Luất Đất đai 2024 và những quy định, chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số
27/08/2024TN&MTLuật Đất đai 2024 đã có hiệu lực và đi vào thực tiễn cuộc sống với nhiều điểm mới, trong đó có những chính sách hỗ trợ đất đai cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để giúp người dân hiểu rõ các quy định, phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật liên quan đến các nội dung này.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật
PV: Thưa Luật sư, theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, đất chăn nuôi tập trung thuộc nhóm đất nào?
Luật sư Diệp Năng Bình: Theo khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 và khoản 5 Điều 4 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai thì “Đất chăn nuôi tập trung” là đất xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung tại khu vực riêng biệt theo quy định của pháp luật về chăn nuôi, thuộc vào nhóm đất nông nghiệp.
PV: Việc xác định loại đất dựa trên căn cứ nào trong quy định của Luật Đất đai 2024, thưa ông?
Luật sư Diệp Năng Bình: Theo khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2024, việc xác định loại đất dựa trên một trong các căn cứ sau đây: Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 137 của Luật này đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận; quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận.
Đồng thời, theo Điều 7 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP, trường hợp không có giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai thì việc xác định loại đất căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất để xác định loại đất.
Trường hợp có giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai mà loại đất trên giấy tờ khác với phân loại đất theo quy định tại Điều 9 Luật Đất đai và các điều 4, 5 và 6 Nghị định này thì loại đất được xác định theo quy định tại Điều 9 Luật Đất đai và các điều 4, 5 và 6 Nghị định này. Việc xác định các loại đất cụ thể được xác định trong quá trình thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai có liên quan.
Trường hợp đang sử dụng đất có giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2024 mà loại đất trên giấy tờ khác với hiện trạng sử dụng đất thì loại đất được xác định theo giấy tờ đó, trừ các trường hợp sau:
Trường hợp có giấy tờ về quyền sử dụng đất đã sử dụng đất ổn định trước ngày 15/10/1993, trên giấy tờ thể hiện loại đất nông nghiệp nhưng hiện trạng đang sử dụng vào mục đích đất phi nông nghiệp thì loại đất được xác định theo hiện trạng sử dụng như trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 138 Luật Đất đai;
Trường hợp có giấy tờ về quyền sử dụng đất đã sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 trở về sau, trên giấy tờ thể hiện loại đất nông nghiệp nhưng hiện trạng đang sử dụng vào mục đích đất phi nông nghiệp thì loại đất được xác định theo hiện trạng sử dụng như trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 138 Luật Đất đai.
PV: Nhà nước có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu như thế nào cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thưa ông?
Luật sư Diệp Năng Bình: Theo Điều 16 Luật Đất đai 2024 quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó: Có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng để bảo đảm ổn định cuộc sống như sau:
Giao đất ở trong hạn mức và được miễn, giảm tiền sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận hoặc được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; giao đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền sử dụng đất; cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất; diện tích giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được tính cho tổng diện tích đất được Nhà nước giao, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quá trình thực hiện các chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức mà thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì được hỗ trợ đất đai như sau (Điều 8 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP):
Đối với trường hợp không còn đất ở thì được giao đất ở hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở; người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở theo quy định của UBND cấp tỉnh.
Trường hợp thiếu đất ở so với hạn mức giao đất ở thì được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở và được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở.
Đối với trường hợp không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% diện tích đất so với hạn mức giao đất nông nghiệp của địa phương thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
>>> Luật Đất đai đi vào thực tiễn sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất
>>> Luật sư Trần Hồng Tình: Một số lưu ý khi thay đổi về sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Sỹ Tùng (thực hiện)