Liên Hợp Quốc kêu gọi bảo tồn bền vững đại dương, chấm dứt ô nhiễm nhựa
20/04/2022TN&MTNăm 2022 đánh dấu kỷ niệm 40 năm kể từ khi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển được thông qua. Đây là dịp để các quốc gia xem xét và làm mới các cam kết đối với đại dương, sử dụng bền vững, bảo tồn đại dương và giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa.
Mở rộng các khu vực bảo tồn, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa
Đại dương được coi như “lá phổi” của hành tinh, bởi nó cung cấp hầu hết lượng oxy cho toàn bộ hành tinh. Ngoài ra, môi trường biển và đại dương cung cấp cho lục địa một lượng hơi nước rất lớn, sinh ra mây, mưa để duy trì cuộc sống con người, sinh vật trên Trái Đất và có tác dụng điều hòa khí hậu.
Mới đây, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Abdulla Shahid đã kêu gọi cộng đồng quốc tế mở rộng các khu vực bảo tồn biển, hỗ trợ cộng đồng khoa học và giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa tại hội nghị Đại dương của chúng ta lần thứ 7. Đồng thời, cách duy nhất để bảo vệ đại dương là các bên liên quan cùng nhau “lội ngược dòng” nhằm đưa ra các giải pháp hữu hiệu.
Theo đó, 4 giải pháp chính về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương và biển đã được Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đưa ra.
Thứ nhất, kêu gọi mở rộng các khu bảo tồn. Mặc dù đại dương bao phủ khoảng 70% diện tích hành tinh, nhưng chưa đến 8% trong số đó được bảo vệ. Theo ông, Hội nghị Đại dương năm nay tiếp tục tạo động lực toàn cầu về vấn đề này. 6 hội nghị trước đó đã dẫn đến hơn 1.400 cam kết, lên tới hơn 90 tỷ USD, bảo vệ ít nhất 5 triệu km2 đại dương.
Thứ hai, dữ liệu và thông tin khoa học đại dương có thể được sử dụng để cung cấp thông tin cho các chính sách và chương trình. Năm 2021, Liên Hợp Quốc đã tuyên bố khởi động Thập kỷ Khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững. Theo ủy quyền của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ủy ban Hải dương học liên chính phủ (IOC) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đang làm việc với các nước thành viên để tăng cường năng lực quốc gia về khoa học nhằm hiểu rõ hơn và cải thiện việc quản lý đại dương, bờ biển và hệ sinh thái.
Trong năm nay, một số hội nghị cấp cao quốc tế lớn cũng đang được tổ chức để tăng cường bảo vệ đại dương. Vào cuối tháng 6/2022, Bồ Đào Nha sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Đại dương của Liên Hợp Quốc nhằm tìm cách thúc đẩy các giải pháp đổi mới dựa trên khoa học cần thiết và bắt đầu một chương mới của hành động đại dương toàn cầu.
Kêu gọi cộng đồng quốc tế cam kết mở rộng các khu vực bảo tồn biển, hỗ trợ cộng đồng khoa học và giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa.
Thứ ba, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận ra và giải quyết các mối đe dọa mà đại dương phải đối mặt. Trong đó, nhấn mạnh báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) được đưa ra như một lời cảnh tỉnh với mọi người. Điển hình là chỉ trong vài tuần qua, Ban quản lý công viên hải dương Great Barrier Reef (GBRMPA) và Viện Khoa học biển Australia (AIMS) cho biết biến đổi khí hậu đã gây ra vụ tẩy trắng hàng loạt rạn san hô Great Barrier Reef lần thứ 6.
Thứ tư, nhấn mạnh là "giải quyết ô nhiễm nhựa". Ông cho biết, mới tuần trước, các nhà nghiên cứu lần đầu tiên tìm thấy hạt vi nhựa trong phổi của con người, qua đó cho thấy quy mô và mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Bên cạnh đó, theo ước tính, nhựa mất hàng trăm năm để phân hủy và chỉ khoảng 20% lượng nhựa được tạo ra từ những năm 1950 được đốt hoặc tái chế thành công.
Được biết, năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 40 năm kể từ khi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển được thông qua. Đây là dịp để các quốc gia xem xét và làm mới các cam kết đối với đại dương, quản trị, sử dụng bền vững và bảo tồn đại dương.
Tại Hội nghị lần thứ 31 Các quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) diễn ra tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ tháng 6/2021, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh, UNCLOS 1982 là khuôn khổ toàn diện điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, góp phần vào việc bảo đảm an toàn, an ninh, tự do hàng hải, duy trì hoà bình và an ninh quốc tế và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Việt Nam đã và đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán phân định biển với các nước trong khu vực, bảo vệ môi trường biển, hợp tác song phương và đa phương trong duy trì an ninh biển, chống nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không được quy định và không được điều chỉnh, phát triển kinh tế biển.
“Hồi sinh: Cùng hành động vì Đại dương”
Biển và đại dương là kho tài nguyên vô tận với rất nhiều loài động thực vật, cung cấp một lượng lớn khoáng sản, khoáng chất dạng muối, đặc biệt là dầu khí. Biển cung cấp năng lượng gió, thủy triều. Biển và đại dương là con đường giao thông vận tải có ý nghĩa to lớn.
Trong năm 2022, Liên Hợp Quốc lựa chọn chủ đề “Hồi sinh: Cùng hành động vì Đại dương” (Revitalization: Collective Action for the Ocean) cho Ngày Đại dương thế giới (8/6). Chủ đề này truyền đi thông điệp thể hiện tầm quan trọng của các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức giúp hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển với mục tiêu phát triển bền vững.
Hưởng ứng Ngày Đại Dương thế giới, với Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đề xuất chủ đề “Vì một Đại dương xanh”. Đây là một trong những mục tiêu đặt ra nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Năm 2022 nhiệm vụ cụ thể của Việt Nam là chủ động tham gia xây dựng thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa.
Trước đó, ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương (Đề án). Đề án dựa trên quan điểm thực hiện chủ trương, đường lối và định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; tiên phong trong khu vực trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; góp phần xây dựng và thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa hiệu quả.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho biết, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta luôn kiên định và thống nhất về việc xây dựng một khung thoả thuận toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương.
Cụ thể, tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó một trong những mục tiêu quan trọng Chiến lược đặt ra là đến năm 2030: “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”. Một trong những giải pháp trong Chiến lược là “Nghiên cứu tham gia các điều ước quốc tế quan trọng về biển, trước mắt ưu tiên các lĩnh vực về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy hình thành khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.
Đến tháng 9/2021, Việt Nam cùng với CHLB Đức, Ecuador và Ghana đồng chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương với mục tiêu xây dựng động lực để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương. Đáng chú ý, một trong những kết quả đáng ghi nhận của Hội nghị là 76 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua Tuyên bố Bộ trưởng nhằm xây dựng động lực và ý chí chính trị để thúc đẩy một chiến lược toàn cầu chặt chẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương.
Thông qua Tuyên bố này, Việt Nam đã tiến thêm bước nữa trong việc tiếp tục khẳng định những cam kết chính trị của mình với cộng đồng quốc tế, góp phần gửi tín hiệu mạnh mẽ tới UNEA-5.2 về sự ủng hộ rộng rãi đối với việc thành lập Ủy ban Đàm phán liên chính phủ để bắt đầu tiến trình đàm phán cho một Thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.
Theo kinhtemoitruong.vn