Luật Đất đai (sửa đổi): Sẽ giải quyết nhiều vướng mắc, bất cập về chính sách đất đai trong thực tiễn
29/03/2024TN&MTĐã có trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho thấy tầm quan trọng cũng như ảnh hưởng trực tiếp của lĩnh vực đất đai đến đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, Luật Đất đai có tầm ảnh hưởng lớn, tác động và điều tiết nhiều ngành luật khác có liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết nhiều vướng mắc, bất cập về chính sách đất đai trong thực tiễn, đồng thời góp phần đưa công tác quản lý nhà nước về đất đai tiếp tục đi vào nền nếp cũng như sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành TN&MT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành TN&MT tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, khả thi để huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên cho phát triển KT-XH; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp gần nhất; tổ chức triển khai thi hành Luật ngay sau khi được thông qua.
Có thể nói, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đảm bảo được xây dựng đúng theo những nguyên tắc đã được xác định ngay từ khi xây dựng dự án Luật, trong đó, đặc biệt có 4 nguyên tắc nền tảng đã được quán triệt sâu sắc, thống nhất trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý các nội dung còn lại có ý kiến khác nhau của Dự thảo.
Một là, phải tuân thủ Hiến pháp, đây là nguyên tắc tối thượng.
Hai là, quán triệt và thể chế hoá đầy đủ chủ trương của Đảng về đất đai, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Ba là, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là các Luật liên quan vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu như Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi).
Bốn là, thực hiện đúng quan điểm của Trung ương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Cụ thể là quan điểm “những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời”.
Việc sửa đổi Luật Đất đai nhằm đảm bảo tính đồng nhất, phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành; đồng thời, khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị về đất đai.
Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành chính sách pháp luật về đất đai thời gian qua. Các nội dung tại Dự thảo Luật được quan tâm sửa đổi tập trung vào những vấn đề về giao đất, cho thuê đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng; chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ổn định trong trường hợp giao đất, cho thuê đất trả tiền hàng năm; các cơ chế tài chính, quỹ, giá đất; các quy định về phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính,… Cùng với quá trình sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản cũng được sửa đổi và được Quốc hội thông qua. Đây là những căn cứ pháp lý có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản. Việc sửa đổi các luật nêu trên nhằm mục tiêu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững.
Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát huy có hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Có thể nói, quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ Dự thảo Luật đã được dành rất nhiều thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất. Với vai trò hết sức quan trọng của Luật Đất đai, chất lượng của Dự thảo Luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, tránh trường hợp Luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với các hoạt động KT-XH và đời sống của người dân. Các dự thảo Nghị định và văn bản hướng dẫn Luật cần thêm thời gian để hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm có hiệu lực cùng lúc với hiệu lực thi hành của Luật sau khi được ban hành, nhất là một số nội dung mới về giá đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất,... cần có quy định chi tiết để chính sách của Luật đi vào cuộc sống.
Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổng kết, đánh giá Luật Đất đai năm 2013 và có báo cáo đánh giá tác động của các chính sách sửa đổi đến KT-XH, đến người dân, doanh nghiệp để đề xuất lựa chọn phương án phù hợp nhất, đảm bảo tính khả thi trên thực tế và góp phần vào quá trình phát triển kinh tế đất nước. Trong quá trình lấy ý kiến của cử tri và nhân dân trên cả nước, phần lớn các ý kiến quan tâm đến nội dung: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; về đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; về thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; về chế độ, quản lý sử dụng các loại đất,… Điều này cho thấy sự quan tâm của xã hội một cách toàn diện đến Luật Đất đai, càng cho thấy vai trò quan trọng của Luật Đất đai đối với các lĩnh vực KT-XH.
Luật Đất đai được sửa đổi trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, các kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết của Quốc hội và kết quả tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện công tác QLNN về đất đai. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai, đồng thời bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Thời gian tới, Bộ TN&MT chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục rà soát chính sách, pháp luật còn chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai, đặc biệt là các nội dung chính sách lớn, phức tạp để có những sửa đổi cho phù hợp.
TS. ĐÀO TRUNG CHÍNH
Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 1+2 năm 2024