Liệu dân số toàn cầu giảm có tốt cho môi trường không?
03/09/2024TN&MTTheo xem xét của các chuyên gia, dân số toàn cầu có thể đạt đỉnh sớm hơn nhiều so với dự kiến, tức đạt 10 tỷ người vào năm 2060, sau đó bắt đầu giảm.
Đến năm 2100, khả năng cao thế giới sẽ chỉ còn 6 quốc gia có tỷ lệ sinh cao hơn tỷ lệ tử. 97% các quốc gia còn lại dự kiến có tỷ lệ sinh thấp
Ở các nước giàu có, tình trạng giảm dân số xảy ra. Cụ thể, dân số Nhật Bản đang giảm mạnh, với mức giảm ròng là 100 người/giờ. Ở châu Âu, châu Mỹ và Đông Á, tỷ lệ sinh cũng giảm đi trông thấy. Nhiều quốc gia có thu nhập trung bình hoặc thấp được nhận xét cũng sắp chứng kiến dân số giảm đi. Đây là một sự thay đổi lạ thường. Chỉ 10 năm trước, các nhà nhân khẩu học đã dự đoán rằng dân số toàn cầu có thể lên đến 12,3 tỷ người, tăng từ mức khoảng 8 tỷ người hiện nay.
Trong 50 năm qua, một số nhà nghiên cứu đã cố gắng cứu lấy môi trường bằng cách giảm tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu. Điều này được thể hiện rõ nhất khi vào năm 1968, The Population Bomb dự báo có thể sẽ xảy ra nạn đói lớn và kêu gọi kiểm soát tỷ lệ sinh trên diện rộng để hạn chế nguy cơ. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với một thực tế rất khác, rằng tốc độ tăng trưởng dân số đang chậm lại một cách không kiểm soát và chưa được lên kế hoạch. Câu hỏi đặt ra hiện nay là việc dân số toàn cầu giảm có ý nghĩa gì với môi trường?
97% các nước trên thế giới sẽ chứng kiến tỷ lệ sinh giảm
Đối với phần lớn châu Âu, Bắc Mỹ và một số vùng ở Bắc Á, tình trạng suy giảm dân số đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Cụ thể, tỷ lệ sinh đã giảm đều đặn trong 70 năm qua và vẫn ở mức thấp, trong khi tuổi thọ cao hơn có nghĩa là số lượng người rất già (trên 80 tuổi) sẽ tăng gấp đôi ở những khu vực này trong vòng 25 năm.
Trung Quốc vẫn là quốc gia đông dân nhất thế giới, chiếm 1/6 dân số toàn cầu. Song hiện nước này cũng đang chứng kiến dân số suy giảm, với tốc độ suy giảm dự kiến sẽ tăng nhanh chóng. Đến cuối thế kỷ, Trung Quốc được dự đoán sẽ còn ít hơn 2/3 so với mức 1,4 tỷ người hiện nay. Sự sụt giảm đột ngột này là do Chính sách Một con kéo dài, tuy đã kết thúc vào năm 2016 nhưng được nhận định là quá muộn để ngăn chặn sự sụt giảm.
Nhật Bản từng là quốc gia đông dân thứ 11 trên thế giới, nhưng nay dự kiến sẽ giảm một nửa trước khi thế kỷ này kết thúc. Đến năm 2100, khả năng cao thế giới sẽ chỉ còn 6 quốc gia có tỷ lệ sinh cao hơn tỷ lệ tử, gồm Samoa, Somalia, Tonga, Niger, Chad và Tajikistan. 97% các quốc gia còn lại dự kiến có tỷ lệ sinh thấp hơn mức 2,1 trẻ em/phụ nữ.
Dân số giảm và mối liên hệ đến môi trường
Được biết, người cao tuổi thường có nhiều khả năng sẽ ở trong nhà lâu hơn và sống một mình trong những ngôi nhà lớn. Vì vậy, khi dân số già tăng, điều này gây ra sự chênh lệch lớn trong việc sử dụng tài nguyên.
Các quốc gia giàu có xu hướng tiêu thụ năng lượng nhiều hơn. Vì vậy, khi các nước trở nên giàu hơn và khỏe mạnh hơn, nhưng có ít trẻ em hơn, khả năng cao dân số toàn cầu sẽ là nhóm người phát thải nhiều.
Vấn đề nảy sinh tiếp theo là sự đảo lộn gây nên bởi biến đổi khí hậu. Khi thế giới nóng lên, kéo theo di cư cưỡng bức, tức mọi người rời khỏi khu vực đang sống để thoát khỏi hạn hán, xung đột hoặc thảm họa do khí hậu gây ra, số người di cư được dự đoán sẽ tăng vọt lên 216 triệu người trong vòng 1/4 thế kỷ. Di cư cưỡng bước có thể làm thay đổi mô hình phát thải, tùy thuộc vào nơi mọi người chọn để chuyển đến sinh sống.
Nhìn chung, mối liên hệ giữa dân số giảm và tác động môi trường vẫn là một câu hỏi mở. Trừ khi chúng ta cùng lúc cắt giảm khí thải và thay đổi mô hình tiêu dùng ở các nước phát triển, bằng không, vẫn sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh mà thiên nhiên, môi trường sẽ phải chịu đựng, từ đó gây tác động không nhỏ đến đời sống con người.
Theo baothuathienhue.vn