Liên Hợp Quốc: Đầu tư xe điện mở ra con đường chống biến đổi khí hậu
17/04/2022TN&MTBáo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc đã chỉ ra sự nghiêm trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như những giải pháp cần được thực thi để giải quyết vấn nạn này, trong đó có việc phát triển xe điện.
Theo NBC, suốt thời gian qua, các hậu quả của biến đổi khí hậu như cháy rừng, mực nước biển dâng hay lốc xoáy đã tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống của con người. Làm thế nào để giảm thiểu những tác động này là trọng tâm của của báo cáo vừa được công bố bởi Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC). Tham gia báo cáo này là 230 tác giả, nhà nghiên cứu trên toàn thế giới.
Hỉnh ảnh đất đai cằn cỗi tại Afghanistan vì biến đổi khí hậu
Kỷ nguyên giao thông thân thiện với môi trường
Các nhà nghiên cứu nhận định công nghệ kỹ thuật giúp cho giá thành của năng lượng tái tạo ngày càng giảm và việc đầu tư vào xe điện là một trong những yếu tố quan trọng nhất để mở ra con đường chống lại biến đổi khí hậu.
Báo cáo cho thấy, vào năm 2019, giao thông là nguyên nhân gây ra 15% lượng khí thải nhà kính trên toàn thế giới. Thậm chí tới hiện tại, vẫn chưa có phương án hiệu quả nhất để loại bỏ hoàn toàn lượng carbon từ các hoạt động giao thông. Tuy vậy, việc xe điện dần trở nên phổ biến hơn có thể là lời giải cho vấn đề này.
Tiến sĩ Jae Edmonds, thành viên Viện Nghiên cứu thay đổi toàn cầu, và một trong những tác giả tham gia báo cáo của IPCC nói với NBC: “Công nghệ chúng ta đang có đã thay đổi định kiến về việc không thể tạo ra một môi trường giao thông không khí thải. Nhưng giờ chúng ta đã có thể thấy con đường đó trên những chiếc xe điện. Kể từ năm 2010 tới nay, giá của pin xe điện và pin năng lượng mặt trời đã giảm tới 85%, chi phí vận hành điện gió giảm 55%, thậm chí, trong một số trường hợp đặc biệt còn thấp hơn nguyên liệu hóa thạch. Đây chính là dấu hiệu về một kỷ nguyên giao thông thân thiện với môi trường”.
Vào năm ngoái, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết về mục tiêu giảm khí thải toàn cầu để ngăn Trái Đất nóng lên 1,5 độ C vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, lượng khí thải cần đạt đỉnh vào năm 2025 rồi giảm 43% vào năm 2030. Tuy vậy, lượng khí thải toàn cầu vẫn không có dấu hiệu suy giảm, dù tốc độ gia tăng đã chậm lại.
Các báo cáo trước đây của IPCC cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong một thế giới ấm lên trung bình 1,5 độ C so với 2 độ C. Vượt quá 1,5 độ C có thể có tác động không thể đảo ngược đối với hệ sinh thái. Hạn chế sự nóng lên toàn cầu sẽ giúp mực nước biển không dâng quá cao, giúp cho các sinh vật biển không mất đi 50% môi trường sống.
VinFast của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đang đầu tư mạnh mẽ vào xe điện
Khí thải nhà kính và trách nhiệm của quốc gia giàu có
Theo báo cáo của IPCC, 10% dân số thế giới tới từ các quốc gia giàu có phải chịu trách nhiệm cho 34 - 45% tổng lượng khí thải nhà kính mỗi năm. Trong khi đó, 50% dân số toàn cầu tới từ các quốc gia đang phát triển chỉ tạo ra 15% khí thải nhà kính mỗi năm. Kết quả này trùng hợp với báo cáo về bất bình đẳng carbon của Viện Môi trường Stockholm (Thụy Điển) thực hiện, khi 1% dân số giàu nhất thế giới chịu trách nhiệm về sản lượng khí nhà kính nhiều gấp đôi lượng ô nhiễm của 3,1 tỉ người nghèo nhất.
Bên cạnh đó, báo cáo của IPCC cũng khẳng định, việc tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác nhiên liệu hóa thạch sẽ chỉ làm đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu, không hề giảm bớt lượng khí thải nhà kính. Công nghệ thu và lưu trữ carbon có thể giúp tái chế thiết bị và cơ sở vật chất dùng trong sản xuất nhiên liệu hóa thạch, nhưng điều kiện tiên quyết là phải chuyển đổi sang các loại nhiên liệu xanh.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres thể hiện quan điểm: “Ném thêm tiền vào cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch là sự điên rồ cả về đạo đức và kinh tế. Với tốc độ chuyển đổi năng lượng, việc đầu tư vào thiết bị sử dụng nhiên liệu hóa thạch có thể khiến những tài sản này trở nên "mắc cạn", có nghĩa là chúng sẽ mất giá trước khi có thể thu được về mặt tài chính và gây ô nhiễm môi trường”.
Theo thanhnien.vn