tối đa không quá 10 m3 gỗ tròn/hộ) gửi bảng kê về UBND xã tổng hợp khối lượng khai thác gỗ rừng tự nhiên toàn xã trình UBND cấp huyện phê duyệt trước ngày 31/12 hàng năm).
Như vậy trong vụ việc này, có thể UBND xã Triệu Lộc đã thực hiện sai về quản lý lâm nghiệp nên dẫn đến tình trạng người dân đã tự ý khai thác như trên.
Trường hợp cây rừng gãy đổ bị khai thác nằm ngoài phần diện tích đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Do không được quản lý đúng quy định nên đã xảy ra vụ việc người dân đã tự ý khai thác nằm ngoài phần diện tích đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.
Trường hợp cây rừng gãy đổ nằm trong phần diện tích đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Số cây gãy đổ vẫn có thể di chuyển ra ngoài phần diện tích này để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt (kể cả nằm trong phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng). Chủ rừng được sử dụng các cây gãy đổ này khi đã di chuyển ra ngoài
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh
Trong trường hợp khẩn cấp để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt thì, Công ty CP đường sắt Thanh Hóa, Hạt kiểm lâm Hà Trung, UBND xã Triệu Lộc sẽ thực hiện các biện pháp để khắc phục dù bất kỳ lúc nào mà không thông qua thủ tục hành chính nào.
Cây rừng gãy đổ nằm trong phần diện tích đảm bảo an toàn giao thông đường sắt như vụ việc trên thì phải thực hiện theo thủ tục. Theo Điều 6 Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản thì không có quy định về việc phê duyệt Phương án khai thác tận dụng gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng đặc dụng do tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư.
Tuy nhiên, với việc cây gãy đổ do bão Yagi gây ra thì chủ rừng thông báo đến Cơ quan Kiểm lâm cấp huyện để cơ quan này cùng với Công ty CP đường sắt Thanh Hóa, Hạt kiểm lâm Hà Trung, UBND xã thực hiện việc khắc phục và di chuyển số cây rừng ra vị trí an toàn. Khi đó, chủ rừng có đơn đề nghị được nhận số cây rừng đã được di chuyển này.
Với thông tin vụ việc trên, do không hiểu đúng về quy định pháp luật nên đã có những ứng xử sai là có hiện tượng người dân đã chặt cây, di chuyển ra khỏi khu vực rừng đặc dụng.
Theo Luật sư Trần Đức Phượng sụ việc trên, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về hồ sơ, thủ tục khai thác lâm sản có nguồn gốc hợp pháp được quy định tại Điều 11 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp.
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng do nhà nước đại diện chủ sở hữu có nguồn gốc hợp pháp nhưng không chấp hành đầy đủ về hồ sơ lâm sản hoặc trình tự, thủ tục khai thác lâm sản theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, tận dụng, tận thu lâm sản từ rừng tự nhiên có nguồn gốc hợp pháp nhưng không chấp hành đầy đủ các quy định về hồ sơ lâm sản hoặc trình tự, thủ tục về khai thác lâm sản theo quy định của pháp luật.
Tài nguyên rừng được xem như những “lá phổi xanh” có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thụ lượng lớn khí thải CO2 và vật chất gây ô nhiễm không khí, đồng thời cung cấp ra môi trường lượng khí oxy giúp làm giảm sự ấm lên của Trái Đất. Bên cạnh đó rừng còn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc ngăn và lưu giữ nước mưa, điều hòa dòng chảy của lớp thảm thực vật góp phần làm giảm thiểu nguy cơ xảy ra sạt lở đất, chống sói mòn và rửa trôi làm bạc màu tài nguyên đất.
Kiều Vượng